“Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú là điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, thi đua rèn luyện, phấn đấu. Có được những kết quả đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và Phong trào Thi đua Quyết thắng”. Đó là khẳng định của Đại tá Hoàng Nam Chung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, một trong những nội dung của Phong trào Thi đua Quyết thắng mà đơn vị tập trung thực hiện đó là xây dựng môi trường văn hóa. Phải chăng đây là điều kiện để mỗi quân nhân tu dưỡng, rèn luyện, tích cực thực hiện nhiệm vụ?
Đại tá Hoàng Nam Chung: Đúng vậy, hoạt động quân sự mang tính đặc thù cao, để bộ đội yêu mến, coi đơn vị là nhà thì việc xây dựng môi trường công tác có văn hóa mang ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, các cơ quan, đơn vị đều đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị Quân đội” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Phong trào “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiến hành tốt các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho quân nhân, rèn luyện theo tiêu chuẩn con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Để hoàn thành tốt tiêu chí xây dựng “Đơn vị văn hóa”, cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh Vĩnh Phúc đã thi đua thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, xây dựng đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, giữ vững phong cách quân nhân trong công tác, làm việc chính quy, nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả. Từng quân nhân thi đua “làm hết việc, không chỉ làm hết giờ”, không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn của đồng chí, đồng đội. Khi tiếp xúc với nhân dân, bộ đội có thái độ đúng mực, kính trọng, giúp đỡ, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Theo đó, việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong Phong trào Thi đua Quyết thắng có ý nghĩa như thế nào trong góp phần xây dựng con người văn hóa, tô đẹp thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thưa đồng chí?Đại tá Hoàng Nam Chung: Trong những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên coi trọng tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt bằng nhiều mô hình hay, việc làm thiết thực, động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng phấn đấu vươn lên. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến được thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu lập kế hoạch, xác định tiêu chí của điển hình tiên tiến, phát hiện, bồi dưỡng đến lộ trình, thời gian, biện pháp tiến hành.
Các cơ quan, đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua với điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Điển hình tiên tiến được tạo điều kiện, môi trường để tôi luyện, khẳng định mình trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, phức tạp.
Trong 5 năm qua (2019-2024), LLVT tỉnh có 2.600 điển hình tiên tiến được các cấp tôn vinh, khen thưởng. Qua đó khẳng định, công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong LLVT tỉnh đã có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng, tạo động lực mạnh mẽ để khơi dậy trong mỗi cán bộ, chiến sĩ tinh thần tự lực, tự cường, ý chí khắc phục khó khăn, quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của LLVT tỉnh.PV: Việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần sẽ tạo động lực để bộ đội hăng hái thi đua, thêm yêu mến đơn vị. Hoạt động đó được thực hiện như thế nào ở LLVT tỉnh Vĩnh Phúc, thưa đồng chí?
Đại tá Hoàng Nam Chung: Đến nay, đời sống văn hóa tinh thần trong LLVT tỉnh có bước phát triển tiến bộ, điều kiện làm việc, sinh hoạt của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đã có sự cải thiện rõ rệt. Hệ thống cảnh quan doanh trại được đầu tư xây dựng cơ bản, chính quy, xanh-sạch-đẹp, thân thiện với môi trường, trở thành điểm sáng văn hóa trên địa bàn đóng quân. Hoạt động thư viện, nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh được đổi mới, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ tham gia sinh hoạt, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, phấn đấu mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng 1-2 mô hình “Quân nhân học tập”, “Đơn vị học tập” hiệu quả. Các thiết chế văn hóa được củng cố và hoạt động có nền nếp, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia vui chơi, giải trí, thụ hưởng, sáng tạo văn hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét