Đi học về, cậu con trai lớp 9 đưa cho anh bức thư, nói "cô giáo gửi cho ba mẹ". Ông bố không khỏi bất ngờ khi mở bì thư ra...
Anh P.L., ở TPHCM kể, cách đây hai ngày, khi đi học về, cậu con trai đưa cho anh một bức thư, nói: "Cô giáo gửi cho bố mẹ". Anh mở bức thư ra, không khỏi bất ngờ với những thứ trước mắt mình.
Trong bì thư cô giáo chủ nhiệm lớp con anh gửi có một số tiền, kèm tấm thiệp với nội dung được in sẵn: "Xin chân thành cảm ơn tình cảm của phụ huynh dành cho GVCN (giáo viên chủ nhiệm), GVCN xin ghi nhận tình cảm của phụ huynh, còn quà thì xin được gửi lại phụ huynh, mong phụ huynh thông cảm".
Trong đoạn nội dung này, từ "phụ huynh" được cô giáo viết hoa một cách trân trọng.
Ở phần dưới, có tên cô giáo chủ nhiệm.
Ông bố lặng người, xúc động, cảm xúc rất khó tả trước bức thư mình nhận được từ cô giáo chủ nhiệm của con.
"Thật trân trọng!", ông bố xúc động, nói ngắn gọn.
Anh P.L. cho biết, con mình học lớp 9 tại một Trường THCS ở Củ Chi, TP HCM. Số tiền trong bì thư cô giáo gửi lại là khoản tiền vợ anh đã chuyển khoản mừng cô giáo nhân dịp 20/11 vừa qua. Cô giáo không nhận, tế nhị gửi lại phụ huynh kèm lời cảm ơn và sự trân quý.
Trước đó, cũng tại Củ Chi, TP HCM, một giáo viên tiểu học đã gửi tin nhắn đến phụ huynh trong lớp về việc mình sẽ không nhận hoa, quà, phong bì dịp 20/11.
Trong tin nhắn gửi phụ huynh, cô bày tỏ, hiện nay nhiều công ty giảm việc làm, cắt giảm công nhân, kinh tế nhiều gia đình khó khăn. Bởi vậy, cô mong ngày 20/11, phụ huynh đừng lo lắng chuyện quà cáp cho thầy cô.
"Cô sẽ không nhận hoa, quà, phong bì hay bất cứ tặng phẩm nào vào ngày 20/11, kể cả trước hay sau ngày 20/11. Cô vẫn luôn yêu thương và dạy học sinh bằng hết trách nhiệm của mình", trích tin nhắn của cô giáo.
Cô chia sẻ, hai năm trước, từ sau dịch Covid-19 cô đã muốn gửi tin nhắn này nhưng khi đó chưa đủ dũng khí. Năm nay, cô quyết định "nói không" với quà cáp, phong bì không chỉ để giảm gánh nặng cho phụ huynh mà còn để bản thân được nhẹ lòng.
Cô không muốn mình, công việc dạy học của mình bị "ràng buộc" từ những chiếc phong bì, từ những món quà. Bởi đi cùng những đồng tiền mang ý nghĩa tri ân, cảm ơn của phụ huynh còn thường kèm những mưu cầu, đòi hỏi, đổi chác.
Hơn nữa, cô không muốn nhìn thấy cảnh những đứa trẻ mới lớp 1, lớp 2 cầm phong bì tặng thầy cô, không muốn thấy học trò của mình sớm quen với " văn hóa phong bì". .
Cách đây không lâu, trong buổi giao lưu về người thầy - Hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 5, TP HCM - kể về câu chuyện hậu 20/11, một phụ huynh gõ cửa phòng hiệu trưởng "méc" về việc mình bị cô giáo của con... trả lại phong bì.
Trong bó hoa anh mang đến tặng cô giáo của con ngày hôm đó đã được vợ anh gài thêm tấm thiệp chúc mừng nhỏ nhắn. Lúc anh ra bãi gửi xe để về, bất ngờ thấy cô giáo túm áo dài chạy theo, gọi tên anh.
Cô tiến lại, cầm hai tay, gửi lại chiếc thiệp chúc mừng và nói: "Em nhận bó hoa nhưng em xin phép được gửi lại cái này. Anh yên tâm, em sẽ chăm sóc các con hết sức mình".
Sau đó, vị Hiệu trưởng hỏi han người đồng nghiệp "từ chối phong bì". Cô giáo trẻ nói về lựa chọn của mình: "Em không nhận phong bì của bất cứ phụ huynh nào. Em đi làm, đã được trả lương. Em muốn giữ cho lòng mình sự thoải mái nhất để làm công việc của mình, để đối xử bình đẳng với tất cả học trò".
Cô giáo trẻ xin phép từ chối lời đề nghị tuyên dương từ nhà trường vì với cô, đó là việc bình thường, là trách nhiệm của người thầy./.
Môi trường ST.
tấm lòng tốt của cô giáo với phụ huynh
Trả lờiXóa