Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

LẠI BÀN VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN

 

Không chỉ pháp luật của nhiều nước trên thế giới mà ngay cả pháp luật Việt Nam khi vi phạm vào quyền riêng tư của người khác là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do ngôn luận, trong đó có quyền chia sẻ thông tin. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng… nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tìm kiếm, trao đổi, thụ hưởng thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Người dân Việt Nam có thể dễ dàng truy cập vào tất cả các trang web, báo chí trên thế giới; có thể bày tỏ mọi suy nghĩ, trăn trở, mong muốn chính đáng, hợp pháp, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, đạo đức... của mình trên mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ, nhưng phải dựa trên nguyên tắc xây dựng, tự do nhưng cũng phải trong vòng kiểm soát của pháp luật.

Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Khi chia sẻ thông tin, chẳng lẽ người ta chưa bao giờ nghĩ đến hậu quả xấu đối với xã hội? Và nếu những thông tin đó ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cộng đồng thì không ai khác, chính họ là chủ nhân của sản phẩm đã lan truyền và phải chịu trách nhiệm trước tiên?

Tự do chia sẻ trên mạng xã hội những bài viết, ảnh, video clip từ nhiều nguồn tin, từ những tin đồn, mà không được sự cho phép của các cơ quan chức năng, của tổ chức, cá nhân, không kiểm chứng không thể coi là hành vi tự phát mà phải coi đây là hành vi có ý thức, nhưng là ý thức vô trách nhiệm đối với cộng đồng, là đang vi phạm pháp luật, đang cổ súy cho chủ đích xấu xa.

Trong cuộc sống, còn rất nhiều điều tốt đẹp cần được nhân rộng, những tấm gương sáng cần chia sẻ để mọi người cùng học hỏi. Ðó là hình ảnh người thầy thuốc, các chiến sĩ Công an, quân đội xung phong lên tuyến đầu với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chấp nhận hy sinh trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Các bạn trẻ khởi nghiệp, làm giàu từ hai bàn tay và trí tuệ của chính mình. Ðó là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn vẫn thi đỗ điểm cao. Hình ảnh các thầy giáo, cô giáo miệt mài vượt núi, băng rừng gieo cái chữ cho trẻ em vùng cao để nuôi dưỡng khát vọng vươn lên...

Để làm sạch môi trường sống lành mạnh, trước tiên chúng ta cần “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, tôn vinh những người tốt, những điều đẹp đẽ quanh ta. Càng nhiều nội dung tích cực, nội dung tốt thì tỉ lệ nội dung xấu càng ít đi. Khuyến khích truyền thông làm việc mà nó cần phải làm, đó là lan truyền thông tin giá trị, những kiến thức bổ ích về cuộc sống, những hành động đẹp thì nhất định giới trẻ sẽ quay sang tìm kiếm những điều hữu ích này để phục vụ cho việc học tập, lao động sáng tạo của mình.

Hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, trước nhất vẫn cần ở ý thức cá nhân của mỗi người. Những ý kiến đóng góp, phản ánh của cộng đồng mạng phải đúng, chân thành, mang tinh thần xây dựng, vì lợi ích chính đáng của đất nước, của người dân, dần hình thành những tập quán mới, đúng đắn, phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức dân tộc hướng đến chân - thiện - mỹ trong việc chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả những thông tin từ mạng xã hội.

Việc lựa chọn, tiếp nhận lan tỏa những thông tin tích cực là điều cần thiết. Vì một xã hội lành mạnh, đã đến lúc yêu cầu tinh thần văn hóa tự giác phải trở thành phẩm chất bên trong của mỗi người, phải được kết hợp các biện pháp chế tài dựa trên cơ sở luật pháp để xử lý nghiêm minh những sai phạm, để xã hội không phải hứng chịu những hậu quả “thật” từ mạng “ảo” gây ra./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét