Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Việt Nam với vấn đề an ninh mạng không gian vũ trụ

 Có thể thấy, an ninh mạng không gian vũ trụ là vấn đề mới trên thế giới, hiện đang được quốc tế cũng như nhiều quốc gia, chủ thể lợi ích nghiên cứu, tìm hiểu. Đối với Việt Nam, mặc dù chưa có văn bản nào thể hiện quan điểm, lập trường hay nghiên cứu về vấn đề này, nhưng ngay từ sớm, Đảng ta đã đề ra những chủ trương thúc đẩy việc giải quyết các tác động của an ninh mạng, công nghệ vũ trụ, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc nói chung, hệ thống quốc phòng - an ninh của đất nước nói riêng.

Về an ninh mạng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đầu tiên quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và những mối nguy cơ, đe dọa từ an ninh mạng. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong các Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng, đó là: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”(12). Những quan điểm, nội hàm về an ninh mạng của Việt Nam đều được thể hiện ở các cấp độ cao nhất tại các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, nhất là Liên hợp quốc.

Đối với vấn đề không gian vũ trụ, trong nhiều năm qua, tại các diễn đàn đa phương khu vực, quốc tế, Việt Nam luôn nhấn mạnh việc tham gia khoảng không vũ trụ là quyền bất khả xâm phạm của tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt trình độ phát triển; thể hiện ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ, kêu gọi các quốc gia kiềm chế không để xảy ra chạy đua vũ trang trong vũ trụ, đồng thời chia sẻ mong muốn tăng cường trao đổi, hợp tác với cộng đồng quốc tế về khoa học - công nghệ vũ trụ, bảo đảm an ninh, an toàn không gian vũ trụ, nhằm phục vụ phát triển bền vững cho tất cả mọi người dân trên thế giới. Đồng thời, Việt Nam luôn nhấn mạnh các hoạt động thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ phải phục vụ mục đích hòa bình và lợi ích của toàn thể nhân loại, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, Việt Nam đã ký kết các hiệp định, bản ghi nhớ về nghiên cứu, hợp tác, sử dụng, khai thác khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình với Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016), Mỹ (năm 2019). Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết nghị định thư, thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Airbus Defense & Space ASA (năm 2018), Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA, năm 2011), Cơ quan vũ trụ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Israel (năm 2017). Hằng năm, Việt Nam đều cử các đoàn cán bộ chủ động, tích cực tham dự, đóng góp nội dung chương trình nghị sự của các cuộc họp của Ủy ban sử dụng hòa bình không gian vũ trụ (COPUOS) tại Thủ đô Viên (Áo). Trong khuôn khổ Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam chủ động tham gia các phiên họp, đóng góp ý kiến cho các nghị quyết, khuyến nghị, mục tiêu chiến lược,... trong các chương trình của ITU, nhằm bảo đảm quyền lợi của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam; tích cực tham gia các hoạt động về quản lý, vận hành vệ tinh... Ở trong nước, bên cạnh việc triển khai các dự án quan trọng, như xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, các dự án vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1, VINASAT-1, VINASAT-2, xây dựng trạm thu, trung tâm xử lý ảnh vệ tinh, hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên, trạm xử lý hình học viễn thám và trung tâm xử lý dữ liệu nhằm phục vụ cho các ngành kinh tế quốc dân và nghiên cứu khoa học; Việt Nam đã và đang xây dựng, ban hành các văn bản quan trọng về công nghệ vũ trụ phục vụ các lợi ích quốc phòng - an ninh và phát triển nhanh, bền vững.

Vệ tinh MicroDragon - vệ tinh đầu tiên do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo đã phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản)_Nguồn: tuoitre.vn

Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, Việt Nam vẫn còn có những hạn chế trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh như vũ bão, đặc biệt là công nghệ vũ trụ, tạo ra không ít cơ hội về kinh tế và phát triển, nhưng cũng mang đến nhiều rủi ro, thách thức, nguy cơ khó lường về chính trị, đối ngoại và an ninh đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đơn cử như, an ninh mạng không gian mạng vũ trụ là vấn đề phát sinh rất mới với những nguy cơ đã và đang khiến cộng đồng quốc tế nói chung và các quốc gia đang phát triển như Việt Nam nói riêng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hướng tiếp cận, giải quyết và bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia trong không gian mạng và không gian vũ trụ. Do đó, để nhận diện, giải quyết các nguy cơ đến từ vấn đề an ninh mạng không gian vũ trụ, từ đó tổng kết thành các phương thức đóng góp vào lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, xin đề xuất một số hàm ý tham chiếu đối với Việt Nam như sau:

Về chủ trương chung, cân nhắc việc sớm coi vấn đề an ninh mạng không gian vũ trụ là một trong những nội dung quan tâm hàng đầu về quốc phòng - an ninh mà Việt Nam cần triển khai nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế, ảnh hưởng của đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Ở cấp độ toàn cầuMột là, cân nhắc tham gia tích cực các sáng kiến xây dựng cơ chế toàn cầu về quản trị không gian mạng, không gian vũ trụ, trong đó tập trung vào việc xây dựng nhận thức chung về chuẩn mực, luật lệ và ứng xử trong không gian mạng và không gian vũ trụ, cũng như các quy định trách nhiệm khi vi phạm những chuẩn mực, luật lệ có tính ràng buộc đã được đề ra. Bên cạnh đó, tham gia, thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc về khoảng không vũ trụ nhằm bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh và các lợi ích quốc gia - dân tộc về quốc phòng - an ninh; nghiên cứu, chủ động tham gia xây dựng, cập nhật văn kiện quốc tế tại các cơ chế hợp tác đa phương quốc tế của Liên hợp quốc về kiểm soát vũ khí mạng, không gian vũ trụ, các giải pháp công bằng và minh bạch cho vấn đề quỹ đạo không gian, tài nguyên tần số, trong đó nhấn mạnh cần xem xét đầy đủ sự quan tâm của các quốc gia đang phát triển; ủng hộ việc cấm các hoạt động phi pháp xâm nhập mạng đối với các tài sản không gian vũ trụ và việc triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian, cũng như sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong không gian vũ trụ; nêu các quan ngại, hệ lụy an ninh từ vấn đề rác thải vũ trụ. Hai là, thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ cùng an ninh mạng có chung lợi ích và giá trị chung để tăng cường sự phát triển các khuôn khổ hợp tác trong một số lĩnh vực chính, như phát triển năng lực và công nghệ, duy trì hoạt động và nâng cao năng lực an ninh tập thể. Ba là, theo dõi, nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraina (hay còn được gọi là cuộc chiến không gian mạng vũ trụ đầu tiên) và những căng thẳng địa - chính trị toàn cầu khác đối với cục diện thế giới, nhất là quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Nga, Trung Quốc trong thời gian tới, qua đó, có sự chuẩn bị trước, cũng như tranh thủ nắm bắt thời cơ, chủ động tham gia, đóng góp vào quá trình thảo luận xây dựng các cam kết chính trị toàn cầu về sử dụng hòa bình và bảo đảm bền vững khoảng không vũ trụ gắn liền với an ninh mạng. Bốn là, chủ động tham gia, đóng góp và tranh thủ các cơ hội từ việc thực hiện Chương trình vũ trụ đến năm 2030 (Space 30) của Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tham gia hợp tác của tất cả các chủ thể liên quan trên thế giới; tham gia đóng góp, thảo luận tại Liên hợp quốc về triển khai 7 ưu tiên trong chương trình đối tác toàn cầu nhằm cung cấp các hỗ trợ, lợi ích thu được từ không gian vũ trụ cho các quốc gia để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững(13)Năm là, nghiên cứu, đề xuất các đóng góp của Việt Nam đối với những nội dung cập nhật cơ chế quốc tế về quản trị, quản lý không gian vũ trụ và an ninh mạng không gian vũ trụ, trong đó nhấn mạnh biện pháp xây dựng lòng tin trong các loại hình không gian, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam và các nguyên tắc bảo đảm không gian vũ trụ là tài sản chung của nhân loại và là một miền hòa bình.

Ở cấp độ khu vựcThứ nhất, trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nghiên cứu thúc đẩy xây dựng lập trường, quy tắc của ASEAN về quản trị an ninh mạng không gian vũ trụ, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về rủi ro mạng đối với các thông tin viễn thám phục vụ các hoạt động nhân đạo, cảnh báo sớm sự xuống cấp của môi trường... Thứ hai, chủ động tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng các quy định ràng buộc hoặc không ràng buộc đối với các chủ thể tham gia trong khai thác và sử dụng không gian vũ trụ và không gian mạng trên cơ sở các khuôn khổ hợp tác (hỗn hợp) hiện có. Thứ ba, tham gia thúc đẩy nội dung hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin, minh bạch, giải quyết các nguy cơ an ninh mạng không gian vũ trụ với cách tiếp cận toàn diện và cân bằng tại các cơ chế về vũ trụ trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Ở cấp độ quốc giaMột là, cân nhắc nghiên cứu, rà soát, bổ sung nội dung về an ninh mạng không gian vũ trụ vào các chiến lược về quốc phòng - an ninh, an ninh mạng, không gian mạng quốc gia của Việt Nam; sớm xây dựng văn bản pháp luật khung về nội dung an ninh mạng không gian vũ trụ phục vụ việc quản lý, phát triển nhanh, bền vững, trong đó có nội dung về bảo vệ, quản lý tài sản vũ trụ thiết yếu phục vụ hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, làm rõ nội hàm, đặc điểm, tác động của vấn đề này đối với lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của Việt Nam, qua đó đề xuất phương thức triển khai bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới phù hợp với thực tiễn của từng thời điểm(14)Hai là, từng bước xây dựng, phát triển, nâng cấp “đơn vị đặc biệt” (nếu có) về an ninh mạng và không gian vũ trụ trong triển khai bảo vệ Tổ quốc và các lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới. Ba là, thúc đẩy hợp tác quốc tế song phương về an ninh mạng không gian vũ trụ, trong đó chú trọng vào mạng lưới quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, trên một số phương diện, như: 1- Nỗ lực ngăn ngừa và chống những nguy cơ chung về an ninh mạng, chia sẻ thông tin về các hoạt động mạng nguy hiểm hoặc các mối đe dọa không gian mạng và tham gia phối hợp diễn tập, hiệp đồng tác chiến giải quyết các nguy cơ, đe đọa an ninh mạng không gian vũ trụ; 2- Hợp tác, hành động và ứng phó tập thể đối với các biến cố, tấn công an ninh mạng vào không gian vũ trụ, góp phần giải quyết các sự cố và ngăn chặn những hoạt động gây hại trên không gian vũ trụ một cách hiệu quả; 3- Chia sẻ chính sách và xây dựng đồng thuận chung đối với sự ổn định không gian mạng và không gian vũ trụ nhằm thiết lập các quy chuẩn, quy định quốc tế và biện pháp trừng phạt đối với những hành vi đe dọa trên không gian mạng. Bốn là, nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái vũ trụ Việt Nam, trong đó tập trung nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về tiềm năng phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học - công nghệ vũ trụ đi kèm với bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Năm là, cân nhắc nghiên cứu xây dựng cơ chế liên ngành về vấn đề này, trong đó cần có sự tham gia của các ngành khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, thông tin - truyền thông..., đồng thời tính đến sự tham gia hợp tác của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân về công nghệ; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về không gian vũ trụ trên cơ sở phát huy các nguồn lực hiện có, có thể tính đến xã hội hóa.

Ở cấp độ doanh nghiệpThứ nhất, an ninh mạng không gian vũ trụ đang nổi lên như một thị trường sinh lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi sự phụ thuộc của con người vào vệ tinh để liên lạc, điều hướng và truyền tải dữ liệu ngày càng tăng sẽ dẫn tới tăng nhu cầu về các biện pháp an ninh mạng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tranh thủ nắm bắt cơ hội này đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành an ninh mạng không gian vũ trụ. Thứ hai, an ninh mạng không gian vũ trụ có thể dẫn đến việc hình thành liên minh chiến lược với các chủ thể lợi ích khác trong lĩnh vực này, chẳng hạn như nhà sản xuất vệ tinh, nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh, nhà khai thác vệ tinh..., có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng phạm vi tiếp cận, cũng như củng cố vị thế trên thị trường khu vực và thế giới. Những mối quan hệ hợp tác này cũng có thể mang đến nhiều dự án hợp tác chung, góp phần tăng cường lòng tin trong hợp tác phát triển khoa học - công nghệ vũ trụ.

Tóm lại, an ninh mạng không gian vũ trụ là một vấn đề rất mới, mang đến những cơ hội, thách thức, thậm chí là hậu quả khó lường đối với chủ thể nhà nước và phi nhà nước trong quan hệ quốc tế. Để có thể tránh rủi ro, cũng như quản lý, quản trị tốt các nguy cơ từ vấn đề này, khai thác tối đa các tiềm năng từ các công nghệ đột phá mang tính biến đổi trong không gian mạng và không gian vũ trụ, cần có sự nỗ lực ở cấp chính sách quốc gia và quản trị toàn cầu. Đáng chú ý, cần có sự thiện chí, hợp tác trong việc xác định những nguyên tắc ứng xử có trách nhiệm trong không gian mạng và không gian vũ trụ để mang lại sự đồng thuận đa phương một cách rộng rãi. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách quốc gia để bảo vệ chống lại các mối đe dọa đối với tài sản và ứng dụng trên không gian vũ trụ ngày càng quan trọng đối với cả an ninh quốc gia và an ninh kinh tế. Bên cạnh đó, việc khuyến khích sự phát triển của ngành an ninh mạng vũ trụ, ngoài mục tiêu bảo vệ, chống các mối đe dọa đến từ an ninh mạng không gian vũ trụ, cũng sẽ mang lại các lợi ích căn bản đối với Việt Nam, khi lĩnh vực này đang có tiềm năng trở thành động lực đáng kể cho tăng trưởng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét