Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: ĐẨY MẠNH “6 DÁM” ĐỂ CHỮA TRỊ “BỆNH” SỢ TRÁCH NHIỆM!

         Sợ trách nhiệm trong thực hành công vụ của cán bộ, đảng viên là một hiện tượng tâm lý tiêu cực, được ví như một “căn bệnh” nguy hại hiện nay. Tuy đây chỉ là một “hiện tượng” ở “một bộ phận” cán bộ, đảng viên, nhưng nó đã và đang là “hiểm họa” không nhỏ, làm suy giảm nghiêm trọng vị thế, uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Vì vậy, một trong những “phương thuốc” hữu hiệu để từng bước khắc phục là đẩy mạnh thực hiện “6 dám” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là một trong những đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp cách mạng, là “mệnh lệnh” của cuộc sống.
Sợ trách nhiệm - một hiện tượng tâm lý tiêu cực.

Khi đề cập đến căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ” . Sợ trách nhiệm cũng chính là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã khẳng định. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phẩm chất “6 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” , nhằm góp phần từng bước khắc phục triệt để căn bệnh “trầm kha” này trong cán bộ, đảng viên.Theo ý nghĩa của Từ điển tiếng Việt, “trách nhiệm” có nghĩa là phần việc được giao phải gánh vác, phải nhận lấy về mình và làm tròn cho đến khi có kết quả như mong đợi. Nếu kết quả không tốt thì chủ thể “có trách nhiệm” phải đương đầu với hậu quả. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên bên cạnh những phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của cương vị công tác, còn phải có bản lĩnh vững vàng, dám vượt qua mọi khó khăn thử thách và sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình. Thực tiễn đất nước ta, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo đã ghi nhận lớp lớp cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Dấu ấn nổi bật là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trên tất cả các lĩnh vực để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định. Với tinh thần “6 dám”, dũng khí không sợ trách nhiệm vì lợi ích chung mà đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung của Đảng đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, trì trệ, lạc hậu. Nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay. Vì vậy đã ngày càng củng cố tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên nắm giữ các cương vị chủ trì, chủ chốt tại một số ngành, lĩnh vực và địa phương vì những nguyên nhân khác nhau, còn sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu dũng khí cách mạng trong thực thi công vụ. Đây chính là một trong những trở lực lớn đối với sự phát triển của đất nước, gây lãng phí không nhỏ về sức người, sức của; làm suy giảm uy tín, tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Sự hiện hữu của thực trạng nêu trên tuy chỉ là “hiện tượng” ở “một bộ phận”, nhưng nó dễ lây lan và hết sức nguy hại. Hiện tượng này đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải “phẫu thuật” căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Góp phần nhận diện căn bệnh “sợ trách nhiệm” 
Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đối lập với tinh thần tự tin, tính quyết đoán, khát vọng cống hiến và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách, của người cán bộ, đảng viên. Những người không sợ trách nhiệm thường mạnh dạn đổi mới sáng tạo và xả thân vì sự nghiệp chung, quyết tâm thực hiện chức phận đến cùng, không né tránh, đùn đẩy cho người khác. Họ là hiện thân của tinh thần “6 dám”, không vì sợ sai, sợ trách nhiệm mà để chậm tiến độ, giảm chất lượng, hiệu quả công việc, nhất là những nhiệm vụ quan trọng, trong các tình thế cấp bách cần phải được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, tinh thần “6 dám”, không sợ trách nhiệm không có nghĩa là cố tình làm liều, làm sai, làm trái với pháp luật và lương tâm, đạo đức, không vì lợi ích chung.Ngược lại, người sợ trách nhiệm luôn e dè, thận trọng đến mức thái quá trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Thậm chí còn “nhắm mắt cho qua” những sai phạm của người khác, thiếu bản lĩnh, không có tinh thần chiến đấu với cái sai, cái xấu. Không chỉ không dám đổi mới, mà đôi khi người sợ trách nhiệm còn sẵn sàng “lờ” đi những ý tưởng sáng tạo có tính đột phá trong cải tiến công tác của đồng nghiệp và cấp dưới. Vì muốn “yên vị” với chức vụ, địa vị và danh lợi của bản thân, gia đình, mà người sợ trách nhiệm chỉ “sính” cách làm theo lối mòn, nếp cũ. Kể cả khi những “lối mòn” đó đã không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương mình. Nhưng nó lại là “bệ đỡ” cho sự “an toàn” của cá nhân mang “bệnh” sợ trách nhiệm. Vì vậy, sợ trách nhiệm là triệt tiêu sáng tạo, kìm hãm tư duy trực giác và cũng là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Căn bệnh này trái ngược với bản lĩnh, phẩm chất đạo đức của người cách mạng chân chính, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm cũng chính là “cha đẻ” của tính bảo thủ ở người cán bộ, đảng viên. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã nói: “Tính bảo thủ tức là không có sáng kiến. Trước thế nào là sau cứ làm thế. Không có chịu nghĩ ra cái mới...” . Vì vậy, tính bảo thủ là nguyên nhân chính tạo ra “sức ì” trong mỗi con người trước những yêu cầu phải có tư duy đổi mới và sáng tạo không ngừng. Hiện nay, tính bảo thủ, tư tưởng “dậm chân tại chỗ” ở người cán bộ, đảng viên không còn đơn thuần chỉ là “chậm tiến”, mà thực chất đã “thoái bộ”, thụt lùi, kìm hãm sự tiến bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Cho nên chúng ta có thể khẳng định, tính bảo thủ, không dám quyết đoán, sáng tạo trong công tác không chỉ do trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế, mà còn do sự “chế ngự” của một loại “vi-rút sợ trách nhiệm”!.Theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình... việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể bàn, chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền” . So với người có phong cách lãnh đạo độc đoán, người sợ trách nhiệm thường bộc lộ quan điểm theo xu hướng ngược lại, không rõ lập trường. Mặc dù đều là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nhưng người độc đoán thường lạm dụng chức vụ, quyền hạn, dùng sức nặng của “uy tín giả” để tạo sức ép, thậm chí gây khó khăn với cấp dưới và đồng nghiệp.

Trong khi đó, người sợ trách nhiệm lại tỏ ra “giữ mình”, thậm chí “né tránh” khi nhiệm vụ đòi hỏi phải có chính kiến cụ thể. Trước những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, mặc dù có đủ thẩm quyền quyết định, nhưng người sợ trách nhiệm chỉ bày tỏ quan điểm chung chung, “gió chiều nào xoay chiều ấy”, không quyết đoán. Thậm chí tìm cách “đẩy lên trên”, hay “đá sang ngang”, hoặc “đùn xuống dưới” để miễn sao sẽ “vô can” nếu như chất lượng công việc kém hoặc gây ra hậu quả xấu. Vì thế, người sợ trách nhiệm thường bảo thủ trì chệ, ngại khó, sợ phiền, lười đổi mới sáng tạo, cá nhân chủ nghĩa, không phù hợp với những tiêu chuẩn phẩm chất của người cán bộ, đảng viên hiện nay.

* Một vài thực trạng và nguyên nhân 

Trên thực tế, căn bệnh “sợ trách nhiệm”, “đi lững thững” trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được “điều trị” hiệu quả, thậm trí còn có dấu hiệu trầm trọng hơn khi “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đang ở giai đoạn quyết liệt, không có vùng cấm. Đã có không ít cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức vụ, quyền hạn cao, nhưng thiếu dũng khí, không dám quyết đoán, chỉ chú tâm làm việc theo lối mòn, nếp cũ để “giữ ghế” sao cho “an toàn” và “bon bon” đi qua nhiệm kỳ. Trong khi yêu cầu nhiệm vụ cần phải đổi mới, linh hoạt, sáng tạo thì họ chỉ làm theo cách mà “người ta đã làm, đang làm” và vẫn “an toàn” cho nên đã để lại không ít hệ lụy đối với đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước.Hiện tượng tâm lý tiêu cực “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” trong cán bộ, đảng viên hiện nay không phải là hiếm gặp, báo chí đã phản ánh rất nhiều về điều này. Xu hướng làm việc cầm chừng, miễn sao làm tròn bổn phận, không dám mạnh dạn “xé rào” vì sợ lỡ làm sai sẽ không có người đứng ra bảo vệ cũng không còn là chuyện lạ. Chúng ta thấy rằng, việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập vừa qua, về mặt chủ trương là đúng đắn, phù hợp với sự phát triển chung của đất nước trong bối cảnh thế giới hiện nay. Đành rằng quá trình triển khai thưc hiện không tránh khỏi những bất cập trong điều kiện chúng ta “vừa chạy, vừa xếp hàng” để từng bước hoàn thiện cơ chế. Nhưng về mặt chủ quan là do cơ quan, đơn vị còn lúng túng, cán bộ còn sợ sai, sợ vi phạm. Không ít cán bộ, đảng viên có tư tưởng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” cho nên không dám làm, hoặc làm không tới nơi tới trốn, hiệu quả thấp. 

Đơn cử trong lĩnh vực Y tế, sau hơn 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, đã có một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin dừng thí điểm vì quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều “rủi ro” liên quan đến vấn đề tài chính và trách nhiệm của cán bộ. Vừa qua, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở bệnh viện và cơ sở y tế, ảnh hưởng đến hoạt động khám, điều trị bệnh cho nhân dân, mà nguyên nhân chủ quan do không ít cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu tích cực, chủ động trong đàm phán giá thuốc men, vật tư y tế và tổ chức đấu thầu tập trung. Tương tự như vậy, nhìn lại chặng đường khi cả nước ta “oằn mình” phòng, chống dịch Covid-19, mặc dù giai đoạn khó khăn nhất đã qua, Chính phủ đã ban hành quy định về thích ứng an toàn, nhưng một số địa phương vẫn duy trì các biện pháp “ngăn sông cấm chợ”. Do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân của địa phương cũng chỉ vì sợ phát sinh ca nhiễm, để dịch bệnh bùng phát sẽ bị phê bình và phải chịu trách nhiệm.Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên đang dần trở nên khá phổ biến và để lại hậu quả khôn lường. Nguyên nhân khách quan tập trung chủ yếu ở các quy định của pháp luật cũng như cơ chế, chính sách về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung còn bất cập, việc triển khai thực hiện còn lúng túng. Bên cạnh đó, đã có những hội nghị, hội thảo cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan. Trong đó, ngoài các nguyên nhân do tính bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân cũng không thể không nói đến năng lực, trình độ của cán bộ còn hạn chế, chưa cập nhật các quy định của pháp luật có liên quan một cách kịp thời, cho nên còn sợ làm sai.

* Khắc phục bệnh “sợ trách nhiệm”

Sợ trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên hiện nay được xem như một “căn bệnh” nguy hại, cần phải “phẫu thuật”, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Để khắc phục có hiệu quả tình trạng này, cũng như “kích hoạt” và đẩy mạnh thực hiện “6 dám” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên không sợ sai, sợ trách nhiệm. Vì vậy, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Trước đó, ngày 28-7-2021, Ban Chấp hành Trung ương cũng ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”. Quy định này chỉ rõ: “... kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung…”.Đây chính là nguồn động lực to lớn, là điều kiện rất thuận lợi để cán bộ, đảng viên tự tin vượt qua “rào cản tâm lý” sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, để khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”, trước hết cần phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, quy định nêu trên cũng như các quy định khác của pháp luật. Muốn vậy, bên cạnh việc khuyến khích dũng khí không sợ trách nhiệm, cần thường xuyên quan tâm giúp đỡ, động viên cán bộ, đảng viên, nhất là những người được giao việc mới, việc khó vững tin làm tròn trách nhiệm. Từ đó khơi dậy, thúc đẩy phẩm chất “6 dám” vì lợi ích chung thực sự được phát huy và mang lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. 

Theo đó, Dám nghĩ thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo, là ngọn nguồn của những cách làm mới, hiệu quả. Vì vậy, dám nghĩ sẽ khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, lạc hậu ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Dám nói thể hiện dũng khí, tính cương trực, thẳng thắn, bày tỏ quan điểm rõ ràng; khắc phục tình trạng thiếu chính kiến, “dĩ hòa vi quý”, “ngậm miệng ăn tiền”, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ. Dám làm thể hiện thái độ và hành động quyết liệt, khẩn trương, không ngại khó khăn, gian khổ, “miệng nói tay làm”, thậm chí “xé rào” làm những việc chưa có tiền lệ, vì lợi ích chung, chứ không phải vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Người dám làm không chấp nhận tư tưởng bảo thủ, lười biếng, hời hợt, ngại khó, sợ sai và sợ trách nhiệm. Nhưng dám làm không có nghĩa là làm liều, làm trái với Hiến pháp, pháp luật và kỷ luật của Đảng.Một trong những phẩm chất rất quan trọng của người cán bộ, đảng viên hiện nay là Dám chịu trách nhiệm. Phẩm chất này thể hiện bản lĩnh vững vàng, không lùi bước trước khó khăn và sẵn sàng đón nhận hậu quả nếu như kết quả của việc làm vì lợi ích chung không đạt được như mong muốn; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hay đổ lỗi cho người khác. Dám đổi mới sáng tạo là mạnh dạn gạt bỏ những lối mòn, nếp cũ đã lỗi thời lạc hậu để tìm ra hướng đi, cách làm mới hiệu quả hơn. Người có phẩm chất dám đổi mới sáng tạo không chấp nhận tính bảo thủ, trì trệ, “dậm chân tại chỗ”. Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung cũng là phẩm chất không thể thiếu trong nhân cách người cán bộ, đảng viên. Là sự thể hiện bản lĩnh, lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm không ngại khó khăn, gian khổ, biết đặt lợi ích của tập thể lên trước, lên trên lợi ích của cá nhân. Đây là một trong những chuẩn mực của đạo đức cách mạng, không thể dung hòa với chủ nghĩa cá nhân.

Như vậy, nhằm bổ sung, phát triển Nghị quyết Đại hội XII về phẩm chất “3 dám”: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định tinh thần “6 dám”. Đây là những yêu cầu quan trọng về phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng nước ta hiện nay. Quán triệt, thực hiện “6 dám” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là nội dung, biện pháp quan trọng góp phần từng bước khắc phục triệt để căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay./.
------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập 1.
3. Nguyễn Phú trọng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét