Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: THẦY GIÁO NGUYỄN TẤT THÀNH!

     Khoảng đầu tháng 9 năm 1910, trước khi ra đi tìm đường cứu nước, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Hồ Chí Minh, dưới tên gọi Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Tại đây, Người đã xin dạy học ở trường Dục Thanh, một trường học tiến bộ, cả nước biết tiếng. Đây là một trường tư thục do các nhân sĩ yêu nước Nguyễn Trọng Lôi và Nguyễn Quý Anh thành lập năm 1907.

Thời gian đầu, thầy Thành ở nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại vườn nhà của ông Nguyễn Quý Anh. Tại trường Dục Thanh, Người được phân công dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp nhì. Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những bài thơ ca yêu nước, chẳng hạn như bài Á tế á ca, Bài ca hớt tóc. Những ngày nghỉ, thầy Thành đưa học sinh đến thăm các gia đình nghèo ở bến cá Cồn Chà, bãi biển Thương Chánh. Qua những lần đi dã ngoại này, thầy Thành tranh thủ giảng thêm cho các em về địa lý, lịch sử nước nhà, về các anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo. Thầy còn phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh tham quan phong cảnh trong vùng. Với kiến thức uyên thâm, lối sống giản dị, hòa nhã và sự tận tâm trong nghề dạy học, Người được đồng nghiệp kính trọng, học sinh thương yêu, quý mến.

Tháng 02 năm 1911, Nguyễn Tất Thành lưu luyến rời trường Dục Thanh đi vào Sài Gòn. Khi đến thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, Người xin được việc làm trên tàu Amiral Latouche Tréville. Ngày 05/6/1911, từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn, Người rời Tổ quốc đi sang Pháp nhằm thực hiện hoài bão từng nung nấu là xem các nước phương Tây “họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc (tên Bác Hồ lúc ở nước ngoài) đã lớn tiếng tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp là “làm cho dân ngu để dễ bề cai trị” và “gieo rắc một nền giáo dục đồi bại và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”. Năm 1919, thay mặt Hội người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội các cường quốc ở Mác-xây bản yêu sách, trong đó có điểm đòi để cho nhân dân Việt Nam được “tự do học tập”, nhà nước phải “mở các trường học, các trường kỹ thuật, nghề nghiệp ở các tỉnh”…

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, một trong những nội dung cơ bản nhất là xây dựng và hoàn thiện con người thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục. Thật vậy, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh nói với đồng bào cả nước rằng, giặc dốt cũng nguy hại như giặc ngoại xâm và giặc đói. Chính vì thế, Người kêu gọi nhân dân cả nước nỗ lực học tập, bởi vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Từ đó, Người xem việc nâng cao dân trí là “một công việc cần phải thực hiện cấp tốc” để làm cho “mọi người Việt Nam, ai cũng đều có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Đồng thời, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến nhiệm vụ có tính chiến lược của sự nghiệp giáo dục là vun trồng và bồi dưỡng thế hệ trẻ nhằm kế tục sự nghiệp của cha ông trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9/1945, Người viết: “Non sông có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Câu nói nổi tiếng của Người “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” mãi mãi là kim chỉ nam của đường lối giáo dục cho tất cả các giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc chăm lo giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, bên cạnh phát huy nội lực, cần phải có sự giao lưu hội nhập với các nền văn hóa khác, học tập, tiếp thu những thành quả khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến để áp dụng vào Việt Nam. Muốn vậy, cần gửi nhiều học sinh đi học tập, đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới. Chủ trương này của Bác đã được Đảng và Nhà nước ta từng bước thực hiện, đưa hàng ngàn học sinh, sinh viên sang Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác học tập, nghiên cứu, trở thành những cán bộ chủ chốt, những nhà khoa học đầu đàn của nước ta sau này./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét