Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng hình ảnh "thanh bảo kiếm" để định danh công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) của Đảng. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để “thanh bảo kiếm” ấy phát huy tác dụng “chữa lành các vết thương”, thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu đề ra trong “Chiến lược KT, GS của Đảng đến năm 2030” theo Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 18-4-2022.
Hoạt động KT, GS của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần quan trọng để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KT, GS hiện nay chính là sự kế thừa, vận dụng những bài học kinh nghiệm, mô hình, cách làm thành công trong giai đoạn vừa qua.
Bản lĩnh người đứng đầu cấp ủy
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian vừa qua, mỗi lần Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương ra thông cáo báo chí kỳ họp đều được dư luận đồng tình, hoan nghênh, đánh giá cao. Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực vươn tới, gặp nhau giữa “ý Đảng” với “lòng Dân”. Công tác KT, GS của Đảng trong tình hình hiện nay là một “cuộc chiến” thực sự với “giặc nội xâm”.
Vì lẽ đó, không thể có thành công nếu người đứng đầu cấp ủy và UBKT các cấp thiếu bản lĩnh. Không liêm, không sạch, không dạn dày kinh nghiệm xây dựng Đảng thì không thể có bản lĩnh. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác KT, GS và thi hành kỷ luật đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, ngày 27-11-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ này là: “Đội ngũ cán bộ kiểm tra, đặc biệt là các đồng chí Ủy viên UBKT Trung ương rất có bản lĩnh, quyết liệt, thận trọng, công tâm, khách quan trong việc thẩm tra, xác minh đối với những vụ việc khó đã tồn tại từ lâu” (1).
Nhờ bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm sắt đá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; bản lĩnh của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bản lĩnh của các đồng chí Ủy viên UBKT Trung ương mà công tác KT, GS của Đảng ở Trung ương đã đột phá vào những lĩnh vực khó, địa bàn nổi cộm, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra. Đảng ta cũng thành công trong chủ trương “chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực”.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật thì thấy một số người đứng đầu cấp ủy hiện nay chưa coi trọng đúng mức công tác KT, GS, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KT, GS. Nếu công tác KT, GS là “thanh bảo kiếm” thì cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chính là người trực tiếp sử dụng “thanh bảo kiếm” đó.
Vì vậy, điều quan trọng hàng đầu hiện nay là phải tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy về công tác KT, GS. Cấp ủy nào có người đứng đầu gương mẫu, thực sự say mê và tha thiết với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì ở đó, “thanh bảo kiếm” được mài sắc và sử dụng hiệu quả. Một tồn tại, vướng mắc của công tác KT, GS của Đảng hiện nay là hệ thống các quy định liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Trước những bước phát triển rất nhanh của đời sống, cùng những biểu hiện phong phú, phức tạp trong thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì việc khắc phục những vướng mắc này không thể một sớm, một chiều.
Trong điều kiện đó, bản lĩnh và quyết tâm của cấp ủy, UBKT các cấp, đặc biệt là bản lĩnh, quyết tâm của người đứng đầu càng có vai trò quan trọng. Trên cơ sở chấp hành nguyên tắc, Điều lệ Đảng, bản lĩnh, quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy sẽ giúp cho công tác KT, GS khắc phục mọi vấn đề phát sinh của thực tiễn.
Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm
Kinh nghiệm nổi bật trong thành công của công tác KT, GS trong hơn hai nhiệm kỳ vừa qua là việc xác định trọng tâm, trọng điểm kiểm tra. Kinh nghiệm này được khẳng định từ chính các hoạt động của UBKT Trung ương. Trước những diễn biến tinh vi, phức tạp của tiêu cực, tham nhũng, UBKT Trung ương đã tập trung chỉ đạo kiểm tra những nơi có vấn đề “nóng”, phức tạp, nhạy cảm, vụ việc dư luận quan tâm, các lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Đây là những “mắt xích” quan trọng trong thế trận phòng, chống tiêu cực. Mỗi “mắt xích” được kiểm tra, xử lý và công khai trên báo chí đều có ý nghĩa đột phá. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhìn thấy rõ tác dụng, hiệu quả của công tác KT, GS; củng cố niềm tin vào quyết tâm chính trị của Đảng; đồng thời có giá trị răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
Xác định được trọng tâm, trọng điểm trong công tác KT, GS thể hiện cách làm bài bản, chặt chẽ, nghiêm minh của Đảng. Quan điểm của Đảng ta về xử lý kỷ luật là “không có vùng cấm, không có vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không có hạ cánh an toàn”. Thực tiễn công tác KT, GS thời gian qua cho thấy, những người vi phạm dù là cán bộ đương chức hay nghỉ hưu, cán bộ cấp cao (kể cả diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý), cán bộ trong lĩnh vực dân sự và cả trong lực lượng vũ trang đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, không có tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới” hoặc “vùng cấm”.
Hiện nay vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong KT, GS. Biểu hiện rõ nhất là một số cấp ủy, UBKT từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Trung ương xác định nội dung KT, GS còn dàn trải, hình thức, chưa thực sự đi vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực hoặc những vấn đề đang gây bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Thậm chí, còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý; cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Theo báo cáo tổng kết công tác KT, GS của UBKT Trung ương nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành KT, GS còn mang tính hình thức, chiếu lệ, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, chưa nghiêm túc và chưa chủ động xử lý khi phát hiện thấy vi phạm, khuyết điểm. Chính vì vậy, bài học kinh nghiệm về xác định trọng tâm, trọng điểm trong KT, GS là một giải pháp mang ý nghĩa đột phá trong khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hiện nay.
Kỷ luật Đảng đi trước, mở đường
Trước đây, mặc dù đã có quy chế phối hợp giữa UBKT của cấp ủy với thanh tra nhà nước cùng cấp, nhưng tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu phối hợp giữa hai cơ quan trong xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng vẫn xảy ra.
Trong hơn hai nhiệm kỳ gần đây, với quan điểm của Đảng: “Kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật” đã thực sự tạo ra bước đột phá về quan hệ phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, UBKT các cấp nhận thức rõ vai trò “đi trước, mở đường” của mình, thực hiện kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Từ quá trình KT, GS, nếu phát hiện trường hợp cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, tiêu cực thì chuyển cho các cơ quan pháp luật xem xét, xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc KT, GS mới chuyển.
Theo đồng chí Trần Tiến Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm UBKT Trung ương, thì ở chiều ngược lại: “Các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án về tham nhũng, tiêu cực, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cấp ủy quản lý cán bộ để kịp thời chỉ đạo xử lý. Đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến UBKT Trung ương, UBKT thuộc cấp ủy quản lý cán bộ để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng, không chờ khi có kết luận, kết thúc vụ việc, vụ án mới chuyển”.
Nhận thức về vị trí, vai trò “đi trước, mở đường” của công tác KT, GS thực sự có ý nghĩa đột phá với mọi cấp ủy, UBKT các cấp và cũng là một bước phát triển quan trọng về lý luận Đảng cầm quyền. Muốn làm được điều này, đòi hỏi ngành kiểm tra Đảng phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ kiểm tra chẳng những phải nắm chắc đường lối, điều lệ và hệ thống quy định, quy chế của Đảng, pháp luật Nhà nước mà còn phải có trình độ chuyên môn rất cao trong lĩnh vực đảm nhiệm kiểm tra. Có những lĩnh vực mới và khó như thị trường chứng khoán, công nghệ cao hoặc những biểu hiện của tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Về phẩm chất, họ phải là những “Bao Công” của thời kỳ mới, có đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, có bản lĩnh và dũng khí chống tham nhũng, tiêu cực. Họ là người chiến sĩ đấu tranh trực diện với “giặc nội xâm”, mà “giặc nội xâm” ấy là đồng chí, đồng đội và người thân của mình; đồng thời, họ còn phải đấu tranh với chính mình để vượt qua cám dỗ, thử thách.
Sứ mệnh “đi trước, mở đường” đòi hỏi ngành kiểm tra Đảng phải xây dựng được đội ngũ cán bộ với yêu cầu rất cao như vậy. Muốn thế, trước hết phải có chính sách đãi ngộ, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng thật khoa học và phù hợp. Đây là những vấn đề rất lớn, rất khó nhưng không thể không làm nếu muốn mài sắc “thanh bảo kiếm” của Đảng.
KT, GS là mặt công tác lãnh đạo quan trọng hàng đầu của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hiện nay, vị trí, vai trò, uy tín của UBKT các cấp, nhất là UBKT Trung ương đang được đề cao; quyền hạn, trách nhiệm đã được mở rộng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm.
Đó là cơ sở, tiền đề quan trọng để các đồng chí ra quân mạnh mẽ hơn nữa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa. Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta phải hành động, nói phải đi đôi với làm, không nói lý thuyết đạo lý chung chung" (2).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét