GÓC NHÌN NGHỊ TRƯỜNG: LAO ĐỘNG ĐẶC BIỆT NÊN CẦN CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài độ tuổi tại ngũ của sĩ quan theo đúng quy định về độ tuổi nghỉ hưu của Luật Bảo hiểm xã hội.
Các ý kiến được đưa ra trên cơ sở sự quan tâm và tình cảm yêu mến rất đặc biệt đối với Bộ đội Cụ Hồ. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đề nghị kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với cấp úy từ 46 (quy định hiện hành) lên 50, Thiếu tá từ 48 lên 52, Trung tá từ 51 lên 54, Thượng tá từ 54 lên 56, Đại tá từ 57 với nam và 55 với nữ lên 58 áp dụng chung cho cả nữ và nam, cấp tướng từ 60 với nam và 55 với nữ thành áp dụng chung 60 tuổi cho cả nam và nữ sĩ quan. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định độ tuổi phục vụ tại ngũ như vậy dẫn tới thiệt thòi cho sĩ quan, vì sĩ quan sẽ phải nghỉ hưu sớm hơn cán bộ, công chức ở các lĩnh vực khác.
Trái ngược với quan điểm nêu trên, đại biểu Quản Minh Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, quy định tuổi phục vụ tại ngũ như dự thảo luật để sĩ quan được nghỉ hưu sớm không phải là chưa bảo đảm quyền lợi của sĩ quan. Trái lại, đây là chính sách thể hiện sự ưu tiên với sĩ quan QĐND Việt Nam, bởi “không giống như sĩ quan Công an nhân dân có thể cả đời chỉ phục vụ ở một nơi, sĩ quan QĐND Việt Nam phải chuyển rất nhiều đơn vị trên nhiều địa bàn khác nhau nên phải ưu tiên được nghỉ hưu sớm”. Đại biểu Quản Minh Cường cho biết, không chỉ Việt Nam mà pháp luật của các nước khác cũng đều quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội thấp hơn tuổi làm việc ở các khu vực khác.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải thích, lao động của quân nhân là lao động đặc biệt. Sĩ quan 45 tuổi vẫn phải hành quân mỗi năm khoảng 300km, mỗi đợt hành quân phải hành quân bộ khoảng 25-27km mỗi ngày. Đại tướng Phan Văn Giang phân tích vui: “Nếu không phải hành quân bộ, mà cứ leo lên ô tô để đi thì 60 chứ 65 tuổi nghỉ hưu chúng tôi cũng vẫn làm được. Nhưng không thể như thế được, chúng tôi phải hành quân bộ, phải rèn như thế để sẵn sàng phục vụ khi có chiến tranh xảy ra”.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng phân tích rõ: Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan QĐND Việt Nam như đề xuất trong dự thảo luật đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn huấn luyện và bảo đảm để khi nghỉ hưu, sĩ quan QĐND Việt Nam được hưởng mức lương hưu tối đa 75% như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Phân tích của đại biểu Quản Minh Cường và Đại tướng Phan Văn Giang, Đại tướng Nguyễn Tân Cương rất thấu tình đạt lý. Không giống như lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực khác, lao động của sĩ quan QĐND Việt Nam là lao động rất đặc biệt. Họ thường xuyên phải đóng quân xa nhà, thậm chí đóng quân ngay bên cạnh gia đình cũng vẫn phải có mặt ở đơn vị toàn thời gian, chỉ được nghỉ tranh thủ về thăm gia đình vài ngày mỗi tháng trong điều kiện bình thường. Điều kiện lao động của quân nhân cũng rất nặng nhọc, nguy hiểm nên người dân vẫn quen gọi lao động của bộ đội là "lao động xương máu". Vì thế, cũng cần có cơ chế đặc biệt dành cho sĩ quan QĐND Việt Nam!./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét