Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: TĂNG CƯỜNG TRUYỀN THÔNG, PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ VĂN HÓA!

     Phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò hết sức quan trọng để đưa chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống. Trong lĩnh vực văn hóa, vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông thời gian qua được dư luận hết sức quan tâm vì sẽ góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ngăn ngừa, chấn chỉnh kịp thời những hành vi xâm hại giá trị của di sản, phản văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục,...

Khi internet về đến từng ngõ ngách, buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội cho người dân tiếp cận các giá trị văn hóa trong nước và ngoài nước.

Tuy nhiên sự cởi mở ấy cũng ít nhiều gây ra những nhiễu loạn trong nhận thức, thực hành văn hóa của người dân, đòi hỏi cần phải đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật giúp người dân có ý thức hưởng thụ, sáng tạo và gìn giữ văn hóa theo đúng các chuẩn mực, quy tắc pháp luật mà Nhà nước đã quy định.

Trong thời kỳ công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành văn hóa.

Thực tế ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc phổ biến pháp luật về văn hóa cho người dân vẫn còn hạn chế. Các phương pháp tuyên truyền pháp luật phổ biến vẫn là xe thông tin lưu động, băng-rôn, khẩu hiệu, xây dựng tiểu phẩm, cán bộ cơ sở đến từng cụm dân cư giải thích, vận động, phát thông tin, tờ rơi,...

Chính vì thế, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ một số chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, dẫn đến thực hành sai, gây tác động tiêu cực đến giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương. Ngày 7/10 vừa qua, màn biểu diễn hát then đàn tính tổ chức ở thác Bản Giốc (Cao Bằng) có sự tham gia của 1.000 người đã lập kỷ lục “Màn biểu diễn hát then, đàn tính lớn nhất Việt Nam”.

Sự kiện mặc dù được thực hiện với mục đích tốt đẹp là khơi gợi niềm tự hào của người dân về di sản văn hóa bản địa, nhưng về mặt chuyên môn, một số chuyên gia văn hóa đã lo ngại, đặt câu hỏi: việc đưa di sản văn hóa hát then trong một không gian lớn và đông người như vậy liệu đã đúng cách chưa, có đúng với tinh thần Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa hay không?

Trước đó, sự kiện hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng thuộc di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Huế, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Sống cùng di sản, tái tạo và tạo di sản: Việt Nam và thế giới” cũng đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Lý do là các nghệ nhân đã biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản, không đúng nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ “tính thiêng”, “tập tục”, “kiêng kỵ” và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản. Từ đây cho thấy nhiều chủ thể chưa thật sự hiểu biết đầy đủ kiến thức liên quan đến quy định, chuẩn mực và tính pháp lý cần thiết khi thực hành văn hóa.

Quan sát các lễ hội diễn ra trong năm, nhất là dịp đầu xuân, chúng ta không khó để nhận diện những hoạt động không đúng với quy định pháp luật. Dễ thấy nhất là hiện tượng đánh bài, xem bói, đốt vàng mã, phát tán tài liệu liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật… Không hiếm trường hợp người thực hành văn hóa có hành vi tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung và giá trị di sản văn hóa phi vật thể, làm hư hại các hiện vật tại các di tích, bảo tàng...

Nhiều năm qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến giáo dục pháp luật về văn hóa cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên trong thời kỳ hội nhập, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay, các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống đến người dân là chưa đủ.

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật văn hóa cho người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều nội dung liên quan đến công tác truyền thông pháp luật. Năm 2022, Bộ đã xây dựng và ban hành đề án: “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2022-2026”, tiếp đó là “Kế hoạch Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)”.

Ngay từ đầu năm 2023, Bộ đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023. Mới đây, ngày 20/9/2023, Bộ ban hành kế hoạch số 3925/KH-BVHTTDL về việc phổ biến giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hiểu biết và ý thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Trong bối cảnh hiện nay, các phương tiện truyền thông hiện đại là công cụ rất hữu hiệu để phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa cho cộng đồng. Tất nhiên, vì văn hóa rất đa dạng, phong phú, mỗi địa phương, vùng miền lại có những đặc thù riêng, tập tục khác nhau nên cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải uyển chuyển, phù hợp với từng đối tượng.

Bên cạnh việc phát huy hiệu quả của phương pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật truyền thống cũng cần tận dụng, khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông hiện đại, trong đó có vai trò của báo chí, truyền hình, đồng thời huy động lợi thế của mạng xã hội. Với sự trợ giúp của công nghệ, những thông tin được tích hợp giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận, tra cứu, lưu trữ, đối chiếu.

Hiện nay tại một số tỉnh miền núi, khu vực biên giới như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai đã làm tốt việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, nhóm Zalo để chuyển tải, phổ biến thông tin pháp luật tới từng người dân. Ngành văn hóa, cơ quan báo chí địa phương đã dành thời lượng cần thiết để đưa các thông tin phổ biến pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân.

Sự kết hợp hài hòa giữa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cho người dân thông suốt các quy định pháp luật, từ đó điều chỉnh các hành vi của mình cho phù hợp.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật, một chương trình truyền thông rõ nét về phổ biến pháp luật văn hóa cần được xây dựng bài bản, đồng bộ. Các giải pháp công nghệ cần phải được áp dụng để xây dựng nội dung mang tính hệ thống, dễ hiểu với đại đa số người dân, nhưng cũng phải phù hợp với đặc thù về văn hóa của các vùng miền.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phải đa dạng, thí dụ gắn nội dung tuyên truyền trong các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, các vở diễn sân khấu truyền hình, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách pháp luật về văn hóa trên các cổng thông tin điện tử, trên báo chí...

Mục tiêu là làm sao để các chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa cập nhật thường xuyên và đi vào đời sống rõ rệt, giúp cho người dân thực hành văn hóa với tinh thần thượng tôn pháp luật, hiểu biết kiến thức pháp luật và áp dụng vào đời sống. Để có một chương trình hành động như vậy cần một sự đầu tư thỏa đáng của ngành văn hóa từ cơ sở vật chất đến đội ngũ nhân lực.

Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc là một nền văn hóa mà ở đó chủ thể của văn hóa chính là mỗi người dân đều hiểu biết các chính sách pháp luật, thực hành văn hóa theo các chuẩn mực được quy định. Và những chính sách tốt về văn hóa chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi được truyền thông hiệu quả.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trọng tâm của xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện chính là đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ cũng nhấn mạnh yếu tố xây dựng con người mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Những kiến thức về pháp luật trong văn hóa sẽ giúp cho mỗi người dân lựa chọn cách ứng xử hợp lý, đúng đắn, tránh các xung đột không cần thiết, biết sống hài hòa giữa lợi ích của mình và lợi ích của cộng đồng, không vi phạm các quy định của pháp luật. Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc là một nền văn hóa mà ở đó chủ thể của văn hóa chính là mỗi người dân đều hiểu biết các chính sách pháp luật, thực hành văn hóa theo các chuẩn mực được quy định. Và những chính sách tốt về văn hóa chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi được truyền thông hiệu quả./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét