Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN THANH TUẤN: LÝ GIẢI LỊCH SỬ LÀ MÔN TỰ CHỌN RẤT THIẾU TÍNH KHOA HỌC!

         Trước ý kiến xung quanh Lịch sử là môn học tự chọn ở cấp Trung học phổ thông, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng quyết sách này thiếu tính khoa học.
Theo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp Trung học phổ thông.

Theo chương trình mới sẽ bắt đầu áp dụng với khối lớp 10, các em chỉ cần học 7 môn bắt buộc, nhiều môn học bắt buộc hiện nay sẽ trở thành môn tự chọn.

Trong đó, việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đang thu hút nhiều luồng ý kiến.

Bàn luận về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thưa Trung tướng gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra lý giải về cách thiết kế chương trình, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Trung tướng có thể chia sẻ quan điểm của mình về lý giải trên không?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Tôi cho rằng lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo thiếu tính thuyết

phục và chưa thực sự khoa học. Đứng trên góc độ tâm lý cũng như sự phát triển trí tuệ, học sinh lớp 9 mới 15 tuổi, cái tuổi như ông bà ta nói “ ăn chưa no, lo chưa tới “ liệu đã hiểu được đầy đủ kiến thức của chương trình học chưa mà bảo đã biết cơ bản, đầy đủ lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, lịch sử thế giới .

Ngay trong thế kỷ XX thôi các cháu ở độ tuổi đó khi mà mức sống bây giờ khác xa so với ngày xưa, liệu các cháu có thể hình dung được các thế hệ trước sống dưới ách xâm lược của thực dân, đế quốc nghèo khó, đói kém, mù chữ như thế nào?

Hay cha ông các cháu đã chiến đấu như thế nào để giành được độc lập. Chính vì thế, học sinh cần thời gian để học tập, trau dồi những kiến thức đó.

Học Lịch sử để biết rằng dân tộc ta đã phải dựng nước, giữ nước như thế nào ? Đã đánh bại các thế lực hùng mạnh xâm lược ra sao? Học để hiểu trước Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã sống như thế nào, nhân dân mù chữ, nghèo đói, cơ cực, lầm than …

Không học Lịch sử đồng nghĩa với việc học sinh không hiểu được công lao của những thế hệ đi trước.

Trong khi chúng ta luôn đề cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Trung Quốc xác định Lịch sử là một trong ba môn học quan trọng nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng xác định Lịch sử là một trong ba môn bắt buộc học ở tất cả các cấp…), và đặc biệt nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa với quan điểm dạy chữ là dạy người, giáo dục là nền tảng để đào tạo ra những con người mới, những con người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức và có năng lực hoạt động, vừa góp phần xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" thì càng phải quan tâm đặc biệt đến môn Lịch sử.

Tôi biết, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã từng đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn mà hậu quả là rất ít công dân Hàn Quốc, Nhật Bản hiểu biết về lịch sử của mình và đã nảy sinh những hệ lụy khôn lường.

Đứng trước tình hình đó, họ đã sửa sai và đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc.

Bậc Tiểu học hướng đến việc vừa học, vừa chơi. Trung học cơ sở với khoảng thời gian 4 năm, lại tích hợp hai môn Lịch sử và Địa lý làm một, thử hỏi các em sẽ có kiến thức như thế nào mà bảo đã có hiểu biết lịch sử, không ai dám nói như Bộ nói !!!

Theo Trung tướng việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông sẽ có ảnh hưởng gì?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Tôi cho rằng khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông, chỉ có những em yêu sử mới chọn môn này. Tôi còn nhớ tại thành phố Đà Nẵng đã có năm Hội đồng thi phổ thông trung học chỉ có một thí sinh dự thi môn Lịch sử.

Khi không nhiều người học Lịch sử, thì liệu còn bao nhiêu người thi vào sư phạm ngành này và tất yếu sẽ không có thầy dạy sử có tâm, yêu nghề.

Liệu giáo viên dạy Lịch sử có còn được trân trọng, tôi cho rằng chính chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không còn tôn trọng các thầy cô dạy Lịch sử.

Trong khi thầy cô dạy Lịch sử là những người truyền giảng lòng yêu Tổ quốc cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Lấy một ví dụ đơn giản ngay trong một gia đình mà người lớn không giáo dục cho con, cháu biết cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên thì những đứa trẻ đó sẽ không thể trở thành một con người đầy đủ nhân cách, trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, rộng ra cả quốc gia cũng vậy .

Thì việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn sẽ khiến học sinh mù mờ, không hiểu về Lịch sử dân tộc.

Bỏ một năm đã quên rồi, trong khi 3, 4 năm như thế thì làm sao các em có một tâm thế khi bước vào đời để có trách nhiệm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Trước kia khi tham gia chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tôi ở miền Nam dưới chế độ Mỹ - Ngụy, tham gia Cách mạng từ năm 13 tuổi.

Chính những bài học về lòng yêu nước của cha anh đã hun đúc tinh thần yêu nước trong tôi.

Đến giờ, tôi vẫn thường kể những câu chuyện về khoảng thời gian chiến đấu của mình cho con, cháu nghe.

Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) là một mốc son chói lọi trong trang sử Việt Nam nhưng khi Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông, tôi không biết liệu thế hệ học sinh sau này có hiểu được ý nghĩa lịch sử của ngày này không và rất nhiều sự kiện khác nữa như: Ngày Chiến thắng Điện Biên phủ ( 7/5/1954 ), ngày Thương binh, liệt sĩ ( 27/7 ), Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, …

Thưa Trung tướng, có quan điểm cho rằng lý do học sinh không yêu thích môn Lịch sử do sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy, ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về quan điểm trên?

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: Đây cũng là vấn đề mà tôi rất trăn trở, theo tôi nếu muốn học sinh yêu thích môn Lịch sử, chúng ta cần phải thực sự đổi mới nội dung, phương pháp dạy lịch sử, không phải đi theo bố cục từng ngày, từng tháng, từng năm mà nên hướng đến việc các em nắm được sự kiện và ý nghĩa lịch sử.

Tức là để cho học sinh hiểu được sự kiện và ý nghĩa của sự kiện đó. Càng học lên cao, các em càng phải hiểu được đầy đủ ý nghĩa. Còn ở các cấp học dưới, các em biết được sự kiện, hiểu được một cách căn bản.

Ví dụ chỉ cần nêu tóm tắt quân ta đánh quân Tống, quân Nam Hán, rồi đánh quân Thanh, quân Nguyên lúc nào, trận nào có ý nghĩa quyết định, ...

Với sách giáo khoa và phương pháp dạy như hiện nay, chúng ta gần như đi vào biên niên sự kiện, ngày, tháng, năm, ai chỉ huy, đánh thế nào làm học sinh không thể nhớ được. Khi không thể nhớ được thì học sinh sẽ ngại và chán học sử .

Ngoài ra, trong thời đại 4.0, cần bổ sung những nội dung, hình ảnh sinh động vào sách giáo khoa để tăng hứng thú của học sinh.

Về phương pháp dạy, trước tiên thầy cô giáo phải là những người thực sự yêu lịch sử. Tôi thường hay nói người làm công tác tuyên huấn là đi truyền lửa cho người khác thì chính họ phải là người có lửa, thầy dạy Lịch sử cũng vậy phải là người yêu sử, phải có lửa yêu nước thì mới truyền lửa cho thế hệ tương lai.

Với cách làm như hiện nay môn Lịch sử không được coi trọng, điều này đã buộc thầy cô chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức chứ không phải là tình yêu lịch sử.

Do đó theo tôi chúng ta cần có chính sách với giáo viên dạy môn Lịch sử, phải làm cho học sinh yêu Lịch sử thì mới say sưa với Lịch sử.

Môn Lịch sử phải trở thành môn bắt buộc và ngang hàng với các môn Toán, Ngữ văn để giáo viên cảm thấy mình có giá trị.

Một khi học sinh, phụ huynh cho đây là môn phụ, học cũng được, không học cũng xong thì cũng sẽ không trọng thầy. Mà đã là người dạy môn phụ rồi thì giáo viên không thể nào dạy Lịch sử có chất lượng được.

Từ đó tôi cho rằng muốn học sinh yêu môn Lịch sử thì phải có người dạy tốt, muốn dạy tốt phải có nội dung, phương pháp phù hợp, giáo viên phải được học sinh và phụ huynh tôn trọng thì mới đồng bộ, mới thực sự làm cho việc giáo dục lịch sử có hiệu quả góp phần quan trọng hình thành nhân cách của thế hệ quyết định tương lai của đất nước.
Trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét