Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA

 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tiếp tục phát huy nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, trọng tâm là các địa bàn chiến lược, trọng điểm, khu vực biên giới, biển, đảo, vùng dân tộc, tôn giáo. Đổi mới nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện, huy động cho được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân; gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị, xã hội tổ chức phát động. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, có chính sách thỏa đáng đối với những trường hợp bị thương, hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, nhất là mạng Internet. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với số phóng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; số đối tượng đưa tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, tuyên truyền xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước. Từng bước ngăn chặn tình trạng sử dụng mạng xã hội tạo ra các “cơ quan truyền thông”, “tòa soạn thu nhỏ” đăng tải thông tin xuyên tạc, chống phá, tạo dư luận phức tạp trong nội bộ, nhân dân. Đấu tranh phá rã các hội, nhóm trái pháp luật, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong đề xuất, tham mưu, thực hiện, đánh giá và quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp. Quản lý chặt chẽ các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế nhận viện trợ nước ngoài để thực hiện các chương trình, dự án… trên lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động hậu thuẫn, hỗ trợ phát triển “xã hội dân sự”, tác động chuyển hóa thể chế, chính sách, pháp luật theo tiêu chí phương Tây, những biểu hiện “lợi ích nhóm”, “lợi ích bộ, ngành”.

Rà soát toàn diện và có phương án, giải pháp bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia đối với các dự án đầu tư nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định bảo đảm an ninh kinh tế ở những cơ quan hoạch định chính sách phát triển kinh tế, các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn và trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý theo đúng quy định đối với các dự án không thực hiện đúng cam kết, không hiệu quả, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đối với các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài vào địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét