Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

VIỆT NAM HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ - THÀNH TỰU KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

 

Với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp chúng ta nhìn rõ bản chất sự vận động của tình hình thế giới. Đó cũng là cơ sở vững chắc cho việc hoạch định, tổ chức và thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới, để phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đưa đất nước vững bước trong quá trình thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Thực tiễn sau 36 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo ra thế và lực mới, là chỗ dựa vững chắc để tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và phát triển. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tiếp tục tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Tuy công tác hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của nước ta đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức; vấn đề ngày càng nổi lên rõ nét là chủ nghĩa bảo hộ; mất cân đối thương mại toàn cầu vẫn chưa được cải thiện, làm gia tăng xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược và cọ sát kinh tế, đặc biệt giữa các nền kinh tế chủ chốt… Nhưng, Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương HNKTQT toàn diện với trọng tâm là HNKTQT, coi HNKTQT và tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu khách quan… từ đó, đạt được những thành tựu quan trọng đó là:

Thứ nhất, HNKTQT đã góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Nền kinh tế nước ta từng bước được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường, nguồn nhân lực để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ngày càng phát triển. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Theo đó, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực cũng như trên thế giới và có triển vọng tốt nhờ kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển..

Thứ hai, HNKTQT thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của nước ta phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia XNK. Nước ta đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đạt hơn 500 tỷ USD,. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, đã chuyển sang xuất siêu. Hiện đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là thành viên của WTO, đã được 71 đối tác công nhận là nền kinh tế thị trường, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mỹ...

Thứ ba, HNKTQT sâu rộng hơn góp phần đưa nước ta trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới (gồm 12 FTA đã ký và đang thực thi; 2 Hiệp định đã ký kết, 4 FTA đang đàm phán bảo đảm cho kết nối thương mại tư do, ưu đãi cao với 60 nền kinh tế, chiếm 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam); đồng thời, tạo động lực mới và cả “sức ép” mới để thúc đẩy mạnh mẽ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước được cải cách theo hướng ngày càng phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA và ngày càng minh bạch hơn, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thông thoáng hơn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế cao của khu vực và thế giới.

Thứ tư, thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển đánh giá, Việt Nam nằm trong 12 quốc gia thành công nhất về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện nay, có gần 26.000 doanh nghiệp (DN) FDI đang hoạt động ở Việt Nam, với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia và đối tác. Vốn FDI vào Việt Nam chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Việt Nam từng bước trở thành một trong những công xưởng của thế giới về cung ứng hàng điện tử, dệt may, da giầy, điện thoại di động...

Những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là không thể phủ nhận, là bằng chứng sinh động khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét