Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Việt Nam - điểm đến và điển hình chưa có trong tiền lệ

 

Có thể thấy, với những thành quả cách mạng to lớn và khẳng định rõ tính ưu việt của chế độ XHCN, Việt Nam luôn là “điểm đến của hòa bình”, là quốc gia tổ chức nhiều sự kiện quốc tế, khu vực nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề của toàn nhân loại, hoặc các mục tiêu thiên niên kỷ. Tiêu biểu như: Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017; Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018); Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên năm 2019... Điều đó cho thấy, Việt Nam không chỉ có đủ năng lực, điều kiện tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế; mà quan trọng hơn là khẳng định được sự tin cậy cao của các nước dành cho Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2014, việc Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta cả trong đối ngoại và hợp tác quốc tế, phù hợp với khát vọng và truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, thể hiện trách nhiệm với thế giới trong giải quyết những vấn đề nóng bỏng, phức tạp, vì nền hòa bình của toàn nhân loại.

Từ thành quả cách mạng Việt Nam khi đi theo con đường CNXH, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động bắt tay, hợp tác trên nhiều phương diện với Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Đáng nói hơn là uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được nâng cao trên trường quốc tế. Khi các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thực hiện các chuyến công du, thăm ngoại giao đến các nước, kể cả những cường quốc trên thế giới, luôn nhận được sự tiếp đón trọng thị, nồng nhiệt, cởi mở của các nhà lãnh đạo cao nhất. Đặc biệt, lãnh đạo các đảng phái trên thế giới (dù khác nhau về chế độ, thể chế) nhưng đã chủ động bắt tay hợp tác, ký kết nhiều nội dung phối hợp trên nhiều lĩnh vực. Những năm gần đây, bạn bè quốc tế, các tổ chức lớn trên thế giới, cùng nhiều quốc gia phát triển mời Việt Nam tham dự nhiều Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển trên thế giới; dự các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cử đại biểu dự nhiều hội thảo khoa học, hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo giữa các đảng cộng sản, hoặc giữa các chính đảng với nhau.

Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, hầu hết các quốc gia, các đảng phái trên thế giới đều ghi nhận, tôn trọng sự lựa chọn con đường tiến lên CNXH của Việt Nam; ghi nhận những nỗ lực xây dựng, phát triển chế độ, xem đó là điển hình chưa có trong tiền lệ, tạo niềm tin cho bạn bè quốc tế về sự lựa chọn mô hình XHCN về mục đích mà chúng ta đang tiến đến đó là nhân văn, nhân ái, hòa bình, về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hòa hiếu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét