Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 600 ca sốt xuất huyết, gần 1.200 ca mắc tay chân miệng, 78 trường hợp mắc ho gà, đáng lưu ý đã ghi nhận một ca mắc viêm não mô cầu. Tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp nên Sở Y tế TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phân tích tình hình dịch và đánh giá nguy cơ, đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời. Truyền thông lợi ích của vaccine, triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, bảo đảm không bỏ sót đối tượng, vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.
Chia sẻ về tình hình vaccine, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện nay số lượng vaccine của Hà Nội đã tương đối đầy đủ cho tất cả loại bệnh truyền nhiễm đã có vaccine, được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu vào Việt Nam. Phòng Tiêm chủng của CDC Hà Nội cũng đã mở cửa trở lại sau một thời gian gián đoạn để phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho người dân. Trung tâm hiện có hai dây chuyền tiêm chủng, đáp ứng cho khoảng 200 lượt tiêm; với các vaccine hiện có gồm: Vaccine lao; vaccine uốn ván hấp phụ; “6 trong 1” (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib); vaccine tiêu chảy do rota virus; vaccine sởi, quai bị, rubella; vaccine thủy đậu; vaccine viêm não Nhật Bản B; vaccine cúm; vaccine phòng các bệnh do phế cầu khuẩn; vaccine viêm gan A, viêm gan B và các bệnh do HPV...
Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao. Các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như: Phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật. Mặt khác, ngành y tế cần chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe...
AN AN
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét