Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Tính hiện thực của CNXH thể hiện ở nhiều cấp độ

 Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra các cấp độ hiện thực hóa của CNXH như sau:  

Cấp độ thứ nhất, tính hiện thực của CNXH được thể hiện qua những nhân tố, tiền đề mang tính chất xã hội hóa ngay trong thực tế phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điển hình là sự phổ biến phương thức sản xuất công nghiệp, sự tăng lên các mối liên kết của nhân loại trong sản xuất, dịch vụ và sự định hình hệ thống pháp luật-công pháp quốc tế để cùng nhau giải quyết một cách công bằng, bình đẳng những vấn đề của phát triển hiện đại.      

Cấp độ thứ hai, tính hiện thực của CNXH thể hiện ở những phong trào, trào lưu XHCN hướng tới công bằng, bình đẳng, dân chủ... Thực chất là những xu hướng vận động, những cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội với các mục tiêu hòa bình, độc lập, cùng phát triển trong dân chủ, công bằng và bền vững.      

Cấp độ thứ ba là thông qua các cuộc cách mạng xã hội, xác lập chế độ dân chủ XHCN, thông qua đó xác lập quyền làm chủ của nhân dân, chế độ kinh tế XHCN trên cơ sở công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển nền kinh tế, thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động... Đặc trưng chính trị của chế độ XHCN là giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thông qua vai trò cầm quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua nhà nước XHCN.

Cấp độ thứ tư là sự xác lập trên thực tế hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa-chủ nghĩa cộng sản. Một xã hội mới phát triển ở trình độ rất cao cả về sản xuất dịch vụ và tổ chức quản lý, được xây dựng trên nguyên tắc “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, con người được phát triển tự do, xã hội không còn giai cấp, không còn nhà nước, môi trường thiên nhiên được bảo vệ bền vững; hòa bình và hữu nghị trở thành quan hệ phổ biến và tất định trong quan hệ quốc tế. Loài người trên trái đất này bước vào một giai đoạn phát triển với trình độ mới: Xã hội cộng sản văn minh.

Phản ánh các cấp độ phát triển của CNXH hiện thực là lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Hiện thực hóa lý luận này tiêu biểu nhất là quá trình xây dựng CNXH hiện thực trên thế giới mà khởi đầu là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và các xu hướng đi lên CNXH hơn 100 năm qua. Trải qua khá nhiều thăng trầm, tính hiện thực của CNXH vẫn được thể hiện trên nhiều phương diện và cấp độ.                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét