Bức ảnh "Bác Hồ cầm ống
nói" từ lâu đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của Bộ đội Thông tin
liên lạc.
Tôi biết tác phẩm đặc biệt này do
nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp, nhưng sự ra đời của tác phẩm ấy ra sao
thì chưa biết. Cho đến một hôm, trong một cuộc thi ảnh nghệ thuật tại Nha
Trang, tôi được gặp và tranh thủ hỏi anh về tác phẩm này. Anh Định vui vẻ nhận
lời, nhưng hiện anh đang rất bận công việc trong Ban Giám khảo và hẹn sẽ trao đổi
với tôi vào một dịp khác.
Sau khi cuộc thi ảnh nghệ thuật kết thúc, anh Định về Hà Nội ngay, tôi không kịp gặp lại và cứ nghĩ mình đã bỏ lỡ mất cơ hội để nói chuyện với anh về bức ảnh. May thay, chỉ sau ít ngày anh Định đã gửi vào Nha Trang cho tôi một bức thư kèm theo hai bức ảnh quý về Bác Hồ, trong đó có bức ảnh "Bác Hồ cầm ống nói" với những lời giải thích rất đầy đủ, rõ ràng. Thật mừng hết chỗ nói! Tôi vô cùng cảm ơn anh.
Trong thư, anh Định đã cho
tôi biết xuất xứ của bức ảnh. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ,
Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ sơ tán khỏi Thủ đô, lần lượt qua nhiều
nơi, rồi cuối cùng về căn cứ địa Việt Bắc. Nơi ở và làm việc thường được bố trí
kín đáo trong rừng sâu, núi hiểm. Vật liệu xây dựng chủ yếu bằng tranh, tre,
nứa, lá rất đơn sơ giản dị. Nơi Bác ở và làm việc cũng vậy; đó là một ngôi nhà
sàn rộng chừng 6m2, tầng 2 là nơi Bác nghỉ, tầng trệt là nơi Bác làm
việc. Nói cho đúng, đây là một cái lán nhỏ dựa vào vách núi, dưới tán rừng rậm
rạp. Mặt trước lán nhìn ra cánh đồng rất thoáng đãng. Xa xa là Đình Hồng Thái
và cây đa Tân Trào lịch sử. Mùa lúa chín, hương lúa từ cánh đồng bay vào thơm
ngào ngạt và dịu mát. Bàn làm việc của Bác cũng được ghép bằng tre. Trên bàn,
ngoài một ít sổ sách, hộp đựng công văn, giấy tờ, bút mực..., trang bị đáng giá
nhất là chiếc máy điện thoại để bàn. Chiếc máy cũ kỹ ta thu được của Pháp từ
trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại đồn Tam Đảo. Nó đã theo Bác về Thủ đô
sau ngày ta giành được chính quyền và lúc này lại có mặt tại đây để phục vụ Bác
làm việc và quan hệ với một số nơi thật cần thiết thuộc Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Khi ấy, trang thiết bị thông tin liên
lạc của ta còn đang rất khan hiếm.
Anh Định đã kể: Tôi còn nhớ, khi
anh em Thông tin đến kéo dây và đặt máy điện thoại cho Bác, Bác đã ân cần nhắc:
"Không được để lộ đường dây vào nhà. Công việc dù nhỏ hay lớn, giữ được
bí mật là đã thắng lợi được một nửa!". Công việc xong xuôi, Bác
mời anh em vào nhà uống nước, tặng cho mỗi người một điếu thuốc lá thơm. Nghe
tín hiệu các nơi gọi về rõ ràng, trong trẻo, Bác khen anh em làm tốt, gửi lời
thăm và cảm ơn đơn vị. Anh Định còn cho biết, chiếc máy điện thoại này đã phục
vụ rất tốt cho Bác suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và mãi sau này khi Bác trở
về Hà Nội. Bức ảnh "Bác Hồ cầm ống nói" là do anh đã chụp vào
tháng 10 năm 1949 tại chính nơi làm việc của Bác, giữa lúc quân và dân ta đang
ráo riết chuẩn bị bước vào giai đoạn mới của cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, giai đoạn phản công giành lại thế chủ động trên chiến trường mà mở đầu là
chiến dịch Biên Giới lịch sử. Anh Định nói: Hôm ấy, tôi nhận được lệnh vào Phủ
Chủ tịch để chụp ảnh cho Bác. Thấy tôi, Bác mỉm cười trìu mến. Bác ngồi ung
dung bên bàn làm việc, từ trang phục đến mọi thứ trên bàn không khác gì mọi
ngày. Trước mặt tôi, vị lãnh tụ kính yêu, vị Cha già dân tộc thật vô cùng giản
dị và gần gũi. Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, phục vụ trong Phủ Chủ tịch, đã nhiều
lần được chụp ảnh Bác, tôi luôn nhận thức được tầm quan trọng của từng bức ảnh
và bao giờ cũng làm với một tinh thần trách nhiệm rất cao. Vậy mà lần này, tôi
thấy có một cảm giác rất lạ, rất khó tả. Tôi vừa mở máy vừa suy nghĩ là sẽ phải
chụp Bác ở một góc độ và một tư thế như thế nào đây; thời cơ nào sẽ là thích
hợp nhất. Ống kính của tôi luôn hướng vào Bác và chờ đợi. Bỗng Bác quay máy
điện thoại, nhấc ống nói và làm việc với đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của
Đảng để trao đổi công việc, Bác hỏi rất kỹ về tình hình chiến sự, tình hình bộ
đội ngoài mặt trận. Tôi vô cùng phấn khởi, tai nghe lời Bác nói còn tay thì bấm
máy lúc nào không biết và cũng không biết rằng mình đã bấm máy mấy lần. Xong
công việc, tôi xin phép Bác ra về. Tôi đã tráng phim và rửa ảnh ngay. Ngày hôm
sau tôi mang ảnh vào báo cáo Bác. Xem ảnh xong, Bác gật đầu khen ảnh đẹp.
Bức ảnh này đã được công bố lần
đầu tiên vào năm 1953 trên báo Nhân Dân. Ảnh đã được nhiều người khen là có góc
chụp đẹp, hình ảnh rất trung thực, phản ánh đúng vẻ mặt của một vị lãnh tụ rất
giản dị, tự tin, bình thản khi trao đổi công việc qua máy điện thoại. Đặc biệt
là anh em Bộ đội Thông tin và Bưu điện, coi bức ảnh như một báu vật, coi đây là
một hình ảnh đặc biệt phản ánh rõ bản chất phục vụ của thông tin liên lạc trong
công cuộc cách mạng của dân tộc. Anh Định còn cho biết: Được tin anh chị em
ngành thông tin dân sự cũng như quân sự đánh giá rất cao và coi bức ảnh là một
hình ảnh truyền thống của mình, anh vô cùng cảm động và phấn khởi.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ
thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam được ký kết, hòa bình được lập lại ở
miền Bắc nước ta, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và Chính phủ về lại Thủ đô Hà Nội
làm việc. Thời gian này, được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em,
ngành thông tin đã có thêm nhiều loại máy hiện đại, nhưng trên bàn làm việc Bác
vẫn luôn giữ chiếc máy điện thoại đã từng gắn bó với Người trong suốt cuộc
kháng chiến trường kỳ ở Chiến khu Việt Bắc. Chiếc máy đã như một người bạn thân
thiết và tận tụy phục vụ Bác trong hai cuộc kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ
và nó đã ở bên cạnh Bác cho đến khi Người về với các bậc tiền bối ở cõi vĩnh
hằng.
Ngày nay, bức ảnh "Bác Hồ
cầm ống nói" được coi là bức ảnh truyền thống của Bộ đội Thông tin
liên lạc. Bức ảnh luôn là một hình ảnh quý giá nhất và được đặt ở những nơi
trang trọng nhất của các cơ quan, đơn vị Bộ đội Thông tin liên lạc. Mỗi khi
nhìn vào bức ảnh, mỗi cán bộ và chiến sĩ Bộ đội Thông tin liên lạc lại tự hào
về truyền thống vẻ vang của mình đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của toàn
dân tộc. Và, cũng mỗi khi nhìn vào bức ảnh chúng ta lại nhớ tới lời dạy của
Người: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì
chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do
đó bảo đảm thắng lợi".
Cuối bài viết này, tôi muốn bày
tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã cho tôi và các
đồng đội của tôi trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Thông tin liên lạc hiểu rõ được
nguồn gốc ra đời của bức ảnh mà lâu nay chúng tôi đã coi là báu vật của ngành
mình.
VTT (St của tác giả: NGUYỄN ĐÔNG Nguyên cán bộ Trường Sĩ quan Thông tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét