Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

BÁC HỒ VỚI NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27/02

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến ngành Y, đến người thầy thuốc. Bởi ngành Y nói chung, thầy thuốc nói riêng có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Những tư tưởng, lời dạy của Người về y đức của người thầy thuốc được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi các hội nghị y tế toàn quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến ngành Y, đến người thầy thuốc. Bởi ngành Y nói chung, thầy thuốc nói riêng có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Những tư tưởng, lời dạy của Người về y đức của người thầy thuốc được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi các hội nghị y tế toàn quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sau ngày thành lập nước (2/9/1945), Đảng, Nhà nước ta đã đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ y tá, y sĩ, bác sĩ, lương y chữa bệnh bằng thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc và các phương tiện y học tiên tiến, có y đức và y thuật cao. Đội ngũ này đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số người đã trở thành Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà tên tuổi gắn với các công trình y học và công lao cứu chữa người bệnh không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng ở nước ngoài. Để ghi nhận sự cống hiến to lớn và bày tỏ sự biết ơn đội ngũ thầy thuốc, Nhà nước ta đã lấy ngày 27/2/1955, ngày Bác Hồ kính yêu gửi thư tới ngành Y tế, là ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trong lịch sử danh nhân y học Việt Nam, cũng có rất nhiều thầy thuốc, các bậc danh y bao giờ cũng có tâm cao, đức dày, y học tinh thông là tấm gương soi cho các thầy thuốc và cho mọi người. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dạy:
“Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.
Bác Hồ kính yêu là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Tư tưởng của Người luôn coi đạo đức là gốc rễ của con người, của tài năng. Với các thầy thuốc, Bác càng đặc biệt chú ý hơn về đạo đức. Trong thư gửi tới ngành Y tế ngày 27/2/1955, Bác dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến tận xã, ấp vùng sâu, vùng xa đã nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn gian khổ, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có hàng trăm cán bộ y tế đã hy sinh cho ngày độc lập. Trong thời bình hiện nay, phát huy tính năng động sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại, ngành tiếp tục ra sức mình cứu chữa đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho nhân dân được Đảng và chính quyền tin yêu, nhân dân quý mến. Nhiều cá nhân và tập thể được nêu gương điển hình tiên tiến, vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều bằng khen và huân chương cao quý. Rất nhiều thầy thuốc Việt Nam gần đây nhất đã nêu cao gương sáng cho chúng ta học tập cả về chuyên môn lẫn đức hạnh, như Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch,… và còn bao thầy thuốc, lương y, y sĩ, y tá, hộ lý… khác trong hàng ngũ những anh hùng áo trắng đã nêu gương sáng cho đời, mà chúng ta không thể kể hết. Khách quan đánh giá, nhìn chung, đội ngũ thầy thuốc nước ta hiện nay vẫn giữ được y đức và có y thuật cao, ngày đêm tận tụy vì sức khỏe của nhân dân. Một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, không nhận thù lao của bệnh nhân, có người giúp đỡ tiền để bệnh nhân nghèo chữa bệnh, có người khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho dân.
Cuộc sống hôm nay, trong cơ chế mới bộn bề và sôi động, đặc trưng nổi bật đang xuyên qua các quan hệ xã hội là đồng tiền có xu hướng ngự trị và khuynh đảo. Từ đó, dẫn tới sự xuống cấp của đạo đức và truyền thống tốt đẹp. Người tốt, có đức thường khó giàu. Thầy thuốc cũng vậy, nếu tất cả đều trở thành quan hệ mua bán không tình nghĩa thì không thể nói đến đạo đức. Trong cơ chế mới, những thầy thuốc tài năng, đức độ vẫn có nhiều điều kiện để làm giàu. Cái giàu tiền bạc ấy bằng chính tâm và đức của thầy thuốc. Sự giàu có ấy là giàu có chính đáng, xã hội và nhân dân rất trân trọng và tôn vinh. Song, có một bộ phận thầy thuốc có những thái độ và hành vi hết sức vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, bởi vì động lực của những người này không hoàn toàn hướng tới việc chữa trị cho người bệnh và đang làm “méo mó” nghề thầy thuốc cao quý, người thầy thuốc được coi như mẹ hiền. Tuy nhiên, số thầy thuốc giảm sút y đức không nhiều, vì thế, không thể vì một số "con sâu" mà đánh giá sai về những cống hiến đáng ghi nhận của đại đa số thầy thuốc, từ đó giảm sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của những người thầy thuốc. Các thầy thuốc giỏi, có đạo đức cao đều để lại tiếng thơm muôn thuở trongnhângian.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, mong rằng các thầy thuốc luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền", tận tụy hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong hiện tại và tương lai, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân; bản thân mỗi cán bộ y tế phải biết tự chọn cho mình lối sống, phong cách giao tiếp và ứng xử trước sự đớn đau của người bệnh./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét