Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, bao
gồm nhiều nội dung về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, phương
thức lãnh đạo trong điều kiện Đảng cầm quyền. Điều đặc biệt, trong thời kỳ đổi
mới, nhất là kể từ Đại hội XI (2011) đến Đại hội XIII của Đảng (2021), liên
tiếp ba khóa, Hội nghị Trung ương 4 đã tập trung bàn về một số vấn đề cấp bách
về xây dựng Đảng. Điều này phản ánh quyết tâm chính trị, tầm chiến lược của
Đảng, khẳng định ý nghĩa sống còn mang tính toàn diện, trọng tâm và sâu sắc
trong xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và phát
triển đất nước.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là lý
luận khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều đảng, nhiều quốc gia. Trên thế
giới, không có nước nào là không có đảng hoặc tổ chức chính trị tương tự lãnh
đạo. Dù một đảng hay đa đảng đều rất chú ý về xây dựng tổ chức, củng cố lực
lượng và định hướng phát triển. Lịch sử đã để lại bài học thấm thía cho những
người cộng sản về sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1991, khi đó có
khoảng 21 triệu đảng viên nhưng “Đảng đông mà không mạnh”, bởi sự suy thoái,
biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và một số lãnh đạo cao cấp của Đảng
mắc sai lầm về đường lối, sa vào chủ nghĩa cá nhân, rơi vào chủ nghĩa xét lại.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, ở những nước có nhiều đảng, mặc dù đều có
những liên minh lỏng lẻo, ý thức hệ linh hoạt, tập trung chủ yếu vào những định
hướng thực dụng trong quá trình tranh cử cầm quyền, nhưng mỗi đảng đều chú
trọng phát triển cơ cấu lực lượng đảng viên để tạo ảnh hưởng và gia tăng sự ủng
hộ của dân chúng.
Trách nhiệm chính trị đặt ra cho Đảng ta
và hệ thống chính trị ngày càng to lớn, nặng nề, nhiều thách thức, đòi hỏi Đảng
phải nâng tầm lãnh đạo hơn nữa, nâng cao hơn nữa năng lực cầm quyền và sức
chiến đấu. Đại hội XIII của Đảng xác định thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã
hội số, mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đến năm 2030 đạt
khoảng 30% GDP, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới về Chính phủ điện
tử, kinh tế số, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung
bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; khơi
dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người
Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền
vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện được khát
vọng Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc cần tiếp tục đổi mới toàn diện
đất nước ở tầm cao mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với
phát triển kinh tế tri thức. Các vấn đề về phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng văn hóa và con người, nâng cao đời sống nhân
dân, bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia,… và bốn nguy cơ là thách thức đặt ra
đòi hỏi Đảng và hệ thống chính trị phải giải đáp và giải quyết về lý luận và
thực tiễn hiện nay.
Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có
những diễn biến phức tạp, khó lường, mau lẹ, do có sự tranh chấp giữa các nước
lớn, các cuộc chiến tranh và xung đột; những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí
hậu, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái tài chính, khủng hoảng nợ công,
thế lực cực đoan,… chưa được giải quyết mà ngày càng biểu hiện rõ ràng với
nhiều sắc thái mới. Điều đó tác động nghiêm trọng đối với Việt Nam, trong đó có
ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, lý tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong nước có sự gia tăng những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những phần tử “trở cờ”, “ngụy khoa học”
bày tỏ ý kiến trái với đường lối và chính sách. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn
Đảng đã đạt được những thành tựu lớn, song vẫn còn hạn chế trong việc để “lọt”
những cán bộ thoái hóa, biến chất; việc khắc phục hậu quả tham nhũng, tiêu cực
chưa đạt mong muốn, gây băn khoăn, lo lắng trong xã hội và ảnh hưởng đến niềm
tin của nhân dân. Đây là thách thức và cảnh báo thường trực đối với Đảng ta
hiện nay.
Sự chống phá ngày càng quyết liệt, điên
cuồng, tinh vi của các thế lực thù địch với những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu
xuyên tạc nhằm xóa bỏ chế độ XHCN, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, họ
không ngừng sử dụng đa dạng các loại hình chiến lược, chiến dịch, quy mô, trong
đó tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, có yếu tố dân tộc và tôn
giáo, kích động vấn đề dân chủ và nhân quyền, thâm nhập hoạt động tư tưởng -
văn hóa, sử dụng các đối tượng “chống cộng”, tổ chức phi chính phủ, những phần
tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thế hệ trẻ Việt Nam; đầu tư có bài bản,
có kế hoạch, có tổ chức lực lượng và chiến lược lâu dài hòng phá ta từ bên
ngoài và nội bộ bên trong nhằm phá rã niềm tin của nhân dân và cán bộ, gieo rắc
hoài nghi, phủ nhận thành tựu, bôi đen hiện thực... từ đó đòi đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập; trên không gian mạng, các phần tử chống phá không ngừng
tung ra bài viết, video bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo về một số lãnh đạo Đảng và
Nhà nước, đưa ra những thông tin kéo bè kết cánh, đấu đá chính trị nhằm chia rẽ
nội bộ, gây nhiễu loạn, phân tâm trong nội bộ và nhân dân.... Điều này càng đặt
ra công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện phải được
tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm trọng điểm, phải “đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn...”. Đây là bài học
lớn, được đúc rút trong suốt quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng
ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét