Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

ĐẠI DANH Y “HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG - LÊ HỮU TRÁC” - ĐẠI DANH Y CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) là một Đại Danh y, Nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” - bộ sách được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại và còn nguyên giá trị.

Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42, ngày 21/11/2023, đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025," trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Danh y Lê Hữu Trác không chỉ là một nhà y dược học lớn mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Là con của Tiến sỹ Thị lang Bộ Công triều, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện.
Lê Hữu Trác từng thi đậu Tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh. Ông là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, là người có chí khí thanh cao nên sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội.
Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai mất và phải nuôi mẹ, ông xin về quê mẹ ở ẩn. Một cơ duyên đã đưa ông đến với nghề thuốc, đó là trong một lần ốm nặng chạy chữa nhiều nơi không khỏi, ông gặp được lương y Trần Độc ở Rú Thành, tỉnh Nghệ An, để chữa bệnh.
Trong hơn một năm chữa bệnh, những lúc rỗi rãi, Lê Hữu Trác thường mượn sách thuốc của thầy Trần Độc để đọc. Và phần lớn những gì viết trong sách ông đều thấu hiểu. Thấy Lê Hữu Trác là người sáng dạ, lại có duyên với nghề y dược, lương y Trần Lộc ngỏ ý truyền nghề cho ông. Vốn là người thông minh, học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ có ích cho mình mà còn có thể giúp đời, giúp người, nên ông quyết chí theo học thuốc. Lê Hữu Trác tìm đọc rất nhiều sách, đêm ngày miệt mài nghiên cứu y dược, lấy hiệu danh là Hải Thượng Lãn Ông.
Để xây dựng nền y học Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông đề cao sự độc lập suy nghĩ, chống giáo điều, dựa trên thực tế khách quan, trung thực nhận xét để tìm ra chân lý. Ông tham khảo nhiều sách Trung y, và áp dụng một cách sáng tạo lý luận Đông y vào hoàn cảnh Việt Nam, trên cơ thể con người Việt Nam.
Ông nghiên cứu lâm sàng một cách sâu sắc, ghi chép hồ sơ bệnh án một cách tỉ mỉ, chẳng những hồ sơ bệnh chữa khỏi mà cả hồ sơ bệnh tử vong cũng được ghi lại với tất cả lòng trung thực của bản thân để trưng cầu ý kiến đồng nghiệp và làm tài liệu tham khảo nghiên cứu.
Hải Thượng Lãn Ông không chỉ lo cứu người mà ông còn luôn lo nghĩ tới việc viết sách để truyền bá y học Việt Nam đã được các bậc tiên y xây dựng từ trước, và bản thân ông đã dày công đào tạo những thế hệ thày thuốc Việt Nam có đạo đức và y thuật, đủ khả năng bảo vệ sức khỏe cho dân tộc.
Sự nghiệp y dược nổi tiếng của Hải Thượng Lãn Ông được tập hợp trong bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh,” gồm 28 tập, 66 quyển, đề cập từ nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu đến y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, thậm chí cả chế biến các món ăn dưỡng bệnh...
Có thể nói “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” là tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam.
Không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.
Năm 1781, chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Ông có thuật lại sự việc này trong quyển “Thượng kinh ký sự.”
Cuốn sách khá nổi tiếng này phản ánh sự thực của lịch sử, cách sống của vua chúa, cách giao du của tầng lớp công khanh nho sĩ, đồng thời miêu tả lại hình ảnh kinh thành Thăng Long cách đây hơn 200 năm, trong đó có nhiều di tích nay không còn nữa.
Hải Thượng Lãn Ông còn là một nhà thơ có tài, lời thơ mới mẻ, tứ thơ man mác, rất ý nhị được thể hiện trong “Y lý thâu nhân lý ngôn phú chí.”
Ông đã sáng tác rất nhiều bài ca, lời lẽ giản dị, rõ ràng, để người dân bình thường có thể hiểu được, nhớ được về y học dân tộc, như: các bài ca về bào chế thuốc trong “Lĩnh Nam bản thảo,” các bài ca về vệ sinh trong “Vệ sinh yếu quyết diễn ca,” các bài ca về cách xem xét ngũ tạng và các mạch ở tay chân trong “Y gia quan miên”…
Hải Thượng Lãn Ông mất ngày rằm tháng giêng âm lịch năm 1791 tại Bầu Thượng, xã Tịnh Diện (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Nhân dân và giới y học cả nước suy tôn ông là bậc “Y thánh của Việt Nam” và lập miếu thờ chung với Danh y Tuệ Tĩnh ở Hà Nội./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét