Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Vạch trần luận điệu xuyên tạc của Trần Trung Đạo


Vừa qua, trên trang “Danlambao. Com” có đăng bài viết “Nguồn gốc CS của Ngày Nhà Giáo Việt Nam” của Trần Trung Đạo. Bài viết đã xuyên tạc Ngày Nhà giáo Việt Nam và nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ nhất, xuyên tạc lịch sử, ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam

Với tư tưởng hận thù chế độ cộng sản nên bất kỳ sự kiện gì liên quan đến các nước xã hội chủ nghĩa, Trần Trung Đạo đều phủ nhận, xuyên tạc. Với những hoạt động liên quan đến các nhà giáo cũng vậy, y phủ nhận ngày 20/11 hàng năm là “Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo” vì đó là do các nước xã hội chủ nghĩa hay người đứng đầu là lãnh tụ của Đảng Cộng sản tổ chức. Trong bài viết, Trần Trung Đạo cho rằng: “Ngày Nhà Giáo Thế Giới do UNESCO quy định là ngày 5 tháng 10 và tuyên bố lần đầu năm 1994” và Việt Nam “là nước duy nhất chọn ngày do tổ chức Cộng Sản quốc tế ấn định”. Sự thật thì sao?

Tháng 8/1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Warszawa (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hằng nǎm là “Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Trong ngày 20/11/1958, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh đến các vùng biên giới hải đảo. Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Từ đó đến nay, đây là Ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Điều này thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc và hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Ngày 20/11 cũng là dịp để các thế hệ học sinh tri ân công ơn dưỡng dục của các thầy cô, là dịp để lớp lớp học trò ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành biết ơn đến các nhà giáo.

Không chỉ người Việt Nam trân trọng ngày hiến chương các nhà giáo 20/11 mà nhiều người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng đánh giá cao ý nghĩa to lớn của hoạt động này. Laura Ann Murphy – Hiệu phó Phụ trách chương trình Quốc tế – Trường Trung học Wellspring Hà Nội cho rằng: “Ngày nhà giáo ở Việt Nam thật tuyệt vời! Việt Nam có ngày kỷ niệm 20/11 cho thấy đất nước trân trọng các nhà giáo vì sự đóng góp, cống hiến của họ”.  Ronan Sean Tierney – Giáo viên Khoa Quốc tế trường Trung học Wellspring Hà Nội rất bất ngờ khi biết có ngày nhà giáo ở Việt Nam: “Thời gian mới tới Việt Nam dạy học, tôi đã rất bất ngờ khi biết ở đất nước của các bạn có kỷ niệm ngày nhà giáo. Cả đất nước Ireland quê hương tôi lẫn nước Anh nơi tôi dành hầu hết năm tháng học tập đều không có ngày nhà giáo. Tôi nghĩ nên có ngày này – điều đó thể hiện sự ghi nhận những cống hiến của các thầy, cô trong ngành giáo dục”. Điều đó cho thấy, việc Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn trân trọng, ghi nhận và có những hoạt động tôn vinh những đóng góp của nhà giáo trong sự nghiệp trồng người và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ hai, xuyên tạc nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước ta                

Trần Trung Đạo cho rằng: “Dưới chế độ CS thì khác. Các hội chuyên nghiệp được lập ra không phải là để hoạt động, phát triển, tương thân tương trợ giữa những người cùng nghề nghiệp mà để cho đảng dễ kiểm soát. Hội Nhà Giáo cũng trong cùng số phận và được chỉ đạo chặt chẽ từ trên cấp trung ương đến từng trường học, từng tổ giảng dạy. Tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “kỹ sư tâm hồn” chỉ là những mỹ từ làm mát lòng các thầy cô”. Đây là luận điệu xuyên tạc nền giáo dục xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng ở nước ta.

Nhìn lại lịch sử xã hội loài người, mỗi chế độ xã hội có một nền giáo dục tương ứng, phục vụ giai cấp lãnh đạo và lợi ích của xã hội. Nếu nền giáo dục đi ngược lại điều đó thì sẽ không tồn tại và phát triển được. Không thể có chuyện ở chế độ phong kiến phải xây dựng nền giáo dục không phục vụ lợi ích của các “triều đình”. Càng không thể có chuyện ở chế độ tư bản chủ nghĩa phải xây dựng nền giáo dục không phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản. Chẳng nhà cầm quyền nào cổ súy và tiếp nhận những tư tưởng, việc làm để phát triển nền giáo dục cần phải đứng ngoài chính trị và lật đổ giai cấp cầm quyền.

Nền giáo dục ở Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, gắn với chế độ xã hội chủ nghĩa. Luận điệu cho rằng, muốn phát triển nền giáo dục Việt Nam cần phải xóa bỏ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – đó là sự hoang tưởng, chẳng hiểu gì về giáo dục và chính trị.

Có một sự thật hiển nhiên mà các nhà “dân chủ cuội” đều biết nhưng vẫn trơ trẽn xuyên tạc, phủ nhận: Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử và nhân dân Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử xã hội loài người. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành và có cuộc sống sung sướng, tự do. Thành quả, cơ đồ của dân tộc ta được như ngày hôm nay là công lao, mồ hôi, xương máu biết bao thế hệ người Việt Nam, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ vĩ đại, trong đó có sự hy sinh của hàng triệu đảng viên. Lợi ích của Đảng tất cả chỉ vì dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vậy nền giáo dục Việt Nam phải đi theo hướng nào khi xóa bỏ cái sự thật hiển nhiên ấy.

Từ những vấn đề trên cho thấy, những nội dung trong bài viết “Nguồn gốc CS của Ngày Nhà Giáo Việt Nam” chỉ là luận điệu xuyên tạc về lịch sử, ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam và phủ nhận nền giáo dục xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét