Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với quốc phòng.
Quốc phòng là lĩnh vực hoạt động liên quan trực tiếp đến sự an - nguy, thịnh - suy, mất - còn của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, nên cần thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Nhà nước quản lý, điều hành tập trung, thống nhất đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thống nhất, đồng bộ cơ cấu tổ chức đảng trong lãnh đạo công tác quốc phòng từ Trung ương đến địa phương. Bổ sung các nội dung lãnh đạo về quốc phòng, cơ chế hoạt động và trách nhiệm phối hợp của từng cấp, ngành, địa phương liên quan đến hoạt động quốc phòng, đặc biệt khi xử lý các tình huống phức tạp. Nhà nước cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thành pháp luật, nghị định và tổ chức chỉ đạo thực hiện các kế hoạch về quốc phòng gắn với chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác quy hoạch về quốc phòng và phổ biến tới các bộ, ngành, địa phương tạo sự thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng.
Thứ hai, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân, cả hệ thống chính trị về thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phổ biến nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp và sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng. Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình, tài liệu giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Phát huy tốt vai trò tham mưu, tư vấn giúp các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ ba, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc sẽ tạo nên sức mạnh chính trị, quân sự, quốc phòng, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc chính là quy tụ lòng người, tạo đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; quy tụ được lực lượng vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Nhân dân là lực lượng đông đảo, được tổ chức chặt chẽ tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ các công trình quân sự, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của các địa phương, trên các vùng, miền của đất nước.
Thứ tư, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, đối ngoại với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng.
Trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, đối ngoại của quốc gia, từng ngành và từng địa phương phải luôn kết hợp chặt chẽ và hiệu quả với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ và đối ngoại; chú trọng trên hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; hình thành các khu vực chiến lược vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh. Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ..., việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, bố trí các công trình kinh tế, kỹ thuật, văn hóa... có quan hệ rất lớn đến thế trận quốc phòng toàn dân. Do vậy, việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ... phải luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả thời bình và khi có chiến tranh.
Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, nhất là nghị quyết của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng... Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao, phù hợp với khả năng của nền kinh tế và của các địa phương. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng chủ động, tự chủ, tự cường, lưỡng dụng và hiện đại để bảo đảm tự chủ và tăng cường vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho quân đội nhân dân, dân quân tự vệ.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động tạo môi trường hòa bình, ổn định và lợi thế cho xây dựng, củng cố quốc phòng.
Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng; phát huy hiệu quả hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó có đối ngoại quốc phòng. Xây dựng tiềm lực và thế trận đối ngoại gắn kết với thiết lập thế trận quốc phòng liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, kết hợp chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với đối ngoại để thực hiện tốt phương châm chỉ đạo chiến lược “trong ấm, ngoài êm” bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tạo môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Việc đề xuất định hướng về mục tiêu, quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp là nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả và hướng tới xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét