Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – chấm dứt sự khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước

 

Với khát vọng giải phóng dân tộc, sau quá trình trăn trở khảo nghiệm con đường cứu nước, được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra chân lý "không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản". Từ đây, Người chỉ rõ để làm cách mạng vô sản "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi"

Những năm 20 của thế kỷ XX -  những năm tháng đầy cam go, hiểm nguy, thử thách, với khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc với những hoạt động khẩn trương, tích cực và đầy sáng tạo chuẩn bị những tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức để dẫn tới ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam - đẩy bánh xe lịch sử của cách mạng Việt Nam đi tới, phù hợp với xu thế tiến bộ của lịch sử. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (mùa xuân năm 1930) là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó cũng là kết quả của sự phát triển cao và thống nhất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Với sự tiếp thu lý luận tiền phong là chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào luyện nên những chiến sĩ cộng sản, ra đời những tổ chức cộng sản để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng"[2].

Theo Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930 của Nguyễn Ái Quốc, khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam có 310 đảng viên hoạt động trên cả nước và một bộ phận ở nước ngoài, có 3.588 hội viên các tổ chức quần chúng (Công hội và Nông hội) : "Mặc dù non trẻ và nhỏ bé, Đảng Cộng sản được tổ chức tốt nhất và hoạt động mạnh nhất trong tất cả các lực lượng"[3]. Để thực hiện được là "tổ chức tốt nhất" và "hoạt động mạnh nhất" trong tất cả các lực lượng chính trị của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là: "Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng", với chủ trương: "hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để lôi kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp..."[4].

Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước Việt Nam diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ năm 1858 đến năm 1930, sau hơn 70 năm nhân dân Việt Nam kế thừa truyền thống bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các thế hệ người Việt Nam yêu nước, dù ở giai cấp, tầng lớp nào cũng đã sẵn sàng xả thân vì nền độc lập dân tộc. Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân là yêu cầu bức thiết, là khát vọng của nhân dân và của cả dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng trước khi có Đảng: “các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”[5]. Phong trào yêu nước Việt Nam theo các khuynh hướng khác nhau đều lâm vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước.

Ngay từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự trở thành người lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từng bước đi lên, làm nên những kỳ tích, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đáp ứng khát vọng của nhân dân Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt từ sau khi trở thành Đảng cầm quyền, càng thể hiện rõ Đảng luôn luôn vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của các tầng lớp nhân dân. Vì lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của toàn thể dân tộc là mục tiêu lý tưởng phấn đấu của Đảng và cũng chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng qua các chặng đường lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, các cương lĩnh, đường lối của Đảng đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng và những lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, đã không ngừng đưa cách mạng Việt Nam theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đó của cách mạng Việt Nam đã gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân bằng cả chiều dài lịch sử, không có lực lượng chính trị nào thay thế được.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét