Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI ĐÃ ĐẾN CHÚNG TA NÂNG CAO HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI TRẺ EM

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.

Đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em khẳng định: “Trẻ em có quyền được chăm sóc đầy đủ và toàn diện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành…”. Việt Nam là quốc gia phê chuẩn và cam kết thực hiện Công ước từ rất sớm. Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc xác định 17 Mục tiêu toàn cầu về Phát triển bền vững, trong đó, có 4 mục tiêu trực tiếp tập trung vào sự phát triển của trẻ em trong những năm đầu đời, và 5 mục tiêu liên quan gián tiếp đến phát triển trẻ em toàn diện.
Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia, tạo hành lang pháp lý và định hướng cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đảm bảo thực thi các quyền của trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, hệ thống chính sách, biện pháp nhằm hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ qua các giai đoạn phát triển cũng được xây dựng và đảm bảo thực thi.
Hiến pháp 2013 (Điều 37, chương II) quy định “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Luật Trẻ em (2016) từ Điều 23 đến Điều 32 quy định về trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển của trẻ em, coi gia đình là người trước tiên chịu trách nhiệm đối với trẻ em về: Đăng ký khai sinh; chăm sóc, nuôi dưỡng, dành điều kiện tốt nhất cho trẻ em; đảm bảo cho trẻ em sống chung với cha mẹ; bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền được học tập; đảm bảo điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi; đảm bảo quyền phát triển năng khiếu, quyền dân sự; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, tham gia hoạt động xã hội. Luật nghiêm cấm cha mẹ bỏ rơi con; Khi cha mẹ gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Luật trẻ em đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước trong hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, thông qua xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình; và đảm bảo cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp cho trẻ em; bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em….
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Điều 69) quy định nghĩa vụ và quyền của cha mẹ trong chăm sóc trẻ em: Cần thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
Bộ Luật Lao động (2012) dành một chương riêng quy định liên quan lao động nữ, trong đó, quy định tạo điều kiện cho phụ nữ khi mang thai, nuôi con nhỏ, như: Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh là 6 tháng, tạo điều kiện cho trẻ nhỏ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; các quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ; quy định trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm, khám thai, thực hiện các biện pháp tránh thai; quy định các công việc không được sử dụng lao động nữ khi công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con.
Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư đã chỉ đạo cần đẩy mạnh việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ; quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em và đặc biệt cần xây dựng chương trình giáo dục quốc gia về gia đình, chú trọng giáo dục sớm, giáo dục tiền hôn nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét