Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng

 


Đấu tranh phòng chống tham nhũng là quy luật tất yếu để giữ vững, đảm bảo sự tồn vong của chế độ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc Đảng Cộng sản Việt Nam đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã bị các thế lực thù địch đã xuyên tạc bằng những luận điệu như: “Tham nhũng là sản phẩm của chế độ độc Đảng ở Việt Nam”, là cuộc “thanh trừng nội bộ”, “ẩu đả phe cánh”; nguyên nhân của tham nhũng là do Đảng ta là chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền.

Bệnh sính thành tích và “nghệ thuật” che giấu khuyết điểm

 


Thành tích là kết quả tốt đẹp do sự cố gắng, nỗ lực mà đạt được. Thành tích đi liền với biểu dương, khen thưởng sẽ là động lực cho sự phát triển. Đáng tiếc hiện nay, nhiều “thành tích” ảo vì bị một bộ phận cán bộ, đảng viên nhào nặn mà thành.

Nhận diện và đấu tranh với các tà đạo đội lốt tôn giáo hiện nay

 


Sự xuất hiện những tà đạo đội lốt tôn giáo được lập ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở một bộ phận nhân dân. Hoạt động của các tà đạo đó đã vi phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội... Chính vì vậy, việc nhận diện, đấu tranh với các tà đạo đội lốt tôn giáo là rất cần thiết.

Hiệu quả từ mô hình “Hậu phương Quân đội”

 

Được triển khai thực hiện từ tháng 3-2023, mô hình “Hậu phương Quân đội” của Chi đoàn Dân quân xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã góp phần giúp nhiều quân nhân tại ngũ an tâm tư tưởng thực hiện nhiệm vụ. Mô hình này đã được một số địa phương, đoàn thể trên địa bàn huyện Bình Sơn nghiên cứu, áp dụng...

Theo mô hình, bản thân quân nhân hoặc thân nhân, gia đình của các quân nhân ở xã Bình Đông đang thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu không may gặp khó khăn, sự cố bất trắc trong cuộc sống sẽ được Chi đoàn Dân quân xã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ vật chất để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Từ đó giúp quân nhân tại ngũ phần nào giảm bớt lo lắng, yên tâm tư tưởng, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Nguồn quỹ hoạt động của mô hình được huy động từ sự ủng hộ tự nguyện của dân quân xã và sự đóng góp từ các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm... Ngoài hỗ trợ vật chất, mô hình còn chú trọng việc thăm hỏi, động viên tinh thần nhằm gắn kết tình cảm, giúp quân nhân và thân nhân quân nhân thông suốt tư tưởng. Bên cạnh đó, Chi đoàn Dân quân xã còn cắt cử lực lượng có mặt kịp thời để hỗ trợ nhân lực, ngày công những lúc cấp bách như di chuyển chỗ ở, sơ tán tài sản tránh trú bão... 

Mới đây, gia đình quân nhân Võ Trung Đức ở thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ mô hình. Võ Trung Đức nhập ngũ năm 2023, hiện công tác tại Tiểu đoàn 1, Trường Quân sự Quân đoàn 3, có bố bị tàn tật, không còn khả năng lao động, mẹ bị tai biến, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ngoài số tiền hỗ trợ định kỳ hằng tháng 500.000 đồng, xét thấy hoàn cảnh gia đình quân nhân Đức quá khó khăn, Chi đoàn Dân quân xã đã vận động lực lượng dân quân quyên góp hỗ trợ thêm 5 triệu đồng.

Từ hoạt động ý nghĩa này, mô hình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và được các cấp hội, đoàn thể địa phương trong huyện hưởng ứng, vào cuộc, chung tay giúp đỡ. Nhờ đó, quân nhân Võ Trung Đức tiếp tục nhận được số tiền hỗ trợ hơn 8 triệu đồng từ Chi hội Phụ nữ thôn Tân Hy 1 để điều trị bệnh cho mẹ. Nhận được số tiền ủng hộ, Võ Trung Đức xúc động, rơm rớm nước mắt bày tỏ lòng cảm ơn trước tình cảm của các đồng chí dân quân, các mẹ, các chị đã quan tâm, đồng thời hứa sẽ nỗ lực, quyết tâm công tác tốt.

Từ mô hình thiết thực của Chi đoàn Dân quân xã Bình Đông, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Bình Sơn đã phát động thực hiện mô hình “Hậu phương Quân đội” trên toàn huyện nhằm hỗ trợ, động viên tinh thần thanh niên nhập ngũ. Tại thị trấn Châu Ổ và các xã Bình Hiệp, Bình Phước..., chi bộ quân sự phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên địa phương tổ chức đi thăm, tặng những phần quà thiết thực, động viên các gia đình quân nhân tại ngũ cũng như nhập ngũ năm 2024 có hoàn cảnh khó khăn.

Chuẩn bị đến ngày giao nhận quân năm 2024, huyện Bình Sơn có hai thanh niên là Nguyễn Phi Hậu (xã Bình Thanh) và Bùi Hoàng Nhất Huy (xã Bình Thuận) đều có bà nội qua đời. Hậu và Huy xuất hiện tâm lý lo lắng, bối rối khi gia đình gặp chuyện buồn. Nhằm động viên, sẻ chia kịp thời, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã cử cán bộ đến tận nhà thăm viếng, chia buồn với gia đình và nắm bắt tâm tư, tình cảm của các thanh niên. Sau khi được cán bộ phân tích, động viên, cả hai thanh niên đã xác định rõ tư tưởng.

Ông Bùi Văn Dân, bố của thanh niên Bùi Hoàng Nhất Huy cho biết: “Gia đình tôi rất an lòng khi được đoàn công tác của Đảng ủy, Ban CHQS huyện đến thăm hỏi, chia sẻ. Đó cũng là động lực để cháu Huy an tâm lên đường nhập ngũ”.

Trung tá Lê Tấn Sanh, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Bình Sơn cho biết, mô hình “Hậu phương Quân đội” của Chi đoàn Dân quân xã Bình Đông đã phát huy hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các địa phương, đoàn thể nghiên cứu vận dụng phù hợp. Từ mô hình này, nhiều gia đình quân nhân đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tạo điểm tựa tinh thần vững chắc từ hậu phương, giúp bộ đội yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Lật tẩy luận điệu xuyên tạc về ngày hội tòng quân bảo vệ Tổ quốc

 Cứ mỗi dịp xuân về, khi các địa phương tổ chức ngày hội tòng quân thì trên không gian mạng lại xuất hiện các thông tin sai trái, bôi nhọ việc tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an (NVQS, CA), đả kích môi trường quân ngũ. Đây là luận điệu nhằm bôi nhọ hình ảnh, truyền thống của người chiến sĩ Quân đội và Công an, tạo dư luận xấu, gây tâm lý hoang mang, lo lắng. Từ đó, tác động đến giới trẻ, nhất là những người trong độ tuổi thực hiện NVQS, CA, gieo rắc tâm lý tiêu cực, thoái thác về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 204/QĐ-TTg phân công Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đảm nhận chức danh Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Quyết định này thay thế Điều 1 Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 15-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Chủ tịch, Phó chủ tịch Thường trực, Phó chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan: Thực hiện Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công và các quy chế, thủ tục liên quan; thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh… 

Đừng làm biến dạng nhân vật thời đại

 

Đánh giá về lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ và những thành tựu đạt được, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta còn “thiếu những tác phẩm văn hóa, VHNT lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người”...

Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: Lại tuyên truyền "bẩn"!

 

Sau khi thủ đoạn tung những video clip dàn dựng, cắt ghép, sưu tầm từ nhiều năm trước về cảnh “đi bộ đội bị lính cũ bắt nạt hoặc phải làm việc cực nhọc” bị bạn đọc bóc mẽ, vạch trần, một số trang mạng phản động, trong đó có Việt Tân tiếp tục dùng chiêu trò khác nhằm kêu gọi thanh niên trốn tránh nhập ngũ để thực hiện âm mưu chống phá đất nước ta.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng

 

Sáng 1-3, tại Hà Nội, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì, kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 / 3-3-2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 / 3-3-2024). Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và phát biểu tại buổi lễ.

Cách đây tròn 65 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang - nay là BĐBP.

Ngày 28-3-1959, tại buổi lễ thành lập lực lượng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP rất vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự, Người đã huấn thị: “Đoàn kết cảnh giác; liêm chính, kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; Vì nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân”.

Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự ra đời của BĐBP - lực lượng vũ trang (LLVT) chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia; khẳng định bước trưởng thành, phát triển của LLVT nhân dân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 3-3 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng BĐBP.

Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức Ngày Biên phòng trong cả nước. Tại Kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa 11 đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân.

 

Qua 35 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sâu sắc và có nhiều chủ trương, chính sách sát đúng; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chung tay, góp sức hướng về biên giới, biển đảo; quần chúng nhân dân trong cả nước nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ biên giới. Các hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân được tổ chức thường xuyên, rộng khắp; tạo khí thế sôi nổi, trở thành ngày hội của nhân dân cả ở tuyến sau và trên biên giới.

Các phong trào chương trình, mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội như “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh vững mạnh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

 

Khai thác thế mạnh của di tích, lễ hội văn hóa để phát triển du lịch

 

TP Hồ Chí Minh có hệ thống di sản, di tích phong phú, là cơ sở để hình thành nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, đa dạng. Trong đó, một số di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng và địa điểm tiêu biểu như: Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... đã được khai thác, trở thành điểm đến trong các chương trình tham quan tại thành phố.

Sản phẩm du lịch văn hóa luôn hấp dẫn du khách khi đến với TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê, có 56% khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chủ yếu muốn tìm hiểu văn hóa và tỷ lệ này ở khách nội địa là 28%. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn liền với di sản, lễ hội văn hóa nói riêng đã nhận được sự quan tâm lớn của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Du lịch thành phố đã tham mưu xác định, du lịch văn hóa-lịch sử là một trong những sản phẩm chính của du lịch thành phố.

Thời gian tới, Sở Du lịch thành phố sẽ chủ trì phối hợp với chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch và 21 quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng các chương trình du lịch kết nối những điểm tham quan đặc sắc từ các địa phương. Những chương trình du lịch được xây dựng theo các hướng như: Sản phẩm theo vùng địa lý liên kết nhiều điểm đến ở gần nhau, sản phẩm theo chủ đề về văn hóa (chương trình tham quan các di tích gắn với các nghi lễ, văn hóa dân gian), sản phẩm theo chủ đề về lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh, sản phẩm theo loại hình (du lịch ban đêm, du lịch MICE-du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm). Ngoài ra, còn chú trọng loại hình du lịch lễ hội và sự kiện như: Lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ), Lễ hội Tết Nguyên Tiêu (quận 5)...

Nhằm đẩy mạnh khai thác các giá trị di sản văn hóa và cảnh quan kiến trúc, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống tài nguyên du lịch và bộ thông tin cơ bản về du lịch thành phố, nhằm giới thiệu đến công chúng và du khách, đồng thời làm cơ sở để doanh nghiệp và hướng dẫn viên du lịch khai thác. 

Sở Du lịch thành phố cũng đẩy nhanh việc triển khai giai đoạn 2 của ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D/360 vào phát triển du lịch. Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để phát triển các di sản văn hóa phi vật thể thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách như: Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ hội văn hóa dân gian... 

 

Ninh Bình kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch di sản

 

Kể từ khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014, công tác bảo tồn, phát huy Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình để hiểu hơn về câu chuyện này.

Phóng viên (PV): Tròn 10 năm trở thành Di sản hỗn hợp thế giới, Tràng An đã có những đóng góp gì cho sự phát triển của Ninh Bình, thưa ông?

Ông Bùi Văn Mạnh: Từ khi được UNESCO ghi danh, Tràng An đã khẳng định được thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế. Từ hơn 2,2 triệu lượt khách năm 2014, Tràng An đón hơn 4,6 triệu lượt khách năm 2023, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Mỗi người dân trong vùng di sản đã trở thành người bảo vệ di sản, hướng dẫn viên du lịch, đại sứ đưa Tràng An vươn tầm quốc tế.

Số lao động trực tiếp tại Tràng An đạt hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người. Thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương từ các hoạt động phát triển du lịch được nâng cao rõ rệt. Các chuyên gia của UNESCO khẳng định: Tràng An đã đóng vai trò như biểu tượng trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan, môi trường trên toàn thế giới, giúp thúc đẩy sự hiểu biết giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

PV: Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay từng khen di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương?

Ông Bùi Văn Mạnh: Công tác bảo tồn giá trị di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển bền vững đã có sự cân bằng tương đối tốt, hài hòa giữa bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chủ trương và chính sách phát triển bền vững gắn với bảo đảm sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra, đặc biệt, đã có sự gắn kết giữa các hoạt động du lịch với nông nghiệp và trải nghiệm cuộc sống của người dân.

Ngoài việc bám sát sự chỉ đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, Ninh Bình đã chủ động xây dựng cộng đồng dân cư sinh sống trong khu di sản là trung tâm trong công tác bảo tồn di sản, biến họ thành “tai mắt” trong công tác quản lý di sản, để di sản phải “sống” cùng với sinh kế và đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. 

 

Tăng sức hấp dẫn của du lịch bằng ẩm thực

 

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các khu vực ẩm thực trên nhiều tuyến phố của Đà Nẵng luôn nhộn nhịp người dân và du khách tham quan, ăn uống. Thực tế này cho thấy, ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần mà còn chi phối sự lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.

Như chúng ta đã biết, TP Đà Nẵng là nơi giao thoa của nhiều luồng văn hóa, nhiều loại hình văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực. Chính sự hội tụ về ẩm thực vùng, miền đã tạo lợi thế cho thành phố có thể đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch. Mặt khác, Đà Nẵng lại có lợi thế từ nguồn hải sản dồi dào. Các món ẩm thực đa dạng, phong phú do quá trình di cư, sinh sống, lập nghiệp của người dân từ các vùng, miền trong nước và các quốc gia khác hội tụ.

Thời gian qua, nhiều món ăn nổi tiếng của Đà Nẵng như: Mì Quảng, bún chả cá, bánh tráng thịt heo, nem lụi... đã được đông đảo du khách yêu thích và giới thiệu, quảng bá trên nhiều kênh truyền thông trong nước, quốc tế. Tại các lễ hội du lịch, trong các khách sạn nổi tiếng trên địa bàn đều quan tâm đến việc giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến với du khách. Nhiều món ăn dân dã đặc trưng của các vùng, miền đã được giới thiệu và trở thành điểm nhấn quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Vì vậy, khai thác thế mạnh từ ẩm thực là góp phần tăng sức hấp dẫn của du lịch. Hay nói cách khác, ẩm thực góp phần mời gọi du khách đến với Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, để phát triển du lịch ẩm thực thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, thiết nghĩ chính quyền và ngành du lịch Đà Nẵng cần tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện lễ hội có tính quy mô, chất lượng, quy tụ nhiều đầu bếp tài năng... để tạo ra sự đa dạng về ẩm thực; đồng thời tăng cường các hoạt động giải trí về đêm; mở thêm các tuyến phố ẩm thực; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá... Những cách làm này không chỉ tạo ấn tượng đẹp mà còn góp phần đưa khách du lịch đến với phố biển nhiều hơn, mang lại hiệu quả về kinh tế cao hơn.

Việt Nam đang thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị ẩm thực để mang đến lợi ích kinh tế và phát triển du lịch địa phương... Chính vì vậy, không riêng Đà Nẵng mà các địa phương khác trong cả nước cũng cần sự đầu tư mạnh mẽ vào những sản phẩm du lịch, trong đó có ẩm thực để tăng sức hút, nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch địa phương.

 

Phở Việt hướng tới ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể

 

Chiều 29-2 tại Hà Nội, UBND tỉnh Nam Định, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu Festival Phở 2024, với chủ đề “Con đường Phở Việt”.

Theo đó, Festival Phở 2024 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17-3 tại thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định).

Giới thiệu về Festival Phở 2024, nghệ nhân Nguyễn Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định nêu rõ, sự kiện góp phần lan tỏa để phở Việt hội nhập mạnh mẽ hơn, giá trị ẩm thực Việt Nam vươn xa hơn nữa trên bản đồ tinh hoa ẩm thực thế giới. Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động tại Festival cũng hướng tới mục tiêu nâng tầm ẩm thực Việt, đưa phở trở thành một thương hiệu quốc gia, gắn liền với phát triển du lịch trong và ngoài nước.

 

Tại Festival, hoạt động trọng tâm mang tên “Con đường Phở Việt” quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu tham gia quảng diễn, quảng bá hình ảnh và thương hiệu phở Việt đến từ mọi miền đất nước. Các gian hàng được bố trí tại các khu vực riêng, tạo điểm nhấn, có sự liên kết về ý tưởng, nội dung; trong đó phân chia thành 3 khu vực, bao gồm: Gian hàng phở 3 miền, gian hàng nguyên liệu và gia vị; gian hàng tiêu chuẩn.

Ngoài việc trực tiếp giới thiệu hương vị phở, Festival Phở còn tổ chức nhiều hoạt động như: Quảng diễn với chủ đề “Con đường phở Việt”; hoạt động xác lập kỷ lục nồi phở khổng lồ; tọa đàm về sự phát triển của nghề phở từ quá khứ tới tương lai; không gian trưng bày văn hóa phở… Chương trình còn có hoạt động trải nghiệm những công đoạn làm nên món phở dành cho các đại sứ, khách mời và du khách tại làng nghề phở truyền thống Vân Cù.

Xuyên suốt trong 3 ngày diễn ra Festival Phở 2024, Ban tổ chức sẽ phát hành chương trình ưu đãi đặc biệt dự kiến từ 15.000 đến 20.000 bát phở cho thực khách theo hình thức coupon. Với mỗi coupon có giá trị 15.000 đồng, thực khách sẽ được thưởng thức 1 tô phở tại các gian hàng tùy chọn. Kết thúc 3 ngày tổ chức, Ban tổ chức sẽ trích số tiền thu được từ 5.000 coupon để trao tặng cho Quỹ trẻ em bại não tại tỉnh Nam Định.

KHIÊM TỐN



Một trong những bài học đầu tiên, mà ai cũng thuộc lòng ngay từ thuở ấu thơ, đó là cần rèn đức tính khiêm tốn (cùng với thật thà, dũng cảm). Ấy vậy mà trong xã hội, nhiều người dù thành đạt, thậm chí đến tuổi “lên lão” lại chưa hiểu đúng, đủ về hai chữ “khiêm tốn”.


Có hiện tượng hạ thấp ý nghĩa của sự khiêm tốn, cũng như hiểu sai về vấn đề lễ nghĩa, văn hóa, để rồi cho rằng khiêm tốn là không được thể hiện mình, không được đi trước người khác trong công việc. Thậm chí lấy đó làm lý do buộc người khác (thường là cấp dưới, người yếu thế hơn,...) phải nín nhịn, nghe theo, vâng lệnh răm rắp.


Có những người lại dùng vỏ bọc “khiêm tốn” để trốn tránh trách nhiệm, ra vẻ đề cao người khác cốt để bản thân “ngồi mát”. Ngược lại, có những người lại cho rằng khiêm tốn làm mất đi giá trị cá nhân nên phải thể hiện sự “sáng chói” của mình, đầy hãnh tiến, kiêu ngạo.


Cũng thật lạ khi đức tính vô cùng tốt đẹp là khiêm tốn lại bị lạm dụng với ý nghĩa là “hạn chế”, “nhỏ bé”. Chúng ta thường xuyên được nghe những câu đại loại như: thành tích còn khiêm tốn, kết quả còn khiêm tốn,... với ý nghĩa là những gì đạt được còn nhỏ bé, chưa xứng tiềm năng.


Vậy, cần hiểu khiêm tốn sao cho đúng; vì sao khiêm tốn là một đức tính quan trọng hàng đầu, nhất là đối với cán bộ, đảng viên?


Trong Từ điển tiếng Việt, khiêm tốn là “có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho là mình hơn người”; trái nghĩa với nó là kiêu căng, kiêu ngạo. C. Mác cho rằng: Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa. Ph. Ăng-ghen cũng từng nói: Hành trang quan trọng nhất của con người là khiêm tốn và giản dị. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi được hỏi về khiêm tốn đã trả lời rằng: Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam; đối với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình; đối với đồng chí và bạn bè thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập; đối với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta. Đảng ta khi xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ cũng nêu rõ yêu cầu: Có lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị.


Khiêm tốn luôn gắn với thật thà, trung thực, với văn hóa, với lối sống nghĩa tình, thủy chung, lễ nghĩa, tôn trọng người khác, nhất là với những người hiền tài và với nhân dân. Khiêm tốn giúp xử thế giữa con người với nhau, giữa đảng viên với nhân dân, giữa lãnh đạo với cấp dưới,... chan hòa tình đồng chí, đồng tình, đồng thuận.


Khiêm tốn cũng luôn gắn với dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tận tụy với công việc, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; lấy cái chung đặt trên cái riêng nhưng cần nỗ lực bởi từ sự cống hiến của mỗi cá nhân mới đem tới thành công chung của tập thể.


Khiêm tốn là hết lòng, hết sức trong công việc, vì việc công, vì xã hội, vì mục tiêu, lý tưởng nhưng không khoe khoang thành tích, không tự đề cao, tôn vinh bản thân. Khiêm tốn là để tập thể đánh giá, suy tôn mình; để tự những thành công của mình được tỏa sáng theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Nó khác xa với các thói kiêu ngạo, tự mãn lẫn tự ti, né tránh.


Khiêm tốn đó là sự tự đánh giá về bản thân mình, về công việc mình làm một cách công tâm, khoa học, đủ lý lẫn tình, thể hiện sự khiêm nhường. Chẳng hạn như câu nói mà người đứng đầu Đảng ta hiện nay thường nhắc khi đánh giá sự phát triển của đất nước: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Lời nói đó thực sự mang đúng ý nghĩa khiêm tốn, đồng thời cũng khẳng định những kết quả, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được qua hơn 35 năm đổi mới, khẳng định sự kiêu hãnh của dân tộc ta trên bước đường thành công./.

TRƯỜNG HỌC LỚN ĐỂ RÈN LUYỆN THANH NIÊN



“Lá còn xanh như anh đang còn trẻ. Lá trên cành như anh trong đoàn quân. Gió rung cây cành lá tưng bừng đùa vui. Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân….” 


Đó là những ca từ mở đầu của tác phẩm Lá xanh do tác giả Hoàng Việt sáng tác. Lời bài hát không chỉ tác động to lớn đến tâm trí của mỗi thanh niên mà còn tạo động lực và sức lan toả thôi thúc thanh niên lên đường tòng quân phục vụ cách mạng.


Hàng năm, sau mỗi độ Xuân về, vào đầu năm mới hàng vạn thanh niên trên mọi miền của tổ quốc nô nức lên đường nhập ngũ. Đây vừa là nghĩa vụ, là vinh dự cũng là trách nhiệm của thanh niên Việt Nam.


Được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội là điều kiện tốt để thanh niên tôi luyện những phẩm chất, nhân cách cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. 


Có thể nói, môi trường quân đội với kỷ luật tự giác, nghiêm minh nhưng sẽ là cơ hội cho mỗi thanh niên hình thành và phát triển những phẩm chất mà môi trường khác khó có thể mang lại. Khi mới nhập ngũ, thanh niên phải tuân thủ nghiêm khắc với những quy định, điều lệnh quân đội, phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy.


Thực tế, thanh niên bước vào quân đội với nhiều đặc điểm tâm lý khác nhau, hội tụ từ nhiều vùng miền khác nhau, những thói quen cũ như sự tùy tiện, buông lỏng, tự do vô kỷ luật thì nay vào quân đội họ phải chuyển hóa một cách nhanh chóng theo yêu cầu quân đội. Đó cũng chính là sự thay đổi từ nhận thức, thói quen, ngôn ngữ, cử chỉ, tác phong… đạt ở mức độ chuẩn hóa và thống nhất trong một tập thể quân sự. Môi trường quân đội cũng giúp cho thanh niên chuyển biến nhanh chóng về mặt nhận thức, đó chính là sự vững vàng về phẩm chất chính trị, về lập trường quan điểm… từ đó hình thành nên sự đề kháng tốt giúp cho thanh niên luôn có ý thức được nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 


Trong môi trường quân đội, thanh niên cũng được hình thành lối sống mới như quan hệ đồng chí, đồng đội, ý thức tập thể, quan hệ quân - dân, giải quyết các vấn đề lợi ích phù hợp theo chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, khi thanh niên vào quân đội cũng được hình thành những phẩm chất chuyên môn nghề nghiệp theo các lĩnh vực, điều đó sẽ làm cơ sở để mỗi quân nhân có thể vận dụng kiến thức vào cuộc sống sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự của mình. 


Trong môi trường quân đội, với đội ngũ cán bộ các cấp, họ vừa là người chỉ huy, vừa là nhà giáo dục có thể giúp quân nhân hình thành những tính cách tốt đẹp như sự trung thực, thẳng thắn, tính kiên cường…yếu tố này cũng giúp ích cho thanh niên có thể vững bước trong cuộc sống sau này. 


Có thể nói, được học tập, rèn luyện ở môi trường quân đội là điều kiện tốt cho thanh niên phát huy trên nhiều lĩnh vực.


ĐỌC LẠI BÀI THƠ "RẰM THÁNG GIÊNG"

 


Rằm xuân lồng lộng trăng soi,Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.Giữa dòng bàn bạc việc quân,Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.


Hồ Chí Minh(Năm 1948)


Ra đời đã hơn nửa thế kỷ, bài thơ "Rằm tháng Giêng" (Nguyên tiêu) của nhà thơ lớn Hồ Chí Minh vẫn không ngừng được các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và người yêu thơ tìm hiểu. Giống như "ngọc càng soi càng tỏ", qua thử thách thời gian, "Rằm tháng Giêng" càng lồng lộng trăng soi. Nhất là từ năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm làm Ngày Thơ Việt Nam thì người yêu thơ càng có dịp hiểu thêm về bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ viết đúng tiết rằm tháng giêng năm Mậu Tý-1948, cách đây 65 xuân.


Bài thơ viết bằng chữ Hán, có bốn câu, nhưng có thể nói mỗi câu là một nét khắc hoạ tinh tế cảnh sắc thiên nhiên và cảm xúc của con người trước thiên nhiên kỳ vĩ. Trong cái khung cảnh đêm thanh vắng, nhà thơ Hồ Chí Minh cùng những người đồng sự ngồi thuyền trên dòng sông để họp bàn về một vấn đề quân cơ. Hơn nữa, đêm trăng ấy lại là trăng rằm, và trăng rằm, mười sáu bao giờ cũng được coi là đêm trăng đẹp nhất trong tháng. Cũng lại hơn thế, tháng ấy không phải là tháng bình thường, mà là tháng Giêng, mở đầu mười hai tháng trong năm. Mà tháng Giêng cũng có nghĩa là mùa xuân, một mùa đẹp nhất trong bốn mùa, mùa của vạn vật xanh tươi, cây cối đâm bông, sinh thành và phát triển. Một đêm trăng đẹp nhất trong tháng, một tháng đẹp nhất trong năm, và có lẽ cuộc họp ấy cũng là cuộc họp đầu tiên trong năm mới Mậu Tý-1948 của Bác Hồ bàn về công tác quân sự, nên được chọn trong đêm rằm đầu tiên của năm mới, mà theo tập quán người Việt Nam thì Rằm tháng Giêng linh thiêng không kém Tết Nguyên đán,"cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng" là câu cửa miệng cha ông nhắc cháu con.


Mở đầu là đêm rằm tháng Giêng, đọc qua ngỡ như định thời gian, khung cảnh đêm trăng; nhưng đọc kỹ đã thấy cái "Rằm xuân lồng lộng trăng soi" kia rồi. Nếu có dịp đọc bản chữ Hán chúng ta thấy, chỉ với ba chữ "nguyệt chính viên", Bác Hồ đã đặc tả tận cùng cái đẹp của vầng trăng rằm tháng Giêng "lồng lộng trăng soi" vừa cao vời, vừa lộng lẫy, và như thế cái sức soi tỏ của ánh trăng mới mênh mông làm sao. Nhưng chỉ có thế vẫn chưa nói được gì nhiều về mùa xuân, tiết xuân. Phải đến câu tiếp theo: "Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân", thì mới như hiển hiện ra trước mắt người đọc một cảnh xuân lộng lẫy nhường nào. Nhà thơ không chỉ tả tiết xuân đến khắp muôn nơi một cách thông thường, mà khắc hoạ cái xuân sắc ấy rõ nét đến từng đường viền chi tiết. Trong thơ ca nhiều người cũng nói đến "sông xuân", "trời xuân", nhưng "nước xuân" thì có lẽ chỉ đến bài thơ "Rằm tháng Giêng" mới gặp lần đầu. Xuân sang mà đến cả màu nước sông cũng nhuốm màu xuân xanh thì đúng là phải có một tâm hồn thi sĩ đến nhường nào mới nhìn cảnh vật một cách thi vị đến thế. Trên dòng sông xuân đẹp đến như thế, con thuyền của Bác neo đậu giữa dòng sông "sâu nơi khói sóng" để họp bàn một việc quan trọng vào bậc nhất hồi bấy giờ: quân sự. Ngay từ câu mở đầu: "Rằm xuân lồng lộng trăng soi" đến câu kết: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền" đều toát lên chất hào sảng, phấn chấn đến đắm say lòng người. Và như thế, dù là đang bàn một việc quan trọng như việc quân sự, thì  trong ánh trăng rằm trinh nguyên giữa đêm xuân trải khắp đất trời, chỉ làm tăng thêm phấn khích, hào hứng, bớt đi cái căng thẳng, mệt mỏi trong suy tư, họp bàn.


Đọc bài "Rằm tháng Giêng", một lần nữa chúng ta thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước ở Bác Hồ thật mênh mông, sâu nặng. Nhất là khi đọc tới câu: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền", gợi người đọc bao sự liên tưởng về ánh trăng ngân, hay chính lòng người cũng ngân lên, reo lên niềm sướng vui, tin tưởng trước thiên nhiên tươi đẹp nhường kia, trước thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ đang chuyển nhanh sang giai đoạn mới.

NHỚ NGÀY NHẬP NGŨ

 


Tháng Giêng, cánh đào phai sót lại chẳng muốn lìa cây, tiếng chim thơm nồng nàn ùa vào từng sợi gió, những hạt mưa phùn vô tư thả mình xuống cỏ. Đi khắp những phố phường, mọi nẻo đường rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu tưng bừng cho Ngày hội tòng quân. Tôi lại bâng khuâng nhớ về ngày nhập ngũ...


Cách đây mấy mùa xuân, khi những chùm hoa bưởi lấp ló bờ tường nhà, ngõ xóm, tôi tạm biệt người thương lên đường nhập ngũ. Một chiều, hẹn gặp nhau dưới gốc bưởi đầu thôn, ngồi bên em, tôi khẽ hát: “Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm/Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm/Bên ấy có người ngày mai ra trận/Bên ấy có người ngày mai đi xa...”.


Thoáng buồn, em thì thầm: “Vậy là sẽ có những mùa hoa bưởi mình không được bên nhau. Màu hoa bưởi trắng tinh khôi như là nhân chứng cho mối tình đầu ngây thơ khờ dại nhưng thật ngọt ngào, thủy chung của anh và em”. Tôi nắm chặt tay em, lòng trào dâng hạnh phúc, trái tim rực lửa yêu thương.


Hôm tòng quân, trước lúc chia tay, bỗng dưng em òa khóc như đứa trẻ. Tôi bảo em: “Ngốc ạ, anh được vào quân ngũ, em phải vui mới đúng, sao lại khóc!”. Nghe tôi vỗ về, em kề sát vai tôi thì thầm: “Em vui mới khóc. Anh cố gắng nhé!”. Em lau vội những giọt nước mắt rồi tặng tôi một tấm hình chúng tôi chụp chung năm học cuối cấp. Vào quân ngũ, tôi coi tấm hình như báu vật và cất nó dưới đáy ba lô, thỉnh thoảng mở ra xem để hồi tưởng lại những phút yêu thương, bối rối thuở học trò.


Những buổi đầu huấn luyện, có lúc giữa giờ giải lao, tôi chợt nhớ nụ cười em nghiêng vành nón trắng, đôi vai em gánh mạ xanh trong nắng sớm, bàn chân em bập bõm dưới đồng xa. Tôi nhớ ngõ quê vang lên tiếng trẻ gọi nhau đến lớp, cặp sách học trò tung tẩy trên lưng, tiếng hát hòa chung tiếng chim trong trẻo.


Thời gian thấm thoắt trôi qua những mùa hoa bưởi, tôi và em đã trở thành người một nhà, hương hoa bưởi đậm đà ngây ngất luôn được chúng tôi níu giữ bền chặt. Bây giờ, mỗi khi nhớ về em, cảm giác bồi hồi, yêu thương ngày nhập ngũ năm xưa lại trỗi dậy trong tôi.../.

BA ANH TRAI CÙNG LÊN ĐƯỜNG NHẬP NGŨ.

 

Những ngày qua, căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm đường Đinh Tiên Hoàng, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, đông đúc người đến động viên ba anh em Nguyễn Khắc Tự Hiền Nhơn, Nguyễn Khắc Tự Hiền Nhân (cùng 20 tuổi) và em út Nguyễn Khắc Tự Hiền Phúc (18 tuổi), chuẩn bị lên đường nhập ngũ.


Trước Tết Giáp Thìn, ba anh em có lệnh khám sức khỏe quân sự. Song Nhơn đang học năm hai ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng, Phúc đang học nghề tại Trường giao thông vận tải Trung ương 5 nên được tạm hoãn nghĩa vụ. Nhân đi khám, đủ điều kiện nhập ngũ. Khoe tin vui với anh, em trai, Nhân nói mình rất thích đi lính vì môi trường nghiêm túc, nề nếp, kỷ luật. Năm ngoái, khi thăm một người anh họ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, Nhân được trải nghiệm sinh hoạt nề nếp, đúng giờ giấc, lối sống gọn gàng, ngăn nắp, nên cả càng quyết tâm vào bộ đội.


Thấy sự hào hứng của Nhân, Nhơn và Phúc đã quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ cùng đợt. "Ba anh em chưa có công việc ổn định, nếu cùng đi lính một lần thì chỉ 2 năm sau đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, lúc đó đủ trưởng thành hơn để tiếp tục lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai", Phúc nói với hai anh, dự định sau khi xuất ngũ sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình THPT và thi đại học.


Ba anh em thuyết phục bố mẹ bằng lời hứa sẽ luân phiên xin nghỉ phép để về thăm ngoại. Nhơn, Nhân, Phúc sau đó lên phường Tam Thuận đề xuất nguyện vọng, được Ban chỉ huy quân sự phường chấp thuận, sắp xếp cùng đi nghĩa vụ tại một đơn vị của Sư đoàn Không quân 372, đóng tại Đà Nẵng.

NGHỈ CÔNG VIỆC NHIỀU NGƯỜI MƠ ƯỚC, CÔ GÁI TRẺ Ở TP.HCM VIẾT ĐƠN XIN NHẬP NGŨ

 


Nhiều ngày nay, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và lời chúc tân binh cả nước chuẩn bị lên đường nhập ngũ năm 2024. Trong số những người lên đường theo nghĩa vụ, không ít bạn trẻ tự nguyện viết đơn xin được tham gia.


Tại TP.HCM, câu chuyện của Phạm Thu Thảo, 23 tuổi được sự quan tâm của nhiều người. 


Thu Thảo sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng nên từ nhỏ cô đã luôn ấp ủ ước mơ được khoác lên mình chiếc áo lính. Tuy nhiên, vì muốn bổ sung kiến thức thêm nữa nên quyết định học đại học. Sau khi tốt nghiệp, Thảo xin vào làm Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS).


Dù có công việc ổn định ở môi trường mà nhiều người mơ ước nhưng mùa tuyển quân 2024, Thu Thảo vẫn quyết định gác lại tất cả và viết đơn xin nhập ngũ. 

NỮ TÂN BINH XINH ĐẸP NGƯỜI PACO TÌNH NGUYỆN NHẬP NGŨ CAND

 


Tân binh Hồ Hạ Bảo Thương, sinh năm 2002, trú tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Huế tháng 9/2023. Sau khi trở về địa phương đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ tham gia thực hiện nghĩa vụ Công an Nhân dân năm 2024.


Bảo Thương sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhiều truyền thống cách mạng, ông bà tham gia kháng chiến cứu nước, có bố mẹ đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Với ước mơ khoác lên mình màu áo lính, Bảo Thương đã luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để bảo đảm các tiêu chuẩn trước khi đăng ký tham gia thực hiện nghĩa vụ Công an. Qua quá trình tuyển chọn, Bảo Thương đã đạt được ước mơ của mình và trở thành nữ tân binh duy nhất tham gia thực hiện nghĩa vụ Công an Nhân dân năm 2024 của Công an tỉnh Quảng Trị./.