Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022
TỪ CHIẾC ÁO LEN CỦA BÁC HỒ ĐẾN HUYỀN THOẠI ÁO TRẤN THỦ
Mùa đông năm 1946, khi những đợt gió lạnh đầu tiên tràn vào miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáng kiến phát động phong trào may áo rét cho chiến sĩ. Sau khi Chính phủ kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào ‘Mùa đông binh sĩ’, Ủy ban vận động ‘Mùa đông binh sĩ’ được thành lập ở Trung ương và các tỉnh.
Mở đầu cuộc vận động, chiều ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức buổi lễ ‘Mùa đông binh sĩ’. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã đích thân đến dự.
Ngay tại buổi lễ, Bác Hồ đã đem chiếc áo sợi duy nhất của mình để góp vào quỹ vận động ‘Mùa đông binh sĩ’. Đó là chiếc áo len màu be, cổ tròn mà người đã dùng khi bôn ba ở nước ngoài để hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước. Việc làm thiết thực và cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ kịp thời tới cán bộ chiến sĩ đồng thời mở ra một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi diễn ra trong toàn quốc.
Xúc động trước tình cảm yêu thương chiến sĩ của Bác, nhiều người dân Hà Nội lúc đó đều muốn mua chiếc áo để ủng hộ cách mạng và làm vật kỷ niệm. Trước nguyện vọng của quần chúng, Ủy ban vận động ‘Mùa đông binh sĩ’ Trung ương đã tổ chức đấu giá chiếc áo tại Nhà hát Lớn. Kết quả, ông Trương Văn Thìn, chủ một cửa hiệu bánh ngọt có tiếng ở Hà Nội, là người giành được quyền sở hữu chiếc áo với giá 3.500 đồng Đông Dương (tương đương với giá trị của 200 cây vàng lúc bấy giờ). Nhờ có số tiền này, Ủy ban vận động đã mua vải và may được rất nhiều tấm áo ấm tặng bộ đội.
Trong phong trào ‘Mùa đông binh sĩ’, Quân nhu Cục, tiền thân của ngành Quân nhu Tổng cục Hậu cần, cùng với các nhà may ở phố Hàng Trống đã nghiên cứu sản xuất ra chiếc áo Trấn thủ cho binh sĩ mặc mùa đông, vừa ấm áp lại thuận tiện khi hành quân và chiến đấu.
Kiểu áo Trấn thủ ra đời nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và được cán bộ, chiến sĩ Vệ Quốc đoàn rất ưa chuộng. Từ đó, phong trào toàn dân may áo Trấn thủ ủng hộ bộ đội diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và thực sự trở thành một cuộc vận động quần chúng rộng khắp mọi ngành, mọi nơi. Chỉ tính riêng những ngày cuối tháng 11/1946, nhân dân Thủ đô đã quyên góp được trên 30 vạn đồng Đông Dương và một số len, bông đủ làm trên 50.000 lõi bông và vỏ áo Trấn thủ. Nhiều liên đoàn thợ may của thành phố đã xung phong đảm nhận may hàng vạn bộ áo trấn thủ không lấy tiền.
Với lòng thương yêu vô hạn đối với các chiến sĩ đang phải chịu đói rét để chiến đấu, ngày 25/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương ‘Mùa đông binh sĩ’ với nội dung: “…Ủy ban Trung ương Mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc quần áo, hoặc công may. Nhưng tôi không biết may, không có vải mà do chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên góp một tháng lương là 1.000 đồng nhờ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc áo chiến sĩ gọi là chút lòng thành…”.
Tiếp đó, Người cũng kêu gọi đồng bào ra sức giúp đỡ để chiến sĩ có áo ấm mặc nhằm có sức diệt thù. Nhờ sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ, với sự tham gia giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân, mùa đông năm 1947, ngành Quân nhu quân đội ta đã nhận được rất nhiều áo trấn thủ của các tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Hình ảnh người chiến sĩ Vệ Quốc đoàn mặc áo Trấn thủ, đội mũ ca lô, đi dép cao su và chiếc ruột tượng đeo bên mình đã trở thành một hình ảnh đẹp, biểu tượng văn hóa trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Hình ảnh này đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ nói lên tình cảm tin yêu, quý trọng của nhân dân.
Ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cùng với phong trào ‘Mùa đông binh sĩ’, Ban vận động sáng tác Trung ương đã tổ chức cuộc vận động các văn, nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm thơ, ca, hội họa cổ động cho phong trào này. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều tác phẩm âm nhạc, văn thơ, hội họa đã tái hiện những hình ảnh lịch sử của đất nước thông qua cuộc vận động ‘Mùa đông binh sĩ’.
Chúng ta có thể tìm đọc được những vần thơ đầy cảm xúc bắt nguồn từ áo Trấn thủ như sau:
Em ơi em ngủ say rồi
Ngọn đèn chị thắp, chị ngồi chị may
Cho xong áo Trấn thủ này
Gửi người chiến sĩ kịp ngày mùa đông
Để cho chiến sĩ ấm lòng
Vững tay cầm súng, ra công diệt thù.
Nhiều câu chuyện cảm động về những em nhỏ hậu phương đã góp những đồng tiền bỏ ống tiết kiệm để ủng hộ may áo cho chiến sĩ, còn các mẹ, các chị thì thức khuya, dậy sớm may áo vì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Nữ thi sĩ Vân Đài đã sáng tác bài thơ ‘Áo Trấn thủ’ để nói lên những tình cảm đó:
Gió rét căm căm xuôi hướng Bắc
Nghĩ người chiến sĩ dưới heo may
Chắt chiu tiền ống em mua vải
Bông bện dày thêm áo lót dày
Em gửi áo này ra mặt trận
Hỏi người mặc áo có biết chăng
Đêm nay gió lạnh căn nhà trống
Giá buốt nhưng em chẳng lạnh lùng.
Với tấm lòng yêu thương dành cho người con, nhiều người mẹ khi may áo đã thêu lên thân áo những câu thơ bày tỏ tình cảm của mình:
Trấn thủ mẹ đã may xong
Gửi con, con mặc, mùa đông tới rồi
Con ơi mặc áo nhớ lời
Giết cho hết giặc đời đời tự do.
Nhiều người chị, người bạn gái đã gửi tình cảm qua đường kim, mũi chỉ lên chiếc áo Trấn thủ gửi cho người yêu ngoài mặt trận:
…Đông về nhớ bạn tòng chinh
Tự tay đan áo tỏ tình mến yêu
Áo ơi bầu bạn sớm chiều
Khuyên người chiến sỹ lập nhiều chiến công.
Qua những vần thơ, lời ca gắn với phong trào ‘Mùa đông binh sĩ’ và chiếc áo Trấn thủ, có thể thấy rằng toàn thể dân tộc đều chung sức, đồng lòng, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giành tất cho kháng chiến. Không chỉ đơn thuần là trang phục quân đội thông thường, chiếc áo Trấn thủ đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét