Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Chú trọng công tác lý luận, thường xuyên nâng cao trình độ lý luận của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng


Ngay trong quá trình chuẩn bị những tiền đề quan trọng cho việc thành lập chính đảng ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặc biệt coi trọng việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào phong trào yêu nước Việt Nam, trang bị lý luận cách mạng cho các lớp thanh niên yêu nước, nhất là lớp người cách mạng tiền bối. Các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở những năm 1925-1927 đã giáo dục lý luận cho rất nhiều cán bộ. Những cán bộ được huấn luyện đã trở về nước truyền bá sâu rộng lý luận vào phong trào cách mạng của quần chúng. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với thực tiễn của đất nước là cơ sở để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng Cương lĩnh đầu tiên ngay từ Hội nghị thành lập Đảng. Như vậy, trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, việc trang bị lý luận được đặc biệt coi trọng. Coi trọng nhân tố lý luận - xây dựng Đảng về lý luận đã được đặt lên hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.

Khi mới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi trọng nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận, vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Đảng chú trọng tổng kết thực tiễn để làm rõ những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam: lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc, về chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam; lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng cũng chú trọng nâng cao trình độ trí tuệ, nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, nâng cao trình độ học vấn của cán bộ, đảng viên, nâng cao hiểu biết về khoa học lãnh đạo, quản lý, tiếp cận những giá trị văn hoá của dân tộc và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Không có trình độ cao về lý luận và trí tuệ không thể thực hiện vai trò lãnh đạo của đội tiền phong.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, hiểu biết lý luận cách mạng, lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

Thực tiễn của phong trào cách mạng đã được Đảng tổng kết kịp thời để tiếp tục chỉ đạo phong trào và góp phần làm sáng tỏ lý luận cách mạng, nhất là cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Ngay trong phong trào cách mạng 1930-1931 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chú ý tổng kết thực tiễn đấu tranh ở trong nước thể hiện trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản. Những năm 30 của thế kỷ XX, vai trò của lý luận và công tác lý luận được đề cao, kể cả các chiến sĩ cộng sản bị địch bắt cũng ra sức học tập lý luận trong nhà tù đế quốc. Năm 1936-1939 lợi dụng phong trào đấu tranh công khai, trên mặt trận báo chí, Đảng ra sức truyền bá lý luận Mác - Lênin và đã có tác động lớn đến các phong trào đấu tranh của nhân dân thời kỳ này. Năm 1939 đồng chí Nguyễn Văn Cừ -Tổng Bí thư của Đảng viết tác phẩm Tự chỉ trích. Đó là tác phẩm có giá trị lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc, đề cập nhiều vấn đề lý luận trong chiến lược, sách lược lãnh đạo của Đảng, uốn nắn những lệch lạc, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng được phát triển sáng tạo và hoàn chỉnh tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939), (11-1940), đặc biệt là Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Đường lối đó là kết quả của sự phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng trở thành Đảng cầm quyền ở Việt Nam. Thời kỳ mới của cách mạng vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đòi hỏi phải nâng cao trình độ lý luận và năng lực tổng kết thực tiễn của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những biểu hiện yếu kém về lý luận, coi thường lý luận hoặc lý luận suông không gắn với thực tiễn: "Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông... Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính"

Đại hội đại biểu lần thứ II của  Đảng  (2-1951) đã tổng kết thực tiễn 21 năm lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tổng kết các phong trào cách mạng trong những năm 1930-1945, tổng kết những kinh nghiệm và bài học của Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những tổng kết quan trọng đó vừa phong phú về thực tiễn vừa làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, về chiến tranh nhân dân, về những vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội và xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân. Đó là cơ sở để làm rõ nhiều nội dung trong Chính cương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định mục tiêu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tạo tiền đề tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) và ký kết Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cách mạng giải phóng dân tộc hoàn thành giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Đây cũng là thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế đã diễn ra cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH. Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân tháng 11-1957 và 11-1960 phản ánh xu hướng đó. Ở Việt Nam, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh công tác lý luận, chú trọng nắm vững đặc điểm, hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam, khắc phục chủ nghĩa kinh nghiệm giáo điều, phê phán chủ nghĩa xét lại. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam để đề ra đường lối thích hợp, hoàn thành cách mạng giải phóng miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ rõ: "Đảng ta còn có nhiều nhược điểm mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém"; "Vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng lớn và phức tạp, trong việc lãnh đạo không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm khuyết điểm, ví dụ như chúng ta đã phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, hoặc những khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế".

Khi cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH đã bộc lộ nhiều khuyết tật, hạn chế trong thực hiện mục tiêu và trong cơ chế, giải pháp. Cơ chế kế hoạch hoá, tập trung, quan liêu, hành chính, bao cấp bên cạnh những yếu tố tích cực đã ngày càng bộc lộ những tiêu cực, cản trở sự phát triển. Cơ chế đó cùng với những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác đã dẫn đến Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX. Để thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước đã trải qua những bước tìm tòi, khảo nghiệm và từ thực tiễn để đi đến bước đột phá đổi mới tư duy lý luận, khắc phục sự yếu kém, chậm trễ về lý luận. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) quyết định đường lối đổi mới cũng đã tự phê bình và nhận rõ sự hạn chế về trình độ lý luận và công tác lý luận: "Đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời kỳ quá độ; đã mắc bệnh duy ý chí, giản đơn hoá, muốn thực hiện nhanh chóng nhiều mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nước ta mới ở chặng đường đầu tiên. Chúng ta đã có những thành kiến không đúng, trên thực tế, chưa thật sự thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hoá đang tồn tại khách quan; do đó, không chú ý vận dụng đúng vào việc chế định các chủ trương, chính sách kinh tế". Vì vậy, đường lối đổi mới bắt đầu từ sự đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn về CNXH và những quy luật, đặc trưng của thời kỳ quá độ lên CNXH...

Nghiên cứu lý luận là yêu cầu của một trong những  nhiệm vụ xây dựng Đảng đã được các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị cụ thể hoá: Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX (3-2002) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X (8-2007), đặc biệt là Nghị quyết  Đại hội Đảng lần thứ XII (2016) xác định:  Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, nắm bắt phát triển mới của đất nước, của thế giới và thời đại để hướng vào giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong xây dựng đất nước và phát triển xã hội, trong xây dựng Đảng và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, ... Trong khi khẳng định giá trị khoa học của học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời phải đẩy mạnh đấu tranh phê phán chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chống những quan điểm tư tưởng, sai trái của các thế lực thù địch hòng phủ nhận thành quả cách mạng và con đường phát triển đúng đắn của cách mạng và dân tộc Việt Nam.

Trình độ lý luận của Đảng thể hiện trước hết ở sự nhận thức đúng đắn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cho rằng học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là để “lòe thiên hạ”, mà để ứng dụng vào thực tiễn và khi vận dụng phải sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, tránh rập khuôn, giáo điều: “chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”và “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam kết hợp với tinh hoa văn hoá của nhân loại, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Điều hết sức quan trọng trong việc nâng cao trình độ lý luận là phải rèn luyện, nâng cao năng lực tư duy. Đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời cũng là việc thường xuyên lâu dài.

Công tác lý luận luôn luôn gắn liền với công tác tư tưởng. Nghiên cứu lý luận làm sáng tỏ những vấn đề của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới góp phần thống nhất nhận thức tư tưởng trong Đảng và toàn xã hội. Sự phát triển của công cuộc đổi mới ngày càng khẳng định vai trò soi đường, định hướng của lý luận, khẳng định tầm quan trọng của công tác lý luận. Đó là cơ sở để định hướng cho công tác tư tưởng, khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng. Những định hướng lớn của công tác tư tưởng là khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là học thuyết cách mạng và khoa học, là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Trong công tác nghiên cứu lý luận phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều và kinh nghiệm chủ nghĩa.Quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên quyết và đấu tranh có hiệu quả chống các trào lưu sai trái, thù địch về tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính sự vận dụng sáng tạo, thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn cách mạng đã chứng minh giá trị bền vững, sức sống của học thuyết cách mạng trong điều kiện lịch sử mới. Để tiếp tục trở thành nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng, trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam thấm nhuần sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét