Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

NÉT ĐẶC SẮC TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC

 Những ngày tháng 5 lịch sử, với nhiều hoạt động thi đua yêu nước sôi nổi, cả đất nước lại nhớ về Bác Hồ kính yêu - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, tưởng nhớ và kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người (19-5-1890 - 19-5-2024). Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, chăm lo, động viên sức mạnh toàn dân tộc, lôi cuốn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hăng hái tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tạo sức lan tỏa cho các phong trào thi đua
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người Việt Nam đầu tiên nêu lên và gắn kết một cách tài tình giữa yêu nước với thi đua, chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa hai phạm trù, hai thành tố này với nhau. Chính điều này đã tạo cho phong trào thi đua yêu nước tinh thần mạnh mẽ, bền vững và luôn gắn liền với sự phát triển của dân tộc.
Từ quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy mối quan hệ chặt chẽ, sự cần thiết phải gắn kết giữa yêu nước và thi đua. Theo Người, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân với ý chí phấn đấu và phát huy sức mạnh cả vật chất lẫn tinh thần. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong lao động sản xuất, chiến đấu…, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, của tình cảm đối với Tổ quốc, quê hương.
Người nhấn mạnh: “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc” sẽ làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, lâu bền, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Ngược lại, “yêu nước phải tỏ ra trong công việc thực tế, trong Thi đua ái quốc”, không yêu nước suông. Người còn giải thích: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”, thi đua sẽ bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc.
Khơi dậy tinh thần yêu nước
Bản chất của mối quan hệ giữa thi đua và yêu nước luôn được đặt ra một cách thường xuyên, trực tiếp và do vậy, khi tổ chức phong trào thi đua phải nhất thiết khơi dậy tinh thần yêu nước. Dù có thể cần phải tính đến các yếu tố khác, các động lực khác, kể cả động lực lợi ích vật chất trong tổ chức phong trào thi đua, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nhưng động lực chính trị - tinh thần, mà cốt lõi nhất là tinh thần yêu nước phải luôn là động lực cơ bản, chi phối và quyết định.
Thực tiễn cho thấy, để có một phong trào thi đua được tất cả các tầng lớp dân cư tham gia, vấn đề hàng đầu đặt ra là cần tìm được điểm tương đồng, điểm chung vừa đáp ứng lợi ích đa dạng, nhiều mặt của mỗi thành viên, vừa đảm bảo lợi ích tối cao của dân tộc. Lòng yêu nước chính là điểm chung đó.
Khi phát động phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng lợi ích của xã hội, của đất nước, mà còn kết hợp hài hòa, chặt chẽ với lợi ích cá nhân. Người căn dặn: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, cũng ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”.
Việc gắn thi đua với yêu nước và yêu nước với thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo cho phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta mang bản sắc của dân tộc Việt Nam, đó là gắn liền tư tưởng, tinh thần với hành động thực tiễn, nói đi đôi với làm. Đây chính là một trong những biểu hiện sinh động của nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.
Qua các phong trào thi đua ái quốc, lòng yêu nước của quần chúng nhân dân được khơi dậy, bồi đắp và phát huy, biến ý chí của mỗi người dân thành hành động cụ thể, thiết thực trong lao động sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác với những thành tựu to lớn và thắng lợi vẻ vang./.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét