Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

ĐỔI MỚI QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG GẮN VỚI ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 

    Ở Việt Nam, tài sản công được Hiến pháp ghi nhận và được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành. Theo đó, “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”(1). Tài sản công bao gồm: “Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác”.

    Tài sản công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia (theo ước tính của các chuyên gia, tổng giá trị tài sản công của mỗi quốc gia thông thường bằng 4 lần GDP của quốc gia đó). Đây là nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, nâng cao vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế. Thông lệ quốc tế cho thấy, khai thác tốt hơn một đồng từ tài sản công sẽ giúp giảm vay nợ, hạn chế đánh thuế một đồng tương ứng. Do vậy, quan điểm chỉ đạo và yêu cầu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phải quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, trong đó có tài sản công; “bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ…; các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(4) với mục tiêu “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. Tuy nhiên, quá trình quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, bởi: Bản chất tài sản công là sở hữu chung, vì là của chung nên thường nảy sinh quan niệm “không phải của mình”, “cha chung không ai khóc”; nếu không nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể được giao quyền quản lý, sử dụng, không hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, không gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ tất yếu nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, “biến của công thành của tư”, biến tài sản nhà nước thành tài sản của cá nhân hoặc của một nhóm người. Mặt khác, chủ thể của tài sản công là chủ thể đặc biệt - Nhà nước; Nhà nước vừa là chủ sở hữu hoặc đại diện sở hữu, vừa là chủ thể quản lý về các mặt hoạt động kinh tế - xã hội nên thường dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tạo kẽ hở trong quản lý, từ đó có thể dẫn đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của những người thực thi công vụ. Hơn nữa, trong chế độ sở hữu toàn dân đối với tài sản công có sự tách rời giữa chủ sở hữu với người thực thi các quyền năng của chủ sở hữu. Toàn dân là một tập hợp nhiều người, cũng có nghĩa là bất kỳ công dân Việt Nam nào, nhưng một cá nhân đơn lẻ không thể tự mình yêu cầu thực thi quyền sở hữu này với tư cách chủ sở hữu thành phần của sở hữu toàn dân, bởi việc thực thi đó có thể sẽ không đúng với ý chí của các thành viên còn lại. Chính vì vậy, tài sản thuộc sở hữu toàn dân phải do “Nhà nước đại diện và thống nhất quản lý”. Tuy nhiên, Nhà nước là một hệ thống tổ chức quyền lực với số lượng lớn đội ngũ cán bộ, công chức, nên người đại diện cao nhất (Nhà nước) phải tiếp tục trao quyền cho các cơ quan, tổ  chức, đơn vị và đối tượng khác quản lý, sử dụng tài sản công. Sự tách rời này làm phát sinh nguy cơ chủ sở hữu có thể không có điều kiện để thực thi hiệu quả quyền quản lý, sử dụng nhằm phát huy tối đa giá trị và bảo vệ tài sản khỏi các hành vi xâm phạm; người thực thi quyền năng của chủ sở hữu có thể hành động ngược với lợi ích của chủ sở hữu hoặc không phát huy hết vai trò, trách nhiệm, không tìm cách tối ưu hóa giá trị, dẫn đến tài sản bị lãng phí, thất thoát, thậm chí tham nhũng.

     Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua công tác quản lý, sử dụng tài sản công có nhiều đổi mới, từng bước đi vào nền nếp, kỷ luật kỷ cương được tăng cường, góp phần tích cực phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhất là, đã hình thành được hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tương đối đầy đủ, đồng bộ theo hướng xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của tập thể, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; thiết lập cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị gắn với chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình…; qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực” trong quản lý, sử dụng tài sản công. Việc đầu tư mua sắm tài sản theo tiêu chuẩn định mức, lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, từng bước triển khai thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung nhằm phòng, chống thất thoát, lãng phí; rà soát, sắp xếp, bố trí lại hệ thống trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; rà soát, kiểm kê, phân loại tài sản công là cơ sở hạ tầng để đánh giá chất lượng, xác định giá trị, thiết lập hồ sơ quản lý và phân cấp, bàn giao quản lý, vận hành, khai thác; việc triển khai thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công được nhân rộng tại các bộ, cơ quan ở Trung ương và các địa phương… Đã hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, gồm 4 loại tài sản công thuộc khu vực hành chính sự nghiệp và 02 loại tài sản là cơ sở hạ tầng, với tổng nguyên giá đang theo dõi đến 30/9/2021 là 6.060.497 tỷ đồng, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, khai thác, sử dụng theo hướng công khai, minh bạch, chặt chẽ và PCTN, tiêu cực hiệu quả. Cùng với đó, đã chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công. Từ năm 2017 đến 2020, ngành Thanh tra đã triển khai 27.505 cuộc thanh tra hành chính và 865.693 cuộc thanh tra chuyên ngành (trong đó có thanh tra về lĩnh vực tài sản công), phát hiện vi phạm về kinh tế 361,37 nghìn tỷ đồng, 80.472 ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 181 nghìn tỷ đồng, 7.675 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.744 tập thể và cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 401 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 896 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015).

     Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước và đẩy mạnh đấu tranh PCTN, tiêu cực hiện nay, việc đổi mới công tác quản lý, sử dụng tài sản công vẫn chưa đủ mạnh, chưa toàn diện, còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Hệ thống văn bản pháp luật về tài sản công chưa đầy đủ, đồng bộ, một số loại tài sản hoặc lĩnh vực còn thiếu văn bản điều chỉnh làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện; cơ chế phân cấp quản lý còn có điểm chưa hợp lý, dồn nhiều thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên, chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm; ở một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, không ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công để tổ chức thực hiện, dẫn đến không xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể đối với tài sản được giao quản lý; tiến độ sắp xếp, xử lý nhà đất, xe ô tô và kiểm kê, phân loại, giao quản lý các loại tài sản hạ tầng còn chậm; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa bao quát, tổng hợp đầy đủ các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra những vụ việc lãng phí, tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật, tham nhũng nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Thực tiễn công tác PCTN, tiêu cực nói chung và phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng thời gian qua cho thấy, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công phổ biến là: Sử dụng vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định, sử dụng không hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra; tham nhũng, tiêu cực chủ yếu là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô tài sản, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật về đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá, chuyển nhượng vốn góp, cố phần… Riêng lĩnh vực đất đai (chiếm tỷ trọng chủ yếu trong các loại tài sản công với gần 70%), các sai phạm chủ yếu là: Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá; xác định giá khởi điểm không đúng quy định; xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng phương pháp, không sát với giá thị trường; sử dụng đất sai mục đích; chậm đưa đất vào sử dụng đối với các dự án; đưa quyền sử dụng đất vào góp vốn thành lập doanh nghiệp nhưng không định giá quyền sử dụng đất.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét