1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm đến vấn đề tôn giáo với tư tưởng, quan điểm, việc làm đúng đắn, cần thiết. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay ngày hôm sau, ngày 3-9-1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để lựa chọn, bàn và giải quyết nhiều nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước non trẻ. Trong vấn đề thứ sáu, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”. Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư thể hiện tình cảm, sự quan tâm gửi các chức sắc tôn giáo và đồng bào công giáo. Ngày 14-10-1945, trong Thư gửi ông Giám mục và đồng bào công giáo Việt Nam, Hồ Chủ tịch chúc mừng ông Giám mục được tấn phong và tin tưởng ông sẽ “lãnh đạo đồng bào tôn giáo noi gương hy sinh của đức Giêsu mà hy sinh phấn đấu để giữ vững quyền tự do, độc lập của nước nhà”; Người bày tỏ tình cảm với đồng bào công giáo trong ngày Công giáo cứu quốc hội khai toàn quốc đại biểu đại hội, đánh giá đó là một ngày vẻ vang cho đồng bào Công giáo và cho đồng bào toàn quốc. Người bày tỏ vì bận việc quá không thể đến dự được nhưng lòng Người vẫn gần gũi đồng bào công giáo. Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, các ngành, địa phương và quần chúng nhân dân thực hiện tốt vấn đề tôn giáo, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng, để: “đồng bào Công giáo ta sẽ hết lòng hết sức cùng toàn dân kiên quyết đấu tranh cho nước nhà thống nhất, giữ vững hòa bình”.
2. Tư tưởng “Lương giáo đoàn kết” được Hồ Chí Minh phân tích rất sâu sắc, cụ thể. Người đưa ra đánh giá về vai trò quan trọng của sự đoàn kết chung, yếu tố quan trọng để dân tộc suy hay thịnh, mất hay còn. Người khẳng định: Không đoàn kết thì suy và mất, có đoàn kết thì thịnh và còn. Và Người yêu cầu “Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Trong khối đại đoàn kết của dân tộc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò của đồng bào công giáo: “Nay toàn quốc đồng bào ta đã không chia giai cấp, không chia trai gái, không chia tôn giáo mà đoàn kết chặt chẽ thành một khối. Công giáo cứu quốc hội là một lực lượng to lớn thêm vào để làm cho thêm vĩ đại cái lực lượng vô cùng vĩ đại của toàn thể quốc dân”. Khi gửi thư cho Hội nghị đại biểu đồng bào theo đạo Thiên Chúa toàn miền Bắc ngày 17-9-1964, Hồ Chí Minh nêu rõ: Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, thì cách mạng nhất định sẽ thắng lợi, chúng ta sẽ thành công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước giàu mạnh. Trên báo Cứu quốc số 70, ra ngày 18-10-1945, đăng Lời cám ơn đồng bào công giáo của Hồ Chủ tịch gửi các giám mục và đồng bào công giáo Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trong thư Người viết: “Tôi thay mặt Chính phủ cám ơn bức thư các vị đã gửi cho chúng tôi. Trong thư nói: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại. Câu nói nhiệt thành đó tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những người chân chính tín đồ của đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc, đồng bào ta cả lương và giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”.
3. Trong thực hiện chính sách tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cũng rất chú ý đến việc đấu tranh với những quan điểm, thái độ, việc làm sai trái, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, thế lực xấu. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ khi nói phát động quần chúng thì phải nói đến đồng bào công giáo. Người thẳng thắn phê bình: “Thường cán bộ có thành kiến rằng đồng bào công giáo là lạc hậu, là khó vận động. Nói vậy là sai”. Trong Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ, ngày 1-2-1947, Hồ Chủ tịch viết: “Chắc cụ không bao giờ tin rằng Việt Minh chống đạo vì cụ thừa biết Việt Nam độc lập đồng minh là cốt đoàn kết tất cả đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập, chứ không phải để chia rẽ, phản đối tôn giáo…”.
Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng cố tình xuyên tạc, vu cáo trên không gian mạng rằng: Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam luôn vi phạm chính sách tôn giáo coi thường giáo dân, quy kết vô lý: Việt Nam vi phạm tôn giáo ở mức “nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn”. Chúng còn thường xuyên lôi kéo, kích động, chia rẽ đoàn kết lương giáo với nhiều thủ đoạn trắng trợn, tinh vi. Nhưng trên thực tế sự bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, đó đều thất bại, đồng bào lương giáo ở Việt Nam vẫn luôn đoàn kết thống nhất, vững tin vào Đảng, Nhà nước, cùng nhau xây dựng Tổ quốc giàu mạnh.
4. Trong thời kỳ đổi mới vừa qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trong đó có đồng bào tôn giáo đã có nhiều cố gắng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách tôn giáo. Những quy định về vấn đề tôn giáo của Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng tôn giáo được quán triệt, triển khai thi hành tích cực trong cuộc sống. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện toàn diện vấn đề tôn giáo với tinh thần: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”. Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân, trong đó có đồng bào công giáo đã giúp cho chúng ta có được những thành công quan trọng trong lĩnh vực này, được dư luận trong nước và quốc tế thừa nhận, đánh giá cao.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang cùng đồng bào công giáo đoàn kết thống nhất tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi nội dung về vấn đề tôn giáo đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định. Để đạt được mục tiêu vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta vừa phải bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận, vừa phải phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đồng thời, chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét