Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” trong thời kỳ đổi mới

 1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống “giặc nội xâm”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức, lối sống, tinh thần nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính” của cán bộ, đảng viên và đã sớm thấy được mối nguy hại của tham ô, lãng phí, quan liêu, “nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng

Phòng, chống tham nhũng tức là bao gồm chống những thói hư, tật xấu, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức, nhất là hành vi tham ô “lấy của công làm của tư”(2), thường diễn ra gắn với bộ máy chính quyền nhà nước và những người có chức có quyền. “Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”

Hồ Chí Minh coi “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.

Người cho rằng: quan liêu, tham ô, lãng phí là “bất liêm” và nhấn mạnh “do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Người chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp, mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ bỏ” và trăn trở về “cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch” trong bộ máy chính quyền nhà nước.

 Theo Hồ Chí Minh, muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân bằng mọi biện pháp. Hồ Chí Minh cho rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân” và chỉ rõ: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân.

Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Người cũng nêu rõ nhân dân là chủ thể quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra nguyên nhân chính đẻ ra bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, óc bè phái là chủ nghĩa cá nhân “như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.

Người cũng chỉ rõ, mắc căn bệnh chủ nghĩa cá nhân thì “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. “Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác... là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội”.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã vạch rõ nguồn gốc, bản chất, hình thức biểu hiện và phương pháp phòng, chống tham nhũng trong bộ máy chính quyền nhà nước. Người tỏ rõ “kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, coi “Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên”. Quan điểm của Người là chỉ dẫn cho Đảng ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống nhằm giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Những chỉ dẫn của Người còn nguyên giá trị, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng và rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay.

2. Quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, mang tính cấp bách, lâu dài và gian khó, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực và phải thực hiện đồng bộ các biện pháp. Nếu không đẩy lùi được tham nhũng sẽ “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Nhận thức rõ vấn đề trên, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn.

Tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng nêu rõ quyết tâm phòng, chống tham nhũng và chỉ rõ: “Trong tư tưởng cũng như trong hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi (...) mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa? Tư tưởng và hành động chạy theo đồng tiền, tính ích kỷ, hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, xâm phạm lợi ích của nhân dân, ăn cắp của công, lấy của công để biếu xén, chè chén, “phân phối nội bộ”, phải bị phê phán và xử lý nghiêm khắc”.

Đại hội VII (năm 1991) của Đảng chủ trương đấu tranh chống tệ tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên và kiên quyết xử lý nghiêm minh những người vi phạm. Đặc biệt, từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng chỉ rõ tác hại của tệ tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đấu tranh chống tham nhũng được Đảng đặc biệt quan tâm, coi đây “là vấn đề nóng bỏng, bức bách hiện nay, phải được tiến hành một cách kiên quyết, triệt để, trong toàn bộ máy, ở tất cả các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương và cơ sở”.

Đại hội VIII (năm 1996) của Đảng chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng và chỉ rõ: “Tiến hành đấu tranh kiên quyết, thường xuyên và có hiệu quả chống nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước, trong các ngành, các cấp từ trung ương đến cơ sở. Kết hợp những biện pháp cấp bách với những giải pháp có tầm chiến lược nhằm vừa hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh công tác quản lý, khắc phục sơ hở vừa xử lý nghiêm, kịp thời mọi vi phạm, tội phạm, huy động và phối hợp chặt chẽ mọi lực lượng đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và loại trừ tệ tham nhũng”

Đến Đại hội IX (năm 2001), đấu tranh chống tham nhũng được Đảng xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Đảng chỉ rõ “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng (...) là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”, phải tăng cường về tổ chức và cơ chế, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến cơ sở.

Đại hội X (năm 2006) của Đảng yêu cầu: “Toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội phải có quyết tâm chính trị cao đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”; “Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng...”.

Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21-8-2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đây là nghị quyết chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với nhiều chủ trương và giải pháp mới, đồng bộ, quyết liệt. Nghị quyết  nêu rõ: người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào.

Đại hội XI (2011) của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp... làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”.

Đại hội XII (năm 2016) của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Nguyên nhân chủ yếu là do sự yếu kém, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thực hành liêm chính và chưa gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao.

Tại Đại hội XIII (năm 2021), một lần nữa Đảng chỉ rõ: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Đại hội khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

Như vậy, để quyết liệt thực hiện nghị quyết về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Chính trị khóa XI đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Tổng Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt, gắn phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí không chỉ thể hiện trong tư tưởng, quan điểm, chủ trương mà được thể hiện bằng hành động thực tiễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét