Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Giải pháp phòng, trị bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm

 

Tình trạng CBCCVC sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm như một căn bệnh đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đối với sự phát triển đất nước. “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”. Trước hết, bệnh sợ trách nhiệm làm cho nhiều CBCCVC thụ động trong công việc, đùn đẩy trách nhiệm. Vì vậy, nhiều nhu cầu thiết thực, chính đáng của người dân, doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời, dẫn đến sự suy giảm niềm tin đối với bộ máy công quyền. “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ”. Đáng lo ngại hơn, bệnh sợ trách nhiệm còn làm cho những khuyết điểm trong thực thi công vụ không được chỉ ra, vì “Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Lấy cớ phải có tác phong “thận trọng, chín chắn”, phải “giữ gìn đoàn kết”, các đồng chí đó không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Để phòng, trị có hiệu quả những tác hại nghiêm trọng của căn bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm của một bộ phận CBCCVC, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm có một phần nguyên nhân là do hệ thống pháp luật hiện hành còn những bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, có thể cùng một vấn đề nhưng có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, dễ sai phạm, nên nhiều CBCCVC né tránh việc thực hiện. Vì vậy, cần quan tâm nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để CBCCVC tự tin thực thi trách nhiệm công vụ trong chức trách, thẩm quyền của mình.

Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong hoạt động công vụ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Hiện nay còn có những cơ quan, đơn vị vì phân công không rõ ràng, quy định không rành mạch về trách nhiệm và quyền hạn của từng người cho nên không thể đánh giá đúng ai làm tốt, ai làm không tốt; khi xảy ra việc làm sai gây tổn hại cho Đảng và Nhà nước thì chỉ có thể kiểm điểm tập thể chung chung, không biết quy trách nhiệm cụ thể về ai”. Do đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương một người có thể làm nhiều việc nhưng công việc nào cũng phải có người phụ trách, quy định và phân biệt rạch ròi trách nhiệm cá nhân và tập thể, tránh trường hợp “tranh công đổ lỗi”, khi thành công thì nhận thành tích cá nhân, khi thất bại, kém hiệu quả lại đổ lỗi cho tập thể. Đặc biệt, cần có những quy định xác định rõ trách nhiệm cá nhân không chỉ khi thực hiện sai quy định pháp luật mà còn cả khi không thực hiện đầy đủ theo thẩm quyền được giao, để công việc bị chậm trễ. Khi trách nhiệm cá nhân trong hoạt động công vụ rõ ràng sẽ hạn chế được tình trạng CBCCVC không dám làm, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm.

Thứ ba, phát huy dân chủ trong thực thi công vụ. Tình trạng cấp trên bao biện, không chú ý lắng nghe ý kiến và trao quyền cho cấp dưới đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, tạo ra một đội ngũ CBCCVC thụ động, không dám làm, không dám quyết định và né tránh trách nhiệm. Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Có những cán bộ cấp trên không tôn trọng chức trách, quyền hạn của cấp dưới, đã không chú ý đề cao, phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ cấp dưới, rồi tự cho mình là đi sâu đi sát, là có tác phong cụ thể. Cách làm việc như vậy thường khiến cho những cán bộ vốn ỷ lại, thụ động dễ dàng lẩn tránh trách nhiệm. Cũng có trường hợp người lãnh đạo ở cấp trên không khách quan lắng nghe ý kiến của cán bộ cấp dưới, chỉ muốn nghe những lời khen và đồng tình với mình, không thích những cán bộ có ý kiến trái với mình, cho nên không cổ vũ, khuyến khích cán bộ cấp dưới độc lập suy nghĩ, chủ động sáng tạo trong công việc và thẳng thắn phát biểu, đề đạt ý kiến. Thái độ đó của cấp trên thực tế là ủng hộ những cán bộ sợ trách nhiệm, những người “chỉ làm những việc mà người ta bảo làm””. Do đó, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền nhiều hơn cho cơ quan cấp dưới, cán bộ cấp dưới để họ có quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phong cách lãnh đạo và làm việc dân chủ, luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cấp dưới, khuyến khích cấp dưới phát biểu, đối thoại, đề ra sáng kiến, kể cả trái với quan điểm của mình, từ đó sẽ tạo ra một đội ngũ CBCCVC dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm rõ nguyên nhân khách quan, bên ngoài của căn bệnh CBCCVC sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm như thể chế, pháp luật…, mà còn nêu ra nguyên nhân chủ quan, bên trong. “Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh,… không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó ngại phiền”. Do đó, để trị tận gốc căn bệnh này, phải đổi mới toàn diện công tác cán bộ, trước hết là phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi đã một lòng, một dạ vì đất nước, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu, lý tưởng phấn đấu thì họ sẽ không ngại đương đầu với khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để thực hiện mục tiêu, lý tưởng mà mình đã lựa chọn. Từ đó, bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm sẽ khó có đất để tồn tại.

Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá CBCCVC theo hướng bổ sung tiêu chí cụ thể đối với những CBCCVC dám nghĩ, dám làm, có nhiều đổi mới, sáng kiến được tập thể, lãnh đạo cơ quan, đơn vị công nhận, đánh giá tốt, là tấm gương để những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm thay đổi thái độ, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Gắn việc đánh giá với công tác khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, thay thế, điều động, luân chuyển CBCCVC. Những cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo cần được đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, được đề bạt, bổ nhiệm lên vị trí cao hơn. Ngược lại, những cán bộ làm việc cầm chừng, cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cần có hình thức xử lý thích hợp, thậm chí điều chuyển hoặc truy cứu trách nhiệm chính trị, pháp lý, kỷ luật, thay thế kịp thời. Nâng cao chất lượng của công tác cán bộ ở tất cả các khâu, các quy trình là giải pháp vừa cấp bách trước mắt, vừa căn cơ lâu dài để phòng, trị căn bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm.

Để khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, cần vừa đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng hạn chế này để chống phá Đảng và Nhà nước ta, vừa phải quyết liệt đấu tranh với chính những tiêu cực, hạn chế từ trong nội bộ đội ngũ CBCCVC của Đảng và hệ thống chính trị. Ngăn chặn, hạn chế tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là yêu cầu cấp thiết để thực hiện thành công chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ “7 dám” (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung), mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét