Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

“Đánh tráo khái niệm”

 

Thời gian qua, liên tiếp có một số cán bộ ngành y tế bị cơ quan chức năng khởi tố để điều tra, xử lý do những sai phạm trong thực hiện công vụ. Điển hình nhất là các vụ việc liên quan đến ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh); trước đó là vụ án của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã bị đưa ra xét xử. Trong những vụ việc này, nhiều cán bộ liên quan cũng bị khởi tố để điều tra hoặc đã phải vào tù.

Sai phạm của họ do liên quan đến mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; cấp số đăng ký lưu hành nhiều tân dược giả... Đại đa số dư luận rất đau xót nhưng đều rất đồng tình với việc cần phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết những sai phạm. Việc xử lý này cũng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Dù sai phạm của các cán bộ y tế này là rõ ràng và nguyên nhân hoàn toàn do họ cố tình làm sai, gây bất bình xã hội, nhưng thật nực cười khi một số cá nhân lại sử dụng mạng xã hội để viết bài công kích, vu cáo thể chế chính trị, lên án chế độ của Việt Nam, hoặc lợi dụng đài, báo nước ngoài thiếu thân thiện với đất nước mà điển hình là VOA tiếng Việt để phát biểu bừa bãi. Họ đổ lỗi rằng, sở dĩ các cán bộ trên tham nhũng, sai phạm, phải tù tội "do lỗi của chế độ"; rằng chế độ ta "sinh ra tham nhũng, lỗi hệ thống tạo ra chứ không phải do biện pháp thực hiện"; "Đảng Cộng sản Việt Nam không những là nguyên nhân sinh ra tham nhũng mà còn không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công"...

Điển hình là những trang Facebook của các đối tượng như: Dương Quốc Chính, Phạm Minh Vũ, Trân Văn... Trên Facebook, Dương Quốc Chính tán phát bài viết: “Ai cho quan làm người lương thiện” với một cách lý giải kiểu đổi trắng thay đen. Facebook của Phạm Minh Vũ tán phát bài viết: “Cái kết của một người có tài đi theo Đảng”, xóa nhòa ranh giới giữa công và tội. Trên VOA tiếng Việt, bài viết: “Từ vụ Nguyễn Quang Tuấn: Thể chế chuyên biến giả thành thật và ngược lại!” của Trân Văn ra sức công kích chế độ. Đây là những giọng điệu không xa lạ gì trong thời gian qua, vì nó được nuôi dưỡng bởi tiền của các thế lực phản động từ nước ngoài chuyên chống phá đất nước. Vì thế, họ sẵn sàng dựng chuyện bằng bất cứ lý do gì.

Đổ lỗi, vu cáo cho thể chế hay đổ lỗi cho chế độ là chiêu bài quen thuộc của một số nhóm đối tượng chuyên chống phá Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, họ đã nhầm, hoặc do cố tình “đánh lận con đen” khi quy chụp rằng, chế độ mà chúng ta đang xây dựng đã sinh ra tham nhũng.  

Từ cổ đại đến hiện đại, tất cả học giả kinh tế hay chính trị đều thống nhất một quan điểm: Tham nhũng là hiện tượng xã hội, tồn tại tất yếu, khách quan trong xã hội có nhà nước (có giai cấp). Tham nhũng tồn tại ở mọi quốc gia, hiện diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, không phụ thuộc vào chế độ chính trị “đa đảng” hay “một đảng” và cũng không phụ thuộc vào trình độ phát triển.

Hiểu một cách cơ bản thì tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực trong xã hội có giai cấp, có nhà nước. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa tận gốc nó trong một thời gian ngắn. Để phòng, chống tham nhũng, mọi quốc gia đều phải sử dụng các công cụ, biện pháp trong quản trị nhà nước nhằm triệt tiêu nó. Bởi thế, đổ lỗi cho chế độ ta mới sinh ra tham nhũng là rất thiếu hiểu biết, hoặc đó là cách ngụy biện.

Xin được dẫn chứng: Trước vấn đề tham nhũng, Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định, đồng thời sử dụng biện pháp rất mạnh để đấu tranh với tham nhũng. Trung Quốc cũng có hàng loạt đạo luật phòng, chống tham nhũng như: Luật Chống hối lộ năm 1988, Luật Chống tham nhũng năm 1997. Năm 2010 Trung Quốc còn ban hành sách trắng về chống tham nhũng. Singapore cũng xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Singapore đã ban hành đạo luật Chống Tham nhũng và Luật Sung công tài sản tham nhũng để đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Với Hoa Kỳ, cường quốc này xác định tham nhũng là một tội phạm nghiêm trọng và không thể xóa bỏ hoàn toàn. Hoa Kỳ có cơ quan chuyên làm nhiệm vụ chống tham nhũng trực thuộc Bộ Tư pháp, đó là Cục Điều tra liên bang (FBI). Ngay cả Liên hợp quốc cũng có Công ước về chống tham nhũng. Do là vấn đề tất yếu nên dù có rất nhiều biện pháp phòng, chống thì tham nhũng vẫn không thể mất đi.

Trong 5 năm thực hiện chủ trương “đả hổ, diệt ruồi” (2013-2017) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc có 182.000 quan chức cấp cao và quan chức ở địa phương bị truy tố vì hành vi tham nhũng và lạm dụng chức vụ quyền hạn.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020 cho thấy, một bức tranh màu xám về tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới, với hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100. Như vậy có thể thấy, tham nhũng là vấn đề toàn cầu chứ không riêng bất cứ một quốc gia nào.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, trong thời gian từ năm 2013 đến 2020, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kết quả này cũng cho thấy, mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đối với công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta đều trở nên trơ trẽn, nực cười.

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, phát biểu với Quốc hội về vấn đề liên quan đến các sai phạm của cán bộ ngành y tế trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định: Sai phạm trong ngành y không phải do lỗi cơ chế. “Chúng tôi khẳng định không phải do các lỗi này, mà đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm và đây là những vi phạm hình sự rất đáng phải xử lý", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Quá trình điều tra, các cán bộ này đã thừa nhận sai phạm. Cơ quan điều tra đều có yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc và đã chứng minh rõ yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi... Đơn cử như việc mua máy móc, có trường hợp thông đồng với nhà thầu, đẩy giá ăn chia, trích phần trăm. Đây là yếu tố tư lợi, biểu hiện tham ô, tham nhũng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét