Câu lạc bộ “Tình Người” thành lập từ
tháng 7-2019, có địa chỉ tại tầng 3 - tòa nhà số 68 đường Dương Ðình Nghệ,
phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ðến nay đã mở rộng địa bàn hoạt động ra
nhiều địa phương, trong đó có các cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Hà Giang
với hàng chục nghìn lượt người tham gia. Núp bóng các hoạt động thiện nguyện và
những khẩu hiệu "cho đi là còn mãi", "lan tỏa trí tuệ tới cộng
đồng", "làm phúc giúp đời" được nêu trong tôn chỉ, mục đích hoạt
động.
Những người tham gia tại đây sẽ được yêu
cầu đi "gieo duyên" cho người thân, bạn bè nhằm mở rộng quy mô của
CLB. Từ đây, các thành viên được chỉ dẫn phải bỏ tiền làm từ thiện để
"giải nghiệp", hoặc chi tiền để "mua hộ", "đặt
hộ" những bộ đồ thờ bằng đồng được quảng cáo là có tính thiêng đặc biệt,
với giá tiền đắt gấp nhiều lần so với ngoài thị trường.
Việc quyên góp cũng chỉ được làm âm
thầm, bí mật, không được tiết lộ cho gia đình, người thân. Liên quan đến những
đơn thư trình bày của các thành viên về việc họ đã nộp vào CLB rất nhiều tiền
để cúng dường, làm từ thiện, mua đồ thờ… nhưng đều không có hóa đơn, chỉ có
phiếu thu... Đáng chú ý, trong số này không ít người là các chủ doanh nghiệp,
trí thức, có địa vị trong xã hội.
Ðáng lo ngại là, trong một thời gian
dài, CLB “Tình Người” đã lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để tổ chức lôi kéo rất
nhiều người tham gia hoạt động mê tín dị đoan theo mô hình "đa cấp tâm
linh", có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, hoạt động rầm rộ với hàng nghìn
thành viên.
Chúng ta đã có quá nhiều bài học nhãn
tiền, chỉ vì niềm tin mù quáng mà không ít người bỏ bê việc học hành, công
việc, từ bỏ gia đình, nộp tiền "phí sinh hoạt", "hội phí"
và 10% thu nhập để được tham gia vào những tổ chức núp bóng tôn giáo, như:
Thanh Hải vô thượng sư, Pháp luân công, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Hội Thánh
Đức Chúa Trời Cha… đã khiến bao gia đình tan nát. Vậy mà vẫn không ít người mê
muội, tin đến mức mất cả lý trí, đem cả gia sản của mình dâng vào tay những tổ
chức, những kẻ lừa đảo này.
Điểm chung của các tổ chức này là hoạt
động tâm linh như một mô hình kinh doanh đa cấp và lôi kéo rất nhiều người sa
chân vào cái bẫy của tín ngưỡng và đức tin, tham gia lễ bái thông qua hoạt động
thiện nguyện, mà thực tế là truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan. Hình thức chủ
yếu là đe dọa, làm cho người ta sợ hãi để từ đó tác động vào tâm lý... dùng các
luận điệu phải "trả duyên", "trả nghiệp" buộc người theo
phải cầu, cúng để thu những khoản tiền lớn lên đến hàng chục, hàng trăm triệu
đồng. Hoạt động đa cấp tâm linh thời gian gần đây khiến những kẻ xấu có thể lôi
kéo rất nhiều người sa chân vào cái bẫy của tín ngưỡng và đức tin, gây mất an
ninh trật tự tại địa phương.
Mỗi con người cần có đức tin. Một xã hội
lại càng cần có đức tin. Niềm tin, đức tin đưa con người đến thành công. Lịch
sử dân tộc ta là một dẫn chứng sinh động nhất cho sức mạnh của niềm tin, của
đức tin đã đưa đất nước, dân tộc ta vượt qua mọi chông gai, thử thách, đi từ
thắng lợi này tới thắng lợi khác. Nhưng, một đức tin đưa con người đến chỗ
thành công quyết không phải là một thứ mê tín, tín ngưỡng mù quáng sẽ làm cho
trí óc lười biếng, ỷ lại, nô lệ cho hoàn cảnh, nô lệ cho dục vọng, là một nguy
hại lớn cho đời sống của cá nhân, của gia đình, xã hội và dân tộc.
Đức tin bị lợi dụng, bị đem ra mặc cả,
buôn bán là dấu hiệu bất thường, rất đáng lo ngại của xã hội, của quốc gia, dân
tộc. Một xã hội mà ai cũng mơ mơ màng màng sống trong sự phụ thuộc thần linh
thì không thể đủ tỉnh táo để làm chủ bản thân mình chứ chưa nói làm chủ xã hội,
làm chủ đất nước, làm sao có đủ trí tuệ để sáng tạo cho phát triển.
Những ai đã chót tham gia vào các tổ
chức hoạt động đa cấp tâm linh, xin hãy nhanh chóng tỉnh táo lại, đừng tin vào
những điều quàng xiên, cổ xúy cho những hành vi cuồng tín, dị đoan, biến tâm
linh trở thành công cụ bóc lột cộng đồng. Pháp luật của Nhà nước chỉ có thể
nghiêm trị bọn lưu manh, lừa đảo bằng các chiêu trò tâm linh, nhưng sẽ khó có
thể bảo vệ được những người mê tín dị đoan, vẫn cứ tiếp tục u mê, ám chướng,
nếu họ không tỉnh ngộ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét