Tư tưởng của Lênin về giải quyết mối
quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nguồn gốc từ quy luật cách mạng XHCN
được C.Mác và Ph.Ăngghen đúc kết từ thực tiễn cách mạng vô sản trên thế giới.
Tuy nhiên, ở thời hai ông, hiện thực cách mạng chưa sinh động, nên mối quan hệ
này chưa được luận giải cụ thể. Đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin vừa trực tiếp lãnh đạo
Đảng Bônsêvíc, giai cấp công nhân, nông dân, binh sĩ Nga đấu tranh giành chính
quyền, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, tiến hành công cuộc xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Nga xô-viết trong thế bao vây, phá hoại, tiến công về
mọi mặt của chủ nghĩa tư bản, đế quốc, các thế lực phản động, cơ hội, xét lại
trong nước và quốc tế, vừa xây dựng, hoàn thiện Học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Trong học thuyết này, vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc chiếm một vị trí rất quan trọng. Nó làm rõ, khẳng định vai trò của các yếu
tố cấu thành Tổ quốc, xác lập các nguyên tắc, phương thức giải quyết mối quan
hệ giữa chúng trong tổng thể các nhiệm vụ của cách mạng XNCH ở thời đại mới.
Ở thời kỳ cách mạng sôi động, chuẩn bị
đặt nền móng cho nhà nước XHCN ra đời, trong tâm thức của những người XHCN,
giai cấp công nhân, nông dân, binh sĩ Nga đã ghi nhớ định nghĩa nổi tiếng của
Lênin: “Tổ quốc, nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa và xã hội, là nhân tố
mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản”. Sau Cách mạng Tháng
Mười Nga, ai nấy đều khắc sâu câu nói của Người: “Kể từ ngày 25 tháng Mười
1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành
“bảo vệ Tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là
cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với
tính cách là Tổ quốc”…
Là khởi nguồn cho nhận thức về Tổ quốc
XHCN, giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng tính
chất vĩ đại của những tư tưởng trên là chỉ ra tính chỉnh thể, thống
nhất không tách rời giữa các yếu tố cấu thành phương diện lịch sử - tự nhiên và
chính trị - xã hội hợp thành Tổ quốc nói chung, Tổ quốc XHCN nói riêng; chỉ ra
bản chất của Tổ quốc XHCN là chế độ XHCN - cái mà như Lênin đã khẳng định “là
nhân tố mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản”; đập tan những
luận điệu hô hào “bảo vệ Tổ quốc” chung chung của bọn cơ hội chủ nghĩa trong
Quốc tế II khi kêu gọi công nhân tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất; hướng
giai cấp vô sản Nga và thế giới tập trung vào bảo vệ chế độ XHCN ở nước Nga.
Việc xác lập nên tư tưởng đó đã không
chỉ giúp các chủ thể của Nhà nước Nga xô-viết, sau là Liên Xô và các nước XHCN
trong thế kỷ XX biết cách giải quyết một cách hợp lý các nhiệm vụ của mình, góp
phần xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng ở những giai đoạn cam go
nhất của lịch sử. Họ đã biết đấu tranh giành chính quyền, thiết lập, củng cố,
xây dựng chính quyền nhà nước, đi liền với đấu tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc…
Tuy nhiên, lịch sử của chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã trải qua những bước
thăng trầm, quanh co, nhiều nhà nước, Tổ quốc XHCN đã không còn tồn tại. Một
trong những nguyên nhân căn bản, sâu sa của nó là xuất phát từ yếu tố chủ quan
- chủ thể lãnh đạo, quản lý và làm chủ đó là chưa tuân thủ đúng những điều chỉ
dẫn của Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thiếu
sự chăm lo đối với việc xây dựng đất nước giàu mạnh với gia tăng củng cố quốc
phòng, bảo vệ vững chắc chế độ XHCN, mà vấn đề trung tâm là bảo vệ sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội.
Sự đứng vững và phát triển ngày lớn mạnh
của các nước XHCN còn lại trong thời gian vừa qua, một phần đều nhờ vào sự tuân
thủ những chỉ dẫn của Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Trên con đường giành được những thành tựu ở đầu thế kỷ XXI, các nước
này cũng đang luôn khắc sâu những di huấn của Lênin. Bởi chính Tổ quốc XHCN của
họ không chỉ là đối tượng, mục tiêu phải tiêu diệt của chủ nghĩa đế quốc, các
thế lực thù địch, mà còn có nguyên nhân đến từ những sai lầm, khuyết điểm bên
trong về nhận thức và giải quyết giữa nhiệm vụ xây dựng với bảo vệ Tổ quốc.
Sức sống mãnh liệt của
chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư tưởng của Lênin về giải quyết mối quan hệ
giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói riêng, chính là ở việc các quốc gia - dân
tộc XHCN ngày nay phải thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc tế vô sản của mình, biết
tạm gác lại những lợi ích nhất thời, bảo vệ chủ nghĩa quốc tế vô sản chân
chính, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, góp phần vì những mục tiêu
chung của CNXH, chủ nghĩa cộng sản trên thế giới như Lênin đã vạch ra từ đầu
thế kỷ XX./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét