Chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza nhằm vào lực lượng Hamas, dưới biệt danh “Thanh kiếm sắt”, đã trôi qua 7 tháng kể từ khi nổ ra. Đây là cuộc chiến có quy mô lớn, ác liệt và kéo dài nhất kể từ khi thành lập Nhà nước Israel (năm 1948) đến nay. Cuộc chiến không những khiến cả hai bên bị thiệt hại nặng nề mà còn gây ra một thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Dải Gaza.
Nguyên nhân bùng nổ
xung đột Hamas - Israel
Ngày 7-10-2023, lực
lượng Hamas đã mở cuộc tấn công tổng lực trên bộ, trên không và trên biển vào
Israel. Ngày 22-10-2023, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng
Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án hành động này của Hamas, song
cho rằng việc Hamas tấn công Israel không phải ngẫu nhiên bởi người dân
Palestine đã bị Israel chiếm đóng trong 56 năm nay.
Thực tế cho thấy, các
nghị quyết của Liên hợp quốc, đặc biệt là Nghị quyết 242 (năm 1967), Nghị quyết
338 (năm 1973) và Nghị quyết 2334 (năm 2016) của Hội đồng Bảo an mang tính ràng
buộc khi yêu cầu Israel rút khỏi các vùng đất Palestine bị chiếm đóng và chấm
dứt việc xây dựng các khu định cư trên vùng lãnh thổ này đều không được Israel
tuân thủ. Hiệp định Hòa bình Oslo (năm 1993) ký kết giữa Israel và Palestine
quy định thành lập Nhà nước Palestine, Hội nghị hòa bình Madrid (năm 1991),
Sáng kiến hòa bình Arab (năm 2002) cũng không được Israel thực hiện.
Trong khi đó, Chính
phủ hiện nay của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được nhiều chuyên gia cho
là chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel, chủ trương xóa bỏ vấn đề
Palestine. Mặc dù Mỹ đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột nhưng
lại hoàn toàn đứng về phía Israel. Ông Donald Trump sau khi đắc cử Tổng thống
Mỹ năm 2016 vào tháng 1-2020 đã đưa ra “Thỏa thuận thế kỷ” với mục tiêu nhằm
xóa bỏ vấn đề Palestine, trong đó có việc công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh
viễn của Nhà nước Do Thái và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.
Sau khi rút khỏi Dải
Gaza (năm 2005), Israel đã có nhiều biện pháp phong tỏa khu vực này và đến nay
đã phong tỏa hoàn toàn. Người dân ở Dải Gaza sống như những “tù nhân” trên
chính mảnh đất của mình.
Trong khi đó, tình
hình quốc tế vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Thế giới tập trung sự chú ý
vào cuộc chiến Nga - Ukraine, giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19, cạnh
tranh giữa các nước lớn cùng nhiều vấn đề quốc tế khác. Năm 2020, trong khi
chưa có giải pháp cho cuộc xung đột Palestine - Israel, nhiều nước Arab đã ký
Hiệp ước Abraham để bình thường hóa quan hệ với Israel. Đặc biệt, dưới vai trò
trung gian của Mỹ, Saudi Arabia - quốc gia lớn nhất trong thế giới Arab - cũng
bắt đầu đàm phán gia nhập hiệp ước này, tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao
với Nhà nước Do Thái. Khi phát động cuộc chiến, mục đích của Hamas là hướng sự
chú ý của cộng đồng quốc tế vào cuộc xung đột Israel - Palestine và khẳng định
vai trò không thể thiếu của lực lượng Hamas như một giải pháp cho cuộc xung
đột.
Cuối cùng, nguyên nhân
trực tiếp là vào ngày 1-10-2023, hơn 500 phần tử Do Thái cực đoan đã tràn vào
Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (nằm ở trung tâm thành phố cổ Jerusalem) quấy rối, gây
xung đột khi người Ả Rập Palestine đang cầu kinh. Đây được coi là giọt nước
tràn ly làm bùng nổ chiến dịch “Lũ lụt Al-Aqsa” của phong trào Hamas.
Chiến dịch quân sự của
Israel không đạt được mục tiêu
Sáng 7-10-2023, chỉ
vài giờ sau khi lực lượng Hamas tấn công lãnh thổ Israel, Lực lượng Phòng vệ
Israel (IDF) đã phát động chiến dịch quân sự với quy mô lớn nhất từ trước tới
nay tại Dải Gaza với biệt danh “Thanh kiếm sắt”. Thủ tướng Israel B. Netanyahu
tuyên bố, mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt Hamas và giải phóng con tin
trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đến nay, chiến dịch này đã bước sang tháng
thứ bảy, Israel vẫn chưa thực hiện được bất cứ mục tiêu nào. Lực lượng Hamas
không những không bị tiêu diệt, mà còn tiếp tục chống trả quyết liệt, thậm chí
vẫn phóng tên lửa từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel và không một con tin nào được
giải thoát. Trong khi đó, quân đội Israel bị tổn thất nặng nề. Kể từ khi bắt
đầu cuộc xung đột cho đến nay, đã có hơn 600 binh sĩ Israel thiệt mạng và hơn
5.000 người bị thương. Đây là con số do Israel công bố, nhưng trên thực tế con
số này còn có thể cao hơn nhiều.
Cuộc chiến tại Dải
Gaza đang gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Israel. Đến nay, vẫn chưa có
thống kê đầy đủ về thiệt hại này bởi cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn. Tuy
nhiên, Ngân hàng Trung ương Israel cho biết, cuộc chiến tại Gaza đã tiêu tốn
hết khoảng 72 tỷ USD, chiếm hơn 10% GDP của nước này, có nghĩa là trung bình
mỗi ngày, ngân sách của Israel phải chi khoảng 270 triệu USD và nếu chiến tranh
còn kéo dài, chi phí này sẽ tăng hơn nữa.
Tổ chức Hợp tác và
Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Israel năm 2024
chỉ ở mức 1,5%, thấp hơn so với mức 3,3% được dự đoán trước đó. Còn theo dự báo
của Hãng thông tấn quốc tế Bloomberg (Mỹ), thâm hụt ngân sách của Israel năm
2024 có thể lên tới 9% (tương đương 30 tỷ USD), nợ công tăng từ 59% lên 62%
GDP. Ngân hàng quốc gia J.P Morgan (Mỹ) cũng dự báo kinh tế Israel có nguy cơ
suy thoái và các chuyên gia kinh tế Israel nhận định, kinh tế Israel có thể
đang bên bờ sụp đổ.
Thống đốc Ngân hàng
Trung ương Israel Amir Yaron cho rằng, hậu quả của cuộc xung đột quân sự tại
Dải Gaza sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này trong trung hạn và kêu gọi
Chính phủ Israel cần hết sức thận trọng khi đưa ra dự toán ngân sách mới.
Thảm họa nhân đạo chưa
từng có tại Dải Gaza
Ngoài chiến tranh, đạn
pháo và bom mìn, người dân tại Dải Gaza còn đang phải đối mặt với một thảm họa
nhân đạo khốc liệt chưa từng có. Điện, nước, lương thực, thực phẩm, thuốc
men... đều thiếu hụt nghiêm trọng, dịch bệnh bùng phát, lan rộng khắp nơi.
Tính đến ngày
20-2-2024, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho
biết, có tới 2,2 triệu trong số 2,3 triệu dân số tại Dải Gaza đang phải chịu
cảnh đói ở mức độ khác nhau, trong đó 378.000 người đang ở giai đoạn nguy cấp.
Nhiều người phải ăn cỏ, thức ăn gia súc để duy trì sự sống. Hơn 80% dân số tại
Dải Gaza buộc phải rời bỏ nhà cửa. Nguyên nhân là do Gaza bị Israel phong tỏa
hoàn toàn. Hiện nay, chỉ có hai cửa khẩu là Rafah và Abu Salem trên biên giới
Ai Cập được mở, vì vậy, số lượng hàng cứu trợ được đưa vào Dải Gaza rất nhỏ
giọt. Để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân tại Dải Gaza, mỗi ngày
phải có ít nhất 500 xe tải được thông quan, nhưng hiện chỉ có khoảng 100 - 150
xe được phép di chuyển vào.
Các tổ chức nhân đạo
không thể cung cấp nhu cầu tối thiểu của người dân tại Dải Gaza do các cuộc
pháo kích của Israel khiến tình hình an ninh không được bảo đảm. Tính đến nay,
đã có hơn 100 nhân viên cứu trợ của Liên hợp quốc bị thiệt mạng, công tác phân
phối hàng cứu trợ bị gián đoạn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, Israel đang
tạo ra “những trở ngại to lớn” trong việc phân phối hàng cứu trợ.
Chiến sự leo thang kéo
dài khiến tổn thất gia tăng đối với cả Israel, Hamas và Palestine, nhất là
người dân tại Dải Gaza. Theo OCHA, đến nay, số người Palestine ở Dải Gaza bị
thiệt mạng đã vượt quá 33.000 người, trong đó có 9.000 phụ nữ và 13.000 trẻ em,
số người bị thương lên tới hơn 76.000 người. Con số thống kê này vẫn còn chưa
đầy đủ bởi hàng nghìn nạn nhân vẫn còn đang nằm dưới đống đổ nát.
Thành phố Gaza tươi
đẹp nay đã trở thành đống đổ nát hoang tàn với hơn 100.000 tòa nhà bị phá hủy
hoàn toàn, 290.000 tòa nhà bị hư hại nặng, 30 bệnh viện, 150 cơ sở y tế cùng
nhiều trường học bị bắn phá và phải tạm ngừng hoạt động, hệ thống y tế và giáo
dục bị sụp đổ hoàn toàn. Thiệt hại tại Dải Gaza ước khoảng 18,5 tỷ USD.
Nội bộ Israel chia rẽ,
quan hệ Israel - Mỹ rạn nứt
Trên thế giới, các
cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng triệu người đã bùng nổ tại nhiều nước
ủng hộ Palestine và lên án chiến dịch quân sự của Israel vào Dải Gaza.
Tại Israel, nhiều cuộc
biểu tình rầm rộ diễn ra ở thành phố Tel Aviv và Thủ đô Jerusalem với sự tham
gia của hàng trăm nghìn người yêu cầu chính phủ nước này tìm mọi cách giải cứu
các con tin đang bị bắt giữ tại Dải Gaza, yêu cầu Thủ tướng Israel B. Netanyahu
từ chức và tổ chức bầu cử sớm để thành lập chính phủ mới.
Nội bộ chính quyền
Israel xuất hiện nhiều bất đồng, đặc biệt giữa Chính phủ khẩn cấp và Hội đồng
chiến tranh. Mới đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz - thành
viên Chính phủ khẩn cấp do Thủ tướng Israel B. Netanyahu thành lập sau sự kiện
ngày 7-10-2023, đã tham gia các cuộc biểu tình ở thành phố Tel Aviv nhằm phản
đối chính phủ và công kích cách thức mà ông B. Netanyahu xử lý vấn đề con tin ở
Dải Gaza. Nhiều nhân vật đối lập, trong đó có các cựu Thủ tướng Israel Ehud
Barak, Ehud Olmert, Yair Lapid, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor
Lieberman và nhiều quan chức cấp cao khác đều không tham gia chính phủ chiến
tranh của ông B. Netanyahu.
Giữa Israel và Mỹ cũng
bắt đầu xuất hiện một số rạn nứt khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Thủ tướng
Israel B. Netanyahu rằng, Israel đang mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì các vụ
“đánh bom bừa bãi” ở Dải Gaza và nên thay đổi chính phủ của mình vốn do các
đảng cực hữu thống trị. Đây là lời chỉ trích gay gắt nhất của Tổng thống Mỹ J.
Biden từ trước đến nay về cách thức xử lý cuộc chiến ở Dải Gaza của Thủ tướng
Israel B. Netanyahu.
Ngày 14-3-2024, phát
biểu trước Thượng viện Mỹ, lãnh đạo phe đa số Đảng Dân chủ tại Thượng viện -
Chuck Schumer - người Mỹ gốc Do Thái cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ đã cảnh
báo liên minh cực hữu của Thủ tướng Israel B. Netanyahu đang ngăn cản “những
điều chỉnh quan trọng” cần thiết trong cuộc chiến chống Hamas. Ông cho rằng,
Thủ tướng Israel B. Netanyahu là “chướng ngại vật” cho hòa bình, nhiều người
Israel đã mất niềm tin vào tầm nhìn và khả năng quản lý của chính phủ sau sự
kiện ngày 7-10-2023. Ông C. Schumer khẳng định, việc tổ chức các cuộc bầu cử
sớm là cách duy nhất để dọn đường cho một quá trình ra quyết định đúng đắn về
tương lai của Israel.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét