Xây dựng Đảng về tổ chức: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng Đảng về tổ chức là vấn đề có ý nghĩa then chốt; sức mạnh của Đảng là sức mạnh của tổ chức, là sức mạnh của hệ thống chính trị trong tổ chức, từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan nhà nước đến các đoàn thể nhân dân. Theo Người, mục đích của xây dựng Đảng về tổ chức là làm cho Đảng trở thành một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; một tổ chức có sức mạnh chiến đấu với một đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức, bởi vậy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương phải thật sự chặt chẽ, có ý thức kỷ luật cao. Sức mạnh của mỗi tổ chức, đoàn thể có sự liên quan chặt chẽ với nhau, tạo nên sức mạnh chung của cả hệ thống, mặc dù mỗi cấp độ tổ chức có chức năng và nhiệm vụ riêng. Trong hệ thống tổ chức đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ, vì chi bộ là tổ chức hạt nhân chính trị ở cơ sở, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường trực tiếp cho việc tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên.
Xây dựng Đảng về công tác cán bộ: Nhận thức rõ vai trò quan trọng của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(4). Theo đó, việc sử dụng, cất nhắc cán bộ “phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái”(5). Trên cơ sở những ưu điểm, năng lực của người cán bộ mà đề bạt, cất nhắc họ một cách khách quan, công tâm, đúng người, đúng việc. Người làm công tác cán bộ “nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục” và như thế là “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(7). Một chân lý lớn lao mà Người căn dặn Đảng phải thực hiện cho kỳ được trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào để Đảng có được những cán bộ, đảng viên tốt, xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, đó là Đảng phải hết sức quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, phải coi đó là “một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(8) trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng để không lạc hậu đối với cuộc sống, ngày càng tiến bộ không ngừng. Người chỉ rõ: “Thời đại chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng... làm cách mạng để tự giải phóng và để cải tạo xã hội cũ xấu xa thành xã hội mới tốt đẹp... là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ... Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang,... Muốn gột sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải”(9).
Thực tiễn phong phú hơn 92 năm qua của cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng. Tại Đại hội IV (năm 1976), Đảng ta đã tổng kết công tác xây dựng Đảng được thực hiện theo phương châm: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về “chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Đến Đại hội XII của Đảng (năm 2016), nội dung xây dựng Đảng về đạo đức được nhấn mạnh: “Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức””(10). Xây dựng Đảng về đạo đức luôn gắn liền và nằm trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nhưng nay được định danh, được đặt ngang hàng với các mặt công tác xây dựng Đảng khác, đã thể hiện ý chí của Đảng là đề cao, coi trọng yếu tố đạo đức trong xây dựng Đảng. Đây là một trong những điểm mới, rất căn bản và trọng yếu trong việc mở rộng nội dung xây dựng Đảng. Tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), công tác xây dựng Đảng về cán bộ đã trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: “Phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(11), đồng thời, Đại hội cũng khẳng định, công tác cán bộ là “khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt” xây dựng Đảng vững mạnh về “chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Từ đó, đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ trong thời gian tới.
LHQ- ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét