Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

Người Mỹ khốn khổ vì “cơm áo gạo tiền”


Kinh tế thế giới đã bước vào một thời kỳ bất ổn hơn bao giờ hết, khi đại dịch COVID-19 và tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine đã “cộng hưởng” khiến lạm phát leo thang và cản trở đà phục hồi còn yếu ớt của nền kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng tới 8,5% trong tháng 3/2022, mức cao nhất trong 40 năm qua, và hiện vẫn đang tiếp tục đi lên. Trong khi đó giá xăng dầu đã tăng hơn 2 USD/gallon so với cùng kỳ năm trước. Giá phân bón cũng tăng 42% kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, qua đó buộc những người nông dân Mỹ phải cắt giảm chi phí.

“Sẽ rất khó khăn cho chúng tôi nếu muốn tiết kiệm xăng dầu bởi chúng liên quan đến kỹ thuật canh tác, thậm chí điều này có thể làm thay đổi cách canh tác của ngành nông nghiệp”, anh Steve Dombrowski, một nông dân tại Mỹ cho biết.

Cuộc sống thường nhật của rất nhiều người dân ở xứ cờ hoa cũng phần nào bị xáo trộn khi chi phí sinh hoạt tăng cao, khiến ngân sách của họ bị “bóp nghẹt” bởi những gánh nặng về nhà ở, ăn uống, xăng xe…

Nhưng có lẽ thực phẩm không phải mối lo duy nhất của nhiều người Mỹ. Kathy Huang, hiện đang sinh sống và làm việc ở Los Angeles, kể rằng cô vừa phải chuyển đến một căn hộ rẻ tiền hơn vì giá thuê căn hộ hai phòng ngủ mà cô sống trước đây đã tăng từ 2.750USD/tháng lên hơn 3.200 USD/tháng. “Mọi thứ bây giờ đều quá đắt, thức ăn, xăng, mọi thứ. Hóa đơn hằng tháng của tôi đã tăng từ khoảng 500USD lên hơn 700USD”, người phụ nữ 35 tuổi này than thở.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng người dân tại nền kinh tế số một thế giới phải chi trả nhiều hơn cho việc mua sắm thực phẩm, thuốc men hay các nhu yếu phẩm khác. Ngay cả những chiếc sandwich hay pizza, vốn là thứ đồ ăn phổ biến và rẻ tiền tại Mỹ, giờ đây cũng tăng giá.

Nhìn chung, đa số người Mỹ đều bị ảnh hưởng bởi giá cả gia tăng, song nặng nề nhất là tầng lớp những người có hoàn cảnh khó khăn và thu nhập thấp. Kết quả khảo sát chi tiêu của người tiêu dùng do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, cứ 5 người Mỹ thì lại có một người phải chi trả tới 83% thu nhập của mình cho vấn đề nhà ở.

Đó là chưa kể họ còn phải chắt bóp hầu bao cho những vấn đề khác như đi lại, thực phẩm… Rebecca Nicholson, sinh sống tại vịnh Sturgeon, cho biết khi giá của mọi mặt hàng đều tăng, cô buộc phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn để sống qua ngày. Cô nói: “Có lúc tôi đã phải đưa ra quyết định đầy thách thức, đó là từ bỏ một số khoản chi tiêu rồi cố gắng bắt kịp sau một tháng. Mọi thứ đã thực sự rất khó khăn”.

Kết quả cuộc thăm dò do hãng Gallup được thực hiện cho thấy, đa số người dân Mỹ nói rằng mối quan tâm kinh tế lớn nhất của họ hiện nay là lạm phát gia tăng. Tương tự, theo kết quả khảo sát mà Harvard CAPS/Harris Poll thực hiện và công bố ngày 29-3 vừa qua, lạm phát là vấn đề mà cử tri Mỹ lo lắng nhất hiện nay. Trong đó, 76% người được hỏi cho biết đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi vấn đề lạm phát và 46% bày tỏ lo ngại rằng lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa. Còn với Nicholson, những thách thức lớn nhất đối với túi tiền của cô giờ đây là giá thực phẩm và xăng dầu.

Không những thế, lạm phát cao đang thúc đẩy nhiều người, bao gồm cả những người đã về hưu, quay trở lại thị trường lao động.

Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ người trên 55 tuổi đang làm việc hoặc tìm việc đã tăng từ 38,4% vào tháng 10 lên 38,9% vào tháng 3. Trong 6 tháng qua, hơn 480.000 trong độ tuổi này đã tham gia lực lượng lao động.

Thị trường việc làm tại Mỹ đã có sự thay đổi đối với người lao động ở mọi lứa tuổi trong 6 tháng qua, khi mức trung bình trong 3 tháng đối với cả thị trường tăng lên 2,5 triệu. Theo đó, tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động trên cả nước Mỹ là từ 61,7% trong tháng 10 lên 62,4% trong tháng 3.

Đối với hầu hết người dân Mỹ, lạm phát cao hơn so với mức lương được tăng thêm trong năm qua đã khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, ga và tiền thuê nhà. Do vậy, lạm phát đã trở thành mối đe dọa chính trị hàng đầu đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của quốc hội Mỹ đang đến gần.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét