Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta gần 80 năm qua cho thấy, ở bất kỳ thời điểm nào, chất lượng bộ đội, nhất là chất lượng về chính trị luôn phụ thuộc lớn vào tư cách, phẩm chất, năng lực của đội ngũ chính ủy, chính trị viên.
Tháng 12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân, dân Hà Nội cùng quân, dân cả nước đứng lên chiến đấu. Các chính trị viên luôn sát cánh động viên, cùng bộ đội chiến đấu dũng cảm trên các chiến hào, trong từng góc phố, đánh bật nhiều đợt tiến công của quân Pháp.
Điển hình như Chính trị viên Lê Gia Định đã đập kíp bom ba càng, dũng cảm hy sinh ngay trước thềm Bắc Bộ Phủ, diệt cả tiểu đội địch. Các chiến sĩ Vệ quốc đoàn chiến đấu đến người cuối cùng tại Nhà máy Điện Yên Phụ, đầu cầu Long Biên…; giao tranh quyết liệt với quân Pháp ở nhiều vị trí quan trọng trong thành phố. Đại đội 134 gan góc chiến đấu suốt ngày đêm, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch; các chiến sĩ quyết tử dùng bom ba càng xông lên diệt xe tăng địch, nhiều đồng chí dũng cảm hy sinh. Đại đội trưởng Vũ Công Định dùng tiểu liên, súng ngắn, sau đó đánh giáp lá cà với địch và hy sinh dũng cảm; Chính trị viên Lê Chí Thực cùng cán bộ, chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng...
Ngày 14/02/1947, Tiểu đoàn Quyết tử 101, sau 57 ngày đêm chiến đấu giữ Liên khu 1, chỉ còn 130 tay súng. Tiểu đoàn phó Nguyễn Hùng, Bí thư Khu bộ Ngô Lê Động hy sinh. Chính trị viên kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Khu Đồng Xuân Đỗ Tần và Chính trị viên Lê Thản bị thương vẫn bám trụ, chỉ huy đơn vị chiến đấu.
Trong Chiến dịch Biên giới 1950, chiến sĩ La Văn Cầu không chút do dự nhờ đồng đội chặt cánh tay bị thương, tiếp tục lao lên đánh bộc phá; Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình bịt hỏa điểm, tạo thuận lợi cho đơn vị xông lên diệt địch... Trong các trận chiến đấu đó, người chính trị viên đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, khơi dậy lòng căm thù giặc, xác định ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn để bộ đội chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ chính uỷ, chính trị viên cùng cơ quan chính trị quán triệt quyết tâm của Trung ương và Tổng Quân ủy tới cán bộ, chiến sĩ, vượt khó khăn gian khổ, hy sinh, đoàn kết một lòng đưa chiến dịch đến toàn thắng. Có được thành công đó trong mỗi giai đoạn chiến dịch là công việc vô cùng khó khăn của người chính uỷ, chính trị viên, bởi động viên bộ đội có ý chí quyết tâm đã khó, nhưng làm công tác tư tưởng khi thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” càng khó khăn hơn. Đội ngũ chính uỷ, chính trị viên đã tiến hành khẩn trương, liên tục công tác giáo dục, thuyết phục, chỉ đạo giải quyết từ chi bộ, từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng, nên dù gặp vô vàn khó khăn, bộ đội vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, nhanh chóng kéo pháo ra, khẩn trương cấu trúc lại trận địa, bảo đảm thực hiện đúng phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, đã xuất hiện bao tấm gương hy sinh quên mình, tiêu biểu như: Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện... Người chiến sĩ được giáo dục, rèn luyện, thử thách trong khói lửa chiến tranh đã chiến đấu, hy sinh tất cả cho lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc. Công tác Đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch đã có sự phát triển toàn diện và ở đỉnh cao, nổi bật là việc đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng và củng cố quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, lấy chi bộ làm cơ sở.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vai trò đội ngũ chính uỷ, chính trị viên tiếp tục được phát huy, luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi lời nói, việc làm, là linh hồn, ngọn cờ để cán bộ, chiến sĩ noi theo, đồng thời làm tốt công tác Đảng, công tác chính trị, tạo nên sức mạnh to lớn trong công tác, huấn luyện và chiến đấu. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đội ngũ chính uỷ, chính trị viên bằng năng lực, phẩm chất của mình đã động viên, khơi dậy trong cán bộ, chiến sĩ tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với niềm tin mãnh liệt: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”…, để động viên bộ đội chiến đấu, chiến thắng.
Biết bao tấm gương quên mình của người chiến sĩ xuất hiện trong chiến đấu và phẩm chất người chính uỷ, chính trị viên cũng được thể hiện sâu sắc, sáng chói. Tiêu biểu như hành động của Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân trong trận chiến đấu ngày 18/11/1964 trên trọng điểm Cha Lo, miền tây Quảng Bình. Trong khói bom, lửa đạn của quân thù, Nguyễn Viết Xuân dù bị thương, gãy nát chân phải, vẫn tiếp tục chỉ huy, động viên bộ đội chiến đấu... Và trong giây phút trận địa gần như im hẳn tiếng súng bắn trả, chỉ còn tiếng máy bay địch gầm rít, tiếng bom rơi, bỗng vang lên lời hô của Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân: “Phản lực Mỹ không có gì đáng sợ. Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Hành động anh dũng tuyệt vời đó đã tiếp thêm ý chí, sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 vững vàng trên mâm pháo, tiếp tục nhả đạn đánh máy bay địch. Khẩu đội trưởng Nguyễn Duy Dĩnh, quần áo bốc lửa vẫn bình tĩnh chỉ huy khẩu đội bắt mục tiêu; các chiến sĩ: Nguyễn Văn Hường, Nguyễn Đặng, Đặng Văn Đinh bị thương nặng vẫn tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu cho đến kết thúc trận đánh...
Mệnh lệnh chiến đấu: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” của Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội phòng không và quân, dân cả nước, trở thành khẩu hiệu hành động và được phát động thành phong trào thi đua bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ... Như vậy, chính uỷ, chính trị viên không chỉ là người cầm cờ, phất cờ ở vị trí tiên phong trong chiến đấu, huấn luyện, công tác; “phất cờ” trong lòng chiến sĩ; là linh hồn, sức mạnh, ý chí của bộ đội trong các trận chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, mà còn là người chắc tay súng, trực tiếp chiến đấu, động viên bộ đội, biến sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ thành sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù./.
Yêu nước ST.
bài rất hay
Trả lờiXóa