Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Đừng “quản không được thì cấm”

 


Ngồi trước mặt Chính trị viên Phi, Thắng cúi mặt lặng im không nói gì. Vì lỗi phạm của Thắng mà cả tiểu đội phải thức trưa sinh hoạt. Chỉ tính riêng trong tuần vừa rồi, Thắng đã hai lần vi phạm quy định đi căng tin không đúng giờ quy định.

- “Quy định của đơn vị vừa mới đề ra mà đồng chí đã vi phạm hai lần liên tiếp chỉ trong có mấy ngày. Đồng chí chưa quán triệt rõ hay còn có lí do nào khác?” Chính trị viên (CTV) Phi hỏi.

- “Báo cáo CTV, tôi nắm rõ quy định. Nhưng tôi cũng chỉ xuống căng tin để mua đồ thiết yếu, mỗi lần chưa đầy 5 phút là tôi quay về đơn vị ngay chứ không la cà. Tôi thấy quy định cấm đi căng tin giờ nghỉ trong tuần là hơi cứng nhắc Trong khi đó, các đơn vị bạn không cấm điều này”. Sau một hồi suy nghĩ, Thắng mới mạnh dạn trình bày ý kiến.

- “Sao đồng chí lại bảo cứng nhắc? Mới tuần trước, cũng chỉ vì tranh giành mua chai nước trong căng tin mà hai chiến sĩ mới của Tiểu đội 2 lời qua tiếng lại, thậm chí có xô xát. Vì thế chỉ huy đơn vị mới đưa ra quy định cấm đi căng tin trong giờ nghỉ. Nếu cần mua gì các đồng chí chờ cuối tuần. Các đơn vị bạn không xảy ra sự vụ nên không cấm”. CTV Phi giải thích.

- “Tôi xin mạnh dạn trình bày tâm tư của cá nhân. Tôi thấy từ lúc chúng tôi nhập ngũ đến nay, ngoài quy định xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật của Quân đội, cấp trên; thì đơn vị còn những quy định cụ thể khác như cấm đi căng tin trong giờ nghỉ. Quá nhiều quy định khiến chúng tôi luôn thấy căng thẳng, thậm chí ức chế”. Thắng thẳng thắn nêu quan điểm.

Sau khi nghe Thắng bộc bạch tâm tư, CTV Phi trầm ngâm suy nghĩ. Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội. Ở các đơn vị quản lý bộ đội, ngoài việc chấp hành điều lệnh, điều lệ của Quân đội thì việc thực hiện những quy định của đơn vị cũng là nội dung, biện pháp quan trọng, góp phần xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Trên thực tế, nhiều quy định dành cho đối tượng chiến sĩ được áp dụng ở các đơn vị nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi quân nhân như: cấm hút thuốc lá, cấm sử dụng điện thoại di động, cấm uống rượu bia, cấm điều khiển xe gắn máy… Những quy định đó có tác dụng giáo dục, rèn luyện, quản lý bộ đội rất hiệu quả, giúp chiến sĩ nhanh chóng hòa nhập với đơn vị.

Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít quy định đề ra thiếu cơ sở khoa học và không xuất phát từ thực tiễn. Kể ra cấm bộ đội đi căng tin trong giờ nghỉ cũng thật phi lý. Vì ai cũng có nhu cầu uống côc nước, mua các vật dụng thiết yếu. Sinh ra cái căng tin để phục vụ nhu cầu bộ đội mà cấm thì cũng thật vô lý. Thực tế, chiến sĩ vẫn bằng những “con đường bí mật” để nhanh chóng vào căng tin mua đồ. Ngẫm lại, có nhiều biện pháp khác để giáo dục, quản lý bộ đội đi căng tin như quy định về thời gian, quy định về trách nhiệm của Tiểu đội trưởng… chứ không nhất thiết phải “cấm”.

Một nguyên nhân khách quan dễ nhận thấy nữa là, những chiến sĩ như Thắng mới nhập ngũ được mấy tháng. Việc thay đổi môi trường, đặt vào khuôn khổ với hàng loạt quy định của điều lệnh, điều lệ Quân đội, của đơn vị khiến tâm lý của chiến sĩ mới trong tình trạng căng thẳng, “sợ” vi phạm kỷ luật. Lúc đó sẽ không phải là tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật, mà là thực hiện một cách máy móc, rập khuôn. Chất lượng giáo dục, rèn luyện kỷ luật sẽ không cao, môi trường văn hóa quân sự cũng bị ảnh hưởng lớn.

Thiết nghĩ, quyết định, mệnh lệnh của người chỉ huy phải luôn dựa trên điều lệnh, điều lệ của Quân đội và tình hình thực tiễn của đơn vị. Mọi quy định mang nặng tính chủ quan, áp đặt đều phản tác dụng, gây ra tâm lý căng thẳng, ức chế của bộ đội. Khi đó tình hình vi phạm kỷ luật không những không được kiểm soát mà sẽ gia tăng. Mặt khác, khi đưa ra các quy định, nhất là quy định “cấm”, người chỉ huy nên quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, phải giải thích, lý giải tường tận nguyên nhân, lý do ban hành, chứ không phải “quản không được thì cấm”.

- “Chỉ huy đơn vị ghi nhận ý kiến của đồng chí và sẽ nghiên cứu, điều chỉnh quy định cho phù hợp. Nhưng trước mắt, đồng chí phải chấp hành nghiêm quy định, không để tái phạm. Đồng chí có làm được không?” CTV Phi vừa động viên vừa hỏi.

- “Báo cáo, tôi làm được”. Thắng nói với giọng hồ hởi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét