NÂNG CAO KHẢ NĂNG PHÒNG, CHỐNG
THIÊN TAI - TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA QUÂN ĐỘI
Do đặc điểm địa lý, khí hậu phức tạp, nên Việt Nam thường xuyên phải gánh chịu những thiệt hại do thiên tai. Để hạn chế thấp nhất những hậu quả về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam xác định công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm, cứu nạn (PCTT-TKCN) là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, bằng tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm cao, những năm qua, các đơn vị trong toàn quân đã lập nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận đầy cam go này.
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia TKCN, năm 2023 cả nước đã xảy ra hơn 1.135 trận thiên tai với 21 trên tổng số 22 loại hình thiên tai. Thiên tai đã làm 166 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.228 tỷ đồng… Có thể thấy những hậu quả mà thiên tai, tai nạn, cháy nổ… gây ra là hết sức nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm giảm thiểu những đau thương, mất mát của Nhà nước và nhân dân, hằng năm các đơn vị Quân đội đã chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng triển khai đồng bộ việc lập kế hoạch, lường trước các tình huống để có phương án sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý. Để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng xử lý tình huống PCTT-TKCN, các đơn vị đã làm tốt công tác huấn luyện, diễn tập cho các lực lượng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các cơ quan chức năng đã trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ, chỉ huy kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. Cán bộ, chiến sĩ không ngại gian khổ, hy sinh, kịp thời có mặt ở những nơi, những vùng khó khăn, nguy hiểm nhất để sát cánh cùng nhân dân chống chọi với thiên tai và khắc phục hậu quả.
Trong 5 năm gần đây, toàn quân đã huy động hàng trăm ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ; hàng nghìn chuyến máy bay trực thăng, tàu, xuồng các loại; hàng nghìn ô tô tham gia PCTT-TKCN, giúp di rời hàng trăm ngàn hộ dân đến nơi phòng tránh thiên tai an toàn. Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị tham gia có hiệu quả công tác TKCN trên sông, trên biển; huy động lực lượng làm nhiệm vụ ứng cứu sập đổ công trình và phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, khắc phục các sự cố thảm hoạ môi trường... Những kết quả đó càng khẳng định vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận PCTT-TKCN, tô thắm thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân dân.
Thực tế việc thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN của Quân đội cũng có những vấn đề đặt ra. Để tiếp tục nâng cao khả năng PCTT-TKCN trong mọi tình huống, trước hết các đơn vị trong toàn quân phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Cần coi đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ PCTT-TKCN của Quân đội trong tình hình hiện nay. Công tác tuyên truyền phải hướng vào làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về sự tàn phá khủng khiếp và hậu quả nặng nề do thiên tai, thảm họa gây ra; thấy rõ hơn vai trò nòng cốt, trách nhiệm nặng nề, nhưng vô cùng vinh quang của Quân đội với nhiệm vụ quan trọng này.
Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới công tác huấn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng thực hành trong PCTT-TKCN cho bộ đội, nhất là đối với lực lượng chuyên trách tại các khu vực địa bàn. Trên cơ sở chỉ lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện PCTT-TKCN cho phù hợp. Chương trình, nội dung, thời gian, hình thức và phương pháp huấn luyện cho từng đối tượng cần xác định cụ thể, từ kiến thức phổ thông, cách thức chằng chống nhà cửa, kho tàng, phương pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn trong bão, lụt, thảm họa; kỹ thuật, kinh nghiệm đi lại trên sông nước bằng các phương tiện thông thường như bè mảng, thuyền chèo tay... Có như vậy mới phát huy cao nhất khả năng thế mạnh của từng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Đối với các lực lượng chuyên trách, cần nâng cao phương pháp điều khiển, sử dụng các phương tiện TKCN hiện đại, nhất là các phương tiện trên biển, trên sông, khắc phục sự cố tràn dầu, cứu sập đổ công trình, chống cháy nổ, cháy rừng tại các địa hình phức tạp...
Trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần hiệp đồng chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan, tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án đã được phê chuẩn, nâng cao khả năng PCTT-TKCN trên từng địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao. Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo trình, tài liệu huấn luyện về PCTT-TKCN bảo đảm tính chuyên sâu phù hợp và đưa vào giảng dạy tại các trường trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức, chuẩn bị lực lượng, trang bị, phương tiện hiên đại để chủ động đối phó có hiệu quả các tình huống. Hệ thống tổ chức TKCN của Quân đội cần được kiện toàn theo hướng thống nhất, đồng bộ, kiêm nhiệm và mang tính chuyên nghiệp, nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Ban chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống lụt bão, cháy nổ, cháy rừng, TKCN từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị phải thường xuyên kiện toàn, nâng cao trách nhiệm và trình độ. Chủ trương triển khai thành lập các cơ quan cứu hộ, cứu nạn ở một số đơn vị của Bộ Quốc phòng là rất cần thiết, nhưng cần phải ưu tiên đầu tư lựa chọn cả về con người và trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực chuyên sâu, khả năng ứng phó với các tình huống, đặc biệt là trong những trường hợp khẩn cấp./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét