Vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại
Nước ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo là
truyền thống quý báu của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền
thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển, người thầy vẫn luôn được Nhân dân yêu
mến và ca ngợi. Từ xưa đến nay, trong dân gian ai cũng thuộc câu: “không thầy đố
mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng
là thầy). Cả đến khi công thành doanh toại, người ta cũng nhắc nhau: “Mười năm
rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”.
Trong
xã hội phong kiến – khi mà tri thức là thầy, thầy là tri thức, thầy có quyền
ban phát tri thức cho người học. Thì thời đại ngày nay, tri thức không còn nằm
độc quyền trong tay người thầy nữa mà bản thân người học có thể tìm kiếm tri thức
ở nhiều nguồn khác nhau, người thầy lúc này chỉ là người làm cầu nối, là một
trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học.
Ngày
nay, xã hội càng phát triển vai trò của người thầy ngày càng được nâng lên. Kiến
thức là một biển trời rộng lớn bao la, người học không thể nào tự nắm bắt chọn
lọc. Thì lúc đó vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn, họ sẽ là người chỉ
đường dẫn lối đưa người học đến gần hơn với bến bờ tri thức.
Đất
nước ta trong quá trình mở cửa hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việt Nam trên đà phát triển
đòi hỏi cần phải có một đội ngũ trí thức hùng hậu, có kiến thức, trình độ
chuyên môn, khoa học – kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp. Đây là đội ngũ có trọng
trách phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng
thành công xã hội chủ nghĩa; đưa đất nước sánh bước cùng các nước trong khu vực
và trên thế giới. Để thực hiện thành công vấn đề trên thì đòi hỏi phải đào tạo
cho được những con người có “đức” có “tài” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -
xã hội của đất nước; và để đào tạo được đội ngũ trí thức thì cần phải có đội
ngũ thầy, cô giáo có năng lực chuyên môn và tâm huyết với nghề trong sự nghiệp
trồng người.
Người
thầy có trách nhiệm không chỉ dạy chữ mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu
người học bằng cả trái tim và lòng bao dung. Biết đánh thức tiềm năng trong mỗi
người học, khơi dậy và phát triển cái nội lực của người học. Qua đó đã cho thấy
vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đó là người mở đường để người học
tự thân vận động nhiều hơn. Gieo hạt nhưng hạt muốn vươn thành cây thì phải dựa
vào chính bản thân mình. Dạy cho người học biết tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi,
tra cứu phát hiện ra những điều mới mẻ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học hiệu
quả. Nghĩa là giúp người học phát triển trí tuệ tư duy, tiếp thu kiến thức một
cách chủ động chứ không phải thụ động trong tiếp nhận tri thức.
Để
làm được điều đó thì đòi hỏi người thầy phải tự rèn luyện mình cho xứng đáng với
vai trò của người thầy. Muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết bản thân
mình phải đáng được tôn trọng. Người thầy phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong
hành vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái,… đối với người
học phải hết lòng yêu thương, chỉ bảo, đối với người khác phải có lối sống giản
dị, lành mạnh, trong sáng, đối với công việc phải tận tụy, có kỷ luật, sáng tạo
và luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng, xã hội, để mọi người tôn trọng
và kính nể.
Đất
nước ta trong quá trình mở cửa hội nhập và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, xây dựng và phát triển đất nước, thì vai trò của người thầy lại càng mang
trọng trách nặng nề hơn. Thế kỷ XXI, là thế kỷ bùng nổ thông tin khoa học – kỹ
thuật, nên đòi hỏi người thầy phải không ngừng nắm bắt những thông tin khoa học
– kỹ thuật để làm phong phú hơn vốn kiến thức của mình phục vụ cho công tác giảng
dạy. Muốn vậy, mỗi thầy, cô giáo cần phải tự học tập, trau dồi kiến thức, nâng
cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy, mới nâng cao vai trò của người
thầy trong sự nghiệp trồng người. Ngược lại, nếu người thầy không chịu khó
trong việc tự bồi dưỡng kiến thức, tìm hiểu thông tin khoa học – kỹ thuật của
thời đại thì sớm hay muộn gì người thầy sẽ có nguy cơ bị xã hội đào thải.
Xã hội
xưa hay xã hội hiện đại, thì vai trò và địa vị của người thầy đều được mọi người
tôn trọng. Vì người thầy có trọng trách nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài góp
phần tích cực trong việc xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh và tiến bộ. Nghề dạy
học là nghề được mọi người tôn trọng và đề cao: “Trong tất cả các nghề cao quý
thì nghề dạy học là nghề cao quý nhất”./.
ThS Mã Chí Tính – Phó trưởng phòng TC, HC, TT, TL/Cổng
TTĐT Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét