Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022
Theo dấu chân Người !
Ngày 8-5-1959, trong chuyến đi thăm Khu tự trị Tây Bắc, Bác dừng lại ở Yên Châu (Sơn La). Trong bài nói với đồng bào các dân tộc, Bác đề cập nhiều việc phải làm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nói về tài nguyên rừng, Bác căn dặn: “…Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao, chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông... Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”.
Với cán bộ, Bác dặn dò: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân...” .
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm Nông trường Mộc Châu. Người trao tặng Nông trường Huân chương Lao động hạng Ba và tự tay gắn Huân chương lên lá quân kỳ Quyết thắng của đơn vị.
Ngày 8-5-1963, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá II, biết tin Quốc hội dự kiến tặng Bác tấm Huân chương Sao Vàng, Bác phát biểu: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội... Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét