Câu chuyện với một doanh nhân mới đây gợi cho người viết bài nhiều suy nghĩ. Doanh nghiệp của ông chuyên về lĩnh vực đầu tư bất động sản và đã có dự án ở nhiều địa phương. Tuy vậy, thời gian qua, doanh nghiệp đã gặp một số vướng mắc mà chưa thể triển khai dự án được. Ông cho biết, ngoài việc dịch Covid-19 khiến tiến độ công việc bị ảnh hưởng thì tình trạng “thận trọng quá mức”, tâm lý sợ trách nhiệm trong quá trình phê duyệt hồ sơ dự án ở địa phương đang là một thực tế. Điều này đã làm chậm cơ hội đối với doanh nghiệp. Còn với người viết bài, đã nhiều lần gặp phải tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né trách nhiệm khi tìm mọi cách thoái thác không cung cấp thông tin cho báo chí, không dám nói hoặc đùn đẩy cho người khác trả lời.

Tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là một thực tế. Rõ nhất hiện nay là việc xem xét phê duyệt các dự án, đầu tư mua sắm công, giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng có tiền mà không dám tiêu... Sau khi hàng loạt cá nhân ở các cơ quan, đơn vị vướng vào vòng lao lý do có sai phạm trong mua sắm máy móc xét nghiệm Covid-19 thì cũng xuất hiện tình trạng sợ trách nhiệm, không tiến hành mua sắm. Trong khi đó, việc mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch hiện rất cần thiết. Thậm chí về vấn đề này, trong phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 27-5-2021) để cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phải nêu ra tình trạng các nơi sợ mua sắm công vì sợ sai.

Từ điển tiếng Việt giải thích: “Trách nhiệm” có nghĩa là: “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”. Vậy thì, người cán bộ, lãnh đạo là người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó phải thực hiện công vụ trên cương vị, chức trách của mình. Nếu họ không dám hoặc không thể thực hiện trách nhiệm đó thì phải bị loại ra khỏi bộ máy công quyền. Nhiều tập thể, cá nhân bị xử lý kỷ luật thời gian qua do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái quy định, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng... Điều đó cho thấy, vẫn còn lỗ hổng lớn trong quản lý nhà nước để cán bộ có thể làm sai rồi mới bị phát hiện, xử lý. Hệ lụy của vấn đề này đã dẫn đến tâm lý cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai sót. Bên cạnh đó, có một thực tế, hiện nay, đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy của chúng ta ở nhiều nơi vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại, không dám quyết, không dám làm, tính năng động, sáng tạo còn hạn chế.

Hậu quả của thực trạng này có thể dẫn đến hai vấn đề: Thứ nhất, làm chậm quá trình triển khai thực hiện các công việc, nhất là các công việc cần sự khẩn trương, kịp thời, làm chậm sự phát triển xã hội. Việc cải cách, đổi mới không được thúc đẩy. Điều này khiến cho những tư duy đột phá không thể có đất để bộc lộ. Thứ hai, điều này tạo ra một tâm lý chờ đợi, đùn đẩy, nhìn nhau khiến cho bầu không khí làm việc trì trệ. Tình trạng an toàn để “giữ ghế”, tâm lý co cụm là hết sức tai hại. Cán bộ không thể hiện được toàn diện năng lực, phẩm chất của mình, trong khi người dân, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong công việc.

Trở lại với vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27-5 vừa qua cho thấy, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, không được né tránh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn. Đầu tiên là phải lựa chọn được cán bộ tốt, dám nghĩ, dám làm. Tiếp đến là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước phải được tháo gỡ. Cơ chế quản lý, quy chế làm việc phải được hoàn thiện, rất rõ ràng, chặt chẽ để các cá nhân, tập thể không thể làm sai, không dám làm sai. Cơ chế, quy chế chuẩn là hành lang pháp lý, là chỗ dựa để mọi tổ chức, cá nhân yên tâm, dám làm, dám đột phá, đi trước mà không quá bận tâm đến việc sợ trách nhiệm. Tất nhiên, đó phải là sự minh bạch, chính đáng, đúng pháp luật.

Virus "sợ trách nhiệm" và những cán bộ "6 dám"
Ảnh minh họa/ baophapluat.vn 

Cơ chế là lực đẩy đột phá

Càng trong khó khăn, thử thách thì càng cần những cán bộ có bản lĩnh, trình độ, dám nghĩ, dám làm. Câu chuyện “khoán hộ” trong nông nghiệp của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong thập niên 1960 luôn rất cần cho hiện nay. Sáng kiến “khoán hộ” của ông đã dẫn đến “khoán 10” hay “Nghị quyết 10" của Bộ Chính trị được xem là đột phá, tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu. Từ đột phá đó, Việt Nam trong thời kỳ bao cấp, từ một nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo. Những việc làm của ông thời kỳ đó là “đi trên dao” và nó từng thuộc về thiểu số. Nhưng đột phá của ông đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, sự quyết liệt, quyết đoán, xuất phát từ cái tâm của người cán bộ vì nước, vì dân, không vì danh vọng, không vì tư lợi.

Vị thế của đất nước ta ngày càng cao trên trường quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài đưa đất nước vươn lên giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, chúng ta rất cần những cán bộ có tư duy, việc làm đột phá. Đó chính là những cán bộ "6 dám" (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách).

Tất nhiên, càng trong khó khăn càng là môi trường sàng lọc cán bộ nghiêm túc. Nhiều khi chủ trương, đường lối đúng nhưng nếu cán bộ không quyết liệt, năng động, dám nghĩ, dám làm mà thụ động, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên thì sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả tốt. Việc lựa chọn cán bộ để đưa vào các vị trí lãnh đạo đã từng bước được chuẩn hóa. Dù vậy, việc lựa chọn này chỉ thực sự đúng khi cán bộ đó chứng minh được năng lực của mình trong thực tiễn. Điều đó đòi hỏi người cán bộ phải đáp ứng được hai yếu tố: Thứ nhất là năng lực tốt, đạo đức tốt. Thứ hai là phẩm chất dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là những yếu tố rất quan trọng của người cán bộ cách mạng. Thực tiễn rất phong phú và không bao giờ có một mô hình, công thức chuẩn cho mọi người làm theo, nó đòi hỏi tư duy nhạy bén, sắc sảo của người cán bộ. Trong mối quan hệ biện chứng, chỉ những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt mới có thể dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngược lại, những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với động cơ trong sáng, vì nước, vì dân thì đó là những cán bộ có phẩm chất tốt. Nếu người cán bộ quá phụ thuộc vào sự nâng đỡ, tình trạng "con ông cháu cha", người “chống lưng” để đưa vào cơ cấu thì cán bộ đó khó mang lại kết quả tích cực. Điều đó càng đòi hỏi công tác cán bộ phải tiếp tục được nghiên cứu để có quy trình lựa chọn, thanh lọc đúng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa vào một nội dung quan trọng, nhận được sự đồng tình cao của dư luận, đó là bảo vệ những cán bộ “6 dám”. Để bảo vệ được những cán bộ tốt thì cần có cơ chế quản lý tốt. Cơ chế tốt sẽ tạo động lực để đội ngũ cán bộ có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển để địa phương mình không thua địa phương khác, ngành mình không thua ngành khác. Những người quản lý, lãnh đạo nếu không có cơ chế bảo vệ bằng hành lang pháp lý thì họ rất khó sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới. Tình trạng tự mò mẫm, tự tìm đường đi, mong manh giữa ranh giới đúng và sai trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều khiếm khuyết thì khó để người cán bộ thực thi công vụ tốt, thậm chí dễ bị sai phạm.

Chúng ta đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một mô hình chưa có trên thực tiễn, bởi thế quá trình hoàn thiện cơ chế quản lý đó gặp phải khó khăn, vướng mắc là dễ hiểu. Việc Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đưa vào nội dung bảo vệ cán bộ “6 dám” là phù hợp thực tiễn. Chúng ta luôn khuyến khích mọi cá nhân, tập thể có những việc làm đột phá, đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước đi lên. Chúng ta cũng cần những cán bộ “dám nói” bởi số đó không nhiều. Những người dám nói thẳng, nói thật nhiều khi phải chịu thiệt thòi bởi sự trù dập, đố kỵ. Cần nhanh chóng thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cho các cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Những ý kiến sáng tạo, đôi khi “khó nghe” nếu không được bảo vệ, ủng hộ thì sẽ mãi mãi trở thành thiểu số. Các chính sách bao giờ cũng phải song hành để cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng không thể làm sai và không dám làm sai. Phải phân định rõ dám làm và không dám làm sai. Đây là hai khái niệm khác nhau về nội hàm, ý nghĩa, mục đích. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của người cán bộ, hay chính là đạo đức cách mạng.

Suy cho cùng nếu như người cán bộ luôn có ý thức làm đúng, có bản lĩnh, làm việc vì lợi ích chung thì không có gì phải lo lắng. Một bài học được rút ra là, trong quá trình thực hiện nếu có điều gì vướng mắc thì cần phát huy dân chủ. Đó là sự bàn bạc trong tập thể, phát huy trí tuệ số đông. Những vấn đề khó, chưa có tiền lệ thì vẫn có thể đột phá được bằng cách xin chủ trương từ cấp trên để làm rõ. Nếu mục đích làm việc rõ ràng, không vì tư lợi, không làm liều, thì sẽ thành công.