Chủ nghĩa cá nhân nếu không được đấu tranh khắc phục thì sẽ
gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ làm tổn hại đến chế độ chính
trị, đến mức như Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi
con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay
và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng
nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(8). Có nhiều cách tiếp cận về những giải
pháp chống chủ nghĩa cá nhân. Ngoài việc phải tránh sa vào bốn biểu hiện của chủ
nghĩa cá nhân như bên trên đã nêu, xin nêu lên một số nội dung sau đây:
(1) Chú trọng tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt
Sự nghiệp cách mạng của đất nước ta giai đoạn hiện nay càng
nổi rõ yêu cầu cấp thiết là cần có các nguồn lực có chất lượng tốt để phát triển
bền vững, trong đó nguồn nhân lực có tính chất quyết định. Nguồn nhân lực là
“tài nguyên” vô giá của của quốc gia. Để có nguồn nhân lực bảo đảm đất nước đạt
được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội
chủ nghĩa vào năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì nguồn nhân lực phải bảo
đảm các yêu cầu cơ bản: 1. Có sức khỏe tốt (cả thể lực và tinh thần); 2. Được
nâng cao về trình độ về mọi mặt; 3. Có năng lực chuyên môn tốt; 4. Có văn hóa
nghề nghiệp; 5. Có khả năng sáng tạo cao; 6. Có khả năng thích ứng với mọi hoàn
cảnh, nhất là tình trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm và sự
sụt giảm các nguồn đầu tư tài chính. Và một cách bao trùm nhất, đó là con người
có đức - tài vẹn toàn, trong đó đức là gốc theo đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Nguồn nhân lực như thế là hoàn toàn không thể bao gồm những
người mang bệnh cá nhân chủ nghĩa. Tình hình này được đặt ra một cách cấp thiết
hơn trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ của một Đảng. Chính do như vậy mà cuộc đấu tranh chống chủ
nghĩa cá nhân càng thêm phần quyết liệt, đầy cam go. Những biểu hiện tiêu cực đầy
nhức nhối trong đội ngũ cán bộ, đảng viên khoảng 10 - 15 năm trở lại đây, và có
thể còn tiếp diễn sắp tới nữa, cho chúng ta rõ hơn tính chất phức tạp và quyết
liệt của việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
(2) Phải quyết tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển
toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn,
dân chủ và khoa học, coi đó là một mục tiêu của chiến lược phát triển
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự biểu đạt của cách mạng
giải phóng: giải phóng dân tộc; giải phóng xã hội; giải phóng giai cấp; giải
phóng con người, trong đó giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết, các giải
phóng khác bảo đảm vững chắc cho giải phóng dân tộc và phát triển xã hội; mọi
công cuộc giải phóng đều nhằm đến cái đích cuối cùng là giải phóng con người.
Phải phát triển về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, năng lực đổi mới sáng tạo, thể
chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật,
mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân
tộc. Báo chí cách mạng ở nước ta là một trong những lực lượng xung kích mở đường
và dẫn đường cho việc xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Mỗi một
cá nhân trong hệ thống ngành báo chí cách mạng Việt Nam phải là một chiến sĩ
kiên cường, đầy bản lĩnh chính trị, trách nhiệm công dân, tinh thông nghề nghiệp
để khẳng định, tôn vinh, lan tỏa cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng,
nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, nhân đạo với cái tâm trong sáng, tấm
lòng vị tha.
Quá trình xây luôn luôn phải đi đôi với chống. Phải đấu
tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi
sai trái, tiêu cực làm tha hóa con người, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển
bền vững của đất nước. Báo chí cách mạng nước ta hoàn toàn có lợi thế về vấn đề
này, đặc biệt là những lợi thế về không gian tác nghiệp trong sự phát triển của
cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, về các phương tiện, cơ sở vật chất - kỹ
thuật mà người làm báo được sử dụng, về những phẩm chất, đạo đức cách mạng và
nghiệp vụ được đào tạo, v.v. Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ tiêu cực, tham
nhũng đều do báo chí phát hiện và đấu tranh không khoan nhượng bóc trần các vụ
việc, hướng cho mọi người thấy rõ nguyên nhân, tác hại của tham nhũng, tiêu cực,
góp phần đề ra các giải pháp xây dựng con người Việt Nam, làm lành mạnh xã hội.
Những người làm báo đã xông pha nơi “mũi tên hòn đạn” ở những nơi ác liệt nhất
để khui ra ánh sáng những kẻ lấm bẩn vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân.
Điều khó khăn nhất trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân là phải tự mình vượt qua chính mình. Những người làm báo đứng đối diện với
nhiều cám dỗ, dục vọng nhất, trong đó số 1 là cám dỗ, dục vọng về tiền bạc, của
cải vật chất. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, do đó, lại là cuộc đấu tranh
ngay trong bản thân mỗi người. Con người ta có 1001 mối quan hệ. Chủ tịch Hồ
Chí Minh là người khéo đúc kết; chia ra làm ba mối quan hệ: đối với tự mình; đối
với người; đối với việc (điển hình và sớm nhất thể hiện trong trang đầu tiên của
tác phẩm Đường cách mệnh xuất bản năm 1927 ở Mục Tư cách một người cách mệnh(9).
Trong ba mối quan hệ đó, mối quan hệ tự mình đối với bản
thân mình là khó xử lý nhất. Con người có nhiều đặc tính tâm lý tình cảm: hỷ, nộ,
ái, ố, ai, lạc; có nhiều dục vọng. Không phải ai cũng nhận rõ mình là ai, ở vị
trí và có vai trò gì trong xã hội, bản thân mình có ưu điểm gì và những khuyết
điểm gì. Tự ngộ đối với cá nhân con người là một trong những điểm rất khó của tự
tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Phải làm chủ bản thân mình, tức là làm
chủ cảm xúc tâm lý tình cảm, chế định được dục vọng; phải biết tiến, biết lui,
biết dừng lại đúng lúc, phải biết nhận, biết cho, biết chối từ. Dục vọng là sự
khảo nghiệm lớn nhất, nghiệt ngã nhất để thấy rõ con người ta có mắc phải căn bệnh
cá nhân chủ nghĩa hay không.
Rất đáng tiếc, có một số người, kể cả cán bộ cao cấp, do
không đủ bản lĩnh và do tu dưỡng đạo đức kém cho nên nhanh chóng bị quyền lợi vật
chất và sắc dục đánh gục. Một trong những biện pháp phòng và chống chủ nghĩa cá
nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ: không được phép nhận bất cứ một cái gì
không phải của mình. Nếu thực hiện tốt điều này thì chủ nghĩa cá nhân không
còn; ngòi bút phò chính trừ tà của những người làm báo sẽ sáng trong; nạn tham
nhũng sẽ không có đất sống; nạn trộm cắp, hối lộ, đạo tặc sẽ không còn; nếu ai
đó nhặt được của rơi sẽ tìm cách trả lại cho người mất; sẽ không mắc vào một số
tệ nạn trong hoạt động báo chí: nhận hối lộ, ăn của đút lót, tống tiền, thương
mại hóa báo chí.
Nếu làm tốt điều này thì con người sẽ không bị tha hóa, xã hội
sẽ lành mạnh, những điều thánh thiện sẽ được lan tỏa. Để tiến hành việc này thì
cần chú ý tới hai nhóm việc: 1. Xây dựng và ban hành đồng thời thực hiện một
cách nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này thật đầy đủ, kể cả
các chế tài và giám sát, kiểm tra, thi hành theo kỷ luật Đảng, pháp luật của
Nhà nước một cách nghiêm minh; 2. Đi liền với sự giáo dục và tự tu dưỡng rèn
luyện một cách kiên trì, bền bỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét