Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

Mục đích cuối cùng của chiến lược "diễn biến hoà bình" là lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa

 

Mục đích cuối cùng của chiến lược "diễn biến hoà bình" là lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa. Để đạt tới mục đích đó, chủ nghĩa đế quốc đặt ra những mục tiêu cơ bản sau:

Một là, xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, thay thế bằng tư tưởng tư sản ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa đều lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng. Muốn xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, trước hết cần xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa đế quốc đặt mục tiêu đầu tiên và là mục tiêu hết sức quan trọng của "diễn biến hoà bình" chống chủ nghĩa xã hội là xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi nền tảng tư tưởng đã bị sụp đổ sẽ làm lạc hướng các lĩnh vực hoạt động khác, chủ nghĩa xã hội sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Đi đôi với việc tìm cách xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa đế quốc đẩy mạnh xâm nhập tư tưởng tư sản, làm cuộc đảo chính hoà bình về hệ tư tưởng trong các nước xã hội chủ nghĩa.

Hai là, xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện “đa nguyên chính trị”,  “đa đảng đối lập” ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều thực hiện chế độ một đảng cộng sản lãnh đạo. Đó là điều kiện tiên quyết để cách mạng đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa và giành thắng lợi. Những kẻ muốn dùng "diễn biến hoà bình" xoá bỏ chủ nghĩa xã hội đều cho rằng vấn đề then chốt là phải xoá bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Trong chiến lược "diễn biến hoà bình", chủ nghĩa đế quốc tập trung chống đảng cộng sản lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng thường tung ra các luận điệu: đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo là “độc tài”, “bóp nghẹt dân chủ”, không trọng dụng được những tài năng của đất nước... Vì thế, cần phải thực hiện “đa nguyên lợi ích”, “đa nguyên chính trị”, tức là chế độ chính trị đa đảng đối lập mà thực chất là hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản, nhen nhóm các lực lượng phản động chống đối, đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, giành lại quyền thống trị xã hội cho giai cấp tư sản phản động.

Ba là, gây mất ổn định về chính trị các nước xã hội chủ nghĩa.

Chính trị là vấn đề rất nhạy cảm, sự biến động về chính trị sẽ gây ra đột biến xã hội. Các thế lực thù địch rất quan tâm đến việc gây mất ổn định chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đối với đảng cộng sản cầm quyền và chính quyền nhà nước, chúng tác động để làm suy yếu, đổi mầu tổ chức và cán bộ, từ đó dẫn đến chệch hướng về đường lối, chính sách. Chúng tác động vào những cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện tu dưỡng, từng bước tha hoá họ thành những người cộng sản "đỏ vỏ xanh lòng" để có thể dùng "cộng sản lật cộng sản". Chúng bỏ nhiều công sức và tiền bạc để lôi kéo "những người có chính kiến bất đồng", chống chủ nghĩa xã hội, chống sự lãnh đạo của đảng cộng sản trong các nước xã hội chủ nghĩa, dùng họ làm nội ứng cho "diễn biến hoà bình" về chính trị. Với quần chúng nhân dân thì chúng kích động những vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo", tạo ra tâm trạng không thiết tha, gắn bó với chủ nghĩa xã hội, gây mâu thuẫn nội bộ, làm mất sự đồng thuận xã hội và khi có thời cơ sẽ lôi kéo quần chúng vào những cuộc bạo loạn chính trị.

Bốn là, làm suy yếu, chệch hướng phát triển của nền kinh tế, tiến tới chi phối, khống chế nền kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế là cơ sở cho sự phát triển toàn diện xã hội; tính chất nền kinh tế quyết định tính chất chế độ chính trị. Sự phát triển kinh tế còn quyết định đời sống cộng đồng dân cư, điều đó có ảnh hưởng lớn đến thái độ chính trị của nhân dân đối với đảng cầm quyền, chính quyền nhà nước và chế độ xã hội. Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội rất quan tâm đến phá hoại nền kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa thông qua "diễn biến hoà bình". Mục tiêu của chúng là bằng nhiều thủ đoạn, tác động từng bước, làm suy yếu về tiềm lực kinh tế, xâm nhập, chi phối, lũng đoạn kinh tế - tài chính, chuyển hoá nền kinh tế chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi nền kinh tế đã bị chệch hướng theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ chuyển hoá xã hội và sớm muộn chính trị cũng bị chuyển hoá theo.

Năm là, chuyển hoá văn hoá, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa theo giá trị phương Tây.

Trải qua quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nước xã hội chủ nghĩa gìn giữ được văn hoá, đạo đức, lối sống truyền thống dân tộc và dần dần xây dựng nền văn hoá, đạo đức, lối sống mới xã hội chủ nghĩa tốt đẹp. Đó là một nền tảng hết sức quan trọng của chủ nghĩa xã hội. Đặc trưng văn hoá, đạo đức, lối sống cũng là một tiêu chí phân biệt hai chế độ xã hội đối lập nhau.

Trong chiến lược "diễn biến hoà bình", chủ nghĩa đế quốc đặt một mục tiêu không kém phần quan trọng là xoá bỏ nền văn hoá, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, thay vào đó là văn hoá, đạo đức, lối sống tư sản. Từ đó làm tha hoá con người, tha hoá cả một xã hội.

Sáu là, "phi chính trị hoá" để "vô hiệu hoá" quân đội và công an

Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch biết rằng quân đội và công an là công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa phải "vô hiệu hoá" được lực lượng này. Chúng cũng biết rằng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ của quân đội và công an bắt nguồn từ sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Muốn "vô hiệu hoá" phải "phi chính trị hoá" quân đội và công an, trước hết và quyết định là phải xoá bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Chúng hy vọng rằng khi các lực lượng phản động được chủ nghĩa đế quốc chỉ đạo, tiếp tay đứng lên lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, quân đội và công an sẽ "đứng trung lập", "án binh bất động", mặc cho chủ nghĩa xã hội sụp đổ.

Những mục tiêu cơ bản này có mối quan hệ tác động lẫn nhau, nếu kẻ thù thực hiện được tất yếu dẫn đến mục đích cuối cùng chúng theo đuổi là xoá bỏ chủ nghĩa xã hội.

PHAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét