Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Ý NGHĨA SÂU SẮC CỦA CHỈNH ĐẢNG, CHỈNH HUẤN

 Làm thế nào để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc chỉnh Đảng, chỉnh huấn là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện với ý chí quyết tâm cao, chủ trương, giải pháp đúng, phù hợp, thật sự đem lại kết quả sâu sắc về mọi mặt.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh sớm đưa ra mục đích, ý nghĩa của việc cần phải chỉnh Đảng, chỉnh huấn. Theo Người: “Mục đích chỉnh Đảng là để dùi mài cán bộ và đảng viên thành những chiến sĩ xứng đáng là người đầy tớ của nhân dân”. Tại Lớp chỉnh huấn đầu tiên của Đảng vào tháng 5-1952, Người chỉ rõ: “Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản”. Đến ngày 06-4-1961, Người tiếp tục nêu ra ý nghĩa của việc chỉnh huấn: “Chỉnh huấn nghĩa là huấn luyện cán bộ và nhân dân nhằm chỉnh đốn lại tư tưởng và tác phong, để sửa chữa những nhược điểm, phát triển những ưu điểm, làm cho mọi người, mọi việc đều tiến bộ hơn nữa”.
Từ mục đích, ý nghĩa của chỉnh Đảng, chỉnh huấn, Hồ Chí Minh xác định phải có những chủ trương, biện pháp đồng bộ, kiên quyết, kiên trì, phải thực hiện phương châm lấy cái đẹp, dẹp cái xấu... Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh phải phát huy cao nhất tinh thần tự nguyện, tự giác của cán bộ, đảng viên. Ví dụ, đối với công tác chỉnh huấn, tháng 4-1952, Hồ Chí Minh nêu: “Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc, phải khởi đầu từ cán bộ dần dần đến toàn thể nhân viên”. Hay với quan điểm “Kỷ luật là sinh mệnh của quân sự”, trong Thư gửi hội nghị chính trị viên vào tháng 3-1948 Người yêu cầu: “Kỷ luật phải được thi hành từ trên đến dưới”.
Những tư tưởng, sự chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được Đảng ta tiếp thu, thực hiện nghiêm túc từ sớm. Tiêu biểu như trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, ra đời từ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ khi đó xác định việc chỉnh Đảng, phê bình Đảng là để tự rèn luyện, để thống nhất tư tưởng, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng với mục tiêu “nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển”. Muốn làm được điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ ra: khi thực hiện phê bình thì “phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình” và quan trọng là “phải phân tích xác thực hoàn cảnh để tìm ra nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa chữa và tiến thủ”. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến, kiến quốc, chống giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà có nguyên nhân quyết định từ sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có công tác chỉnh đốn, chỉnh huấn Đảng.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là thời kỳ đổi mới và hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục xác định mục đích, ý nghĩa của chỉnh đốn Đảng, thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình để Đảng và cách mạng phát huy ưu điểm, hạn chế, khắc phục khuyết điểm, vươn lên tiến bộ hơn, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi cách mạng. Trong chỉnh đốn Đảng, chỉnh huấn, Đảng đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là giải pháp cơ bản, thiết thực để xây dựng Đảng, xây dựng chế độ trong sạch, vững mạnh, phát triển. Thực tế này trái ngược hoàn toàn với sự tuyên truyền xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, thế lực xấu luôn phá hoại công tác chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam khi chúng cho rằng, đó là “thanh trừng lẫn nhau”, là “đấu đá nội bộ”, rồi từ đó chúng tìm mọi cách phá hoại công tác chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta, đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng với đất nước, nhân dân.
Tình hình thực tiễn cho thấy, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định: “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”. Vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận”.
Những kết quả đạt được từ công tác chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giúp Đảng, Nhà nước, chế độ thêm vững mạnh, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh, quốc phòng được củng cố, tăng cường, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được cải thiện, niềm tin và mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng tiếp tục bền vững. Thực tế đó khẳng định sự đúng đắn trong đánh giá của Đảng ta và Tổng Bí thư: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta càng mạnh lên, Đảng ta càng được củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch”.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công trên, có nguyên nhân quan trọng được Đảng và Tổng Bí thư xác định: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân… Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công”. Đây cũng là sự tự hào, là động lực, là cơ sở để chúng ta tiếp tục phấn đấu đóng góp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét