Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

HIỂU VÀ HÀNH ĐỘNG THEO VĂN HOÁ HOÀ BÌNH HỒ CHÍ MINH

 Một nhà báo Nga vào năm 1923 đã từng  nhận xét: “…Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai…”. Văn hóa của tương lai mà nhà báo Nga nói đến chính là văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh, là sự kết tinh hoàn hảo nhất của văn hóa phương Đông và phương Tây,  các giá trị truyền thống và hiện đại của nhân loại. Hay như lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của loài người”.

Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh có ý nghĩa thời đại và giá trị rất to lớn trong cảnh bối cảnh ngày hôm nay, thể hiện qua một số đặc điểm nổi bật của văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh. Thứ nhất, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh thấm đẫm tình người, xuất phát từ tình yêu con người sâu sắc, khát vọng mang tới hòa bình, hạnh phúc cho mọi người dân, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo hay giai cấp. Chính điều đó đã làm nên Hồ Chí Minh, một chiến sĩ yêu nước chân chính, một chiến sĩ hòa bình quốc tế chân chính, luôn làm hết sức mình, nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội để có hòa bình, để tránh chiến tranh. Bác Hồ thấu hiểu hòa bình và phát triển là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân và là đích đến của nhân loại. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta, Bác đã rất nhiều lần viết thư cho các nhà lãnh đạo của Pháp, của Mỹ để đề nghị tìm kiếm giải pháp hòa bình. Bác nói: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau…”. Bác cũng nói rằng, nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng hòa bình, tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được.

Thứ hai, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng rất rõ ràng và kiên định, đó là hòa bình chân chính trong độc lập tự do thực sự trên nền tảng tôn trọng phẩm giá con người, độc lập chủ quyền, bình đẳng giữa các quốc gia. Hòa bình không có nghĩa là đầu hàng, nhân nhượng. Bác nói với các bạn Pháp: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập… Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào của chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”. Hay Bác nói với nhân dân Mỹ: “Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thực sự. Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và giữ gìn hòa bình”.

Điểm rất đặc biệt trong tư tưởng hòa bình của Hồ Chí Minh đó là Hồ Chí Minh luôn tranh thủ mọi cơ hội để tạo dựng hòa bình, nhưng luôn luôn rất kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa để giành độc lập, tự do, bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh. Bác nói: “…Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Điểm thứ tư, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh hết sức chân thành, hết sức nhân ái, khoan dung, hết sức gần gũi và rất giản dị đối với người dân. Bác luôn luôn chú trọng vai trò của nhân dân, chú trọng việc tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân.

Khi đến thăm trại tù binh trong một chiến dịch biên giới năm 1950, thấy một đại úy Pháp bị rét lạnh, Bác đã cởi áo của mình và khoác cho viên đại úy đó. Chính sự khoan dung, đại lượng, sự gần gũi của Bác đã tạo nên một sức hấp dẫn, một sự thu hút rất mạnh mẽ của con người Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh. Có lẽ trên thế giới hiếm có một lãnh tụ nào được nhân dân, được bạn bè quốc tế yêu mến như là Bác Hồ của chúng ta. Có thể nói đi đến đâu Bác cũng tìm được sự đồng cảm, cũng được nhân dân, từ các cụ già đến các em nhỏ, hết sức yêu quý. Và chính vì tư tưởng Hồ Chí Minh như vậy, ngọn cờ hòa bình độc lập tự do mà Hồ Chí Minh giương cao, nhân cách, con người Hồ Chí Minh như vậy đã huy động được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, tạo nên sức mạnh vô song của mặt trận nhân dân thế giới, đoàn kết ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của hòa bình độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; mang lại thắng lợi hoàn toàn cho nhân dân ta cũng như mở ra kỷ nguyên mới của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hồ Chí Minh là biểu tượng của độc lập dân tộc, là biểu tượng của tự do, của hòa bình. Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa hòa bình. Giá trị của văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại và phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.

30 năm sau khi Bác Hồ của chúng ta qua đời, ngày 13-9-1999, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về văn hóa hòa bình và hầu hết các tiêu chí trong Tuyên bố này đều nằm trong tư tưởng đã hành động của Hồ Chí Minh, như là một người đi tiên phong về văn hóa hòa bình…

Tin chắc rằng cùng với sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích chung của nhân loại, với nguồn lực vô giá của văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ tiếp tục thành công trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định của đất nước chúng ta, của khu vực chúng ta cũng như trên thế giới và tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng một tương lai tốt đẹp không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cho cả nhân loại trên toàn thế giới như Bác Hồ hằng mong ước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét