Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

 TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN 

                                                            
Thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo rất quan trọng của Đảng ta trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Hành động gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chính là “mệnh lệnh không lời”, trực tiếp truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhân dân học tập, noi theo; qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, việc triển khai nêu gương chủ yếu xuôi chiều, đặt ra yêu cầu rất cao trong thực hành làm gương, chứ chưa coi trọng tạo dựng những phong trào, chương trình “soi gương”, làm theo nội dung nêu gương tốt. Đơn cử như chúng ta triển khai cho cán bộ đảng viên viết cam kết nêu gương nhưng chưa bắt buộc cấp dưới và quần chúng cam kết học tập, làm theo gương sáng của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị. Do đó, nếu bỏ mặc quần chúng tự cảm nhận và tự phát làm theo thì tất yếu sẽ thiếu tính đồng bộ, khoa học, khó tạo nên phong trào học tập rộng khắp, thiết thực, hiệu quả. Lịch sử đã chứng minh trong các giai đoạn các mạng, Trung ương Đảng và các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương luôn coi trọng việc phát động học tập, làm theo những con người cụ thể trên từng lĩnh vực như đánh giặc, tăng gia sản xuất, nghiên cứu khoa học,… Chính điều đó đã tạo nên những điển hình tiên tiến của chủ nghĩa danh hùng cách mạng và tạo ra sức mạnh to lớn của phong trào thi đua ái quốc.
Hiện nay, trong hệ thống chính trị của chúng ta có không ít cán bộ, đảng viên là những tấm gương trong sáng, tiêu biểu, xứng danh là công bộc của dân, có năng lực, phẩm chất xuất chúng, ở họ hội tụ tố chất tạo nên sức mạnh nêu gương. Thế nhưng, do tác động của phẩm chất khiêm tốn vốn dĩ của cán bộ, đảng viên, nên họ không muốn được ca ngợi, tung hô, ngại xuất hiện trên báo chí, truyền thông hoặc nhường lại khen thưởng, sự tôn vinh cho cấp dưới và quần chúng. Đây thực sự là biểu hiện không có lợi cho bầu không khí tâm lý cộng đồng, ảnh hưởng đến thúc đẩy phong trào yêu nước. Do đó, cần sự thay đổi tư duy, cách làm và cần sự chia sẻ kinh nghiệm cống hiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Đối với đơn vị quân đội, các cơ quan, đơn vị nên chủ động có kế hoạch chi tiết để triển khai việc học tập, làm theo các điển hình tiến tiến cụ thể trong cơ quan đơn vị mình. Đồng thời, việc học tập theo nội dung nêu gương của cấp trên phải được tiến hành theo đúng lộ trình: Có phát động, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, tiến độ, bắt buộc cam kết thực hiện, đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm một cách bài bản. Đặc biệt, từng cấp ủy, chỉ huy phải cân bằng được hệ thống các chủ trương, giải pháp giữa lãnh đạo tiến hành nêu gương với chỉ đạo, khuyến khích phong trào học tập, làm theo tấm gương giỏi và nêu gương tốt. Có như vậy, việc nêu gương mới được vận hành trong từng khâu, từng bước, phong trào nêu gương mới không bị rơi vào cảnh “đầu voi, đuôi chuột”, hoặc “trên nóng, dưới lạnh”, “trên phát, dưới không động”.
Ngoài ra, cần phải đặt ra yêu cầu rất cao đối với người đứng đầu trong lựa chọn nội dung nêu gương phù hợp. Đó là việc tập trung khắc phục hạn chế, giải quyết khâu khó, việc yếu, phấn đấu hoàn thiện bản thân mà phải chọn nội dung làm trước, làm mẫu giúp quần chúng soi vào đó mà làm theo, vì sự tiến bộ chung của tập thể.
Qua đó, từng cán bộ, đảng viên cần chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện nêu gương, xem đây là nhu cầu tự thân, ý thức tự giác của mỗi người. Xác định đúng trách nhiệm chính trị, thái độ, động cơ, nghiêm khắc về trách nhiệm thực hiện nêu gương, tự phê bình và phê bình. Đánh giá đúng bản thân, nhận rõ ưu điểm để phát huy, thấy hết hạn chế, khuyết điểm để kiên quyết sửa chữa, khắc phục; tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp nêu gương phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét