Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

KHÔNG THỂ CHIA RẼ, ĐOÀN KẾT GIỮA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

 


Trong thực hiện “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc để lôi kéo, kích động đồng bào chống phá Đảng và Nhà nước ta là một chiêu trò nguy hiểm mà các thế lực thù địch, thường xuyên tiến hành. Mặc dù đã thất bại trong mưu đồ dựng lên cái gọi là”nhà nước Đề-ga” ở Tây Nguyên, “vương quốc Mông” ở Tây Bắc… nhưng âm mưu, thủ đoạn ấy các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ.

Những năm gần đây, thông qua internet, mạng xã hội các thế lực thù địch gia tăng bóp méo, thông tin sai lệch về đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tuyên truyền xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Lợi dụng việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam áp dụng các biện pháp xử lý đối với những phần tử là người dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật trong các vụ việc gây rối trật tự an ninh - an toàn xã hội tại một địa phương, các thế lực thù địch xuyên tạc, vu cáo rằng: “Ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc không được bảo đảm”; “các lực lượng an ninh Việt Nam trấn áp đồng bào dân tộc…”. Sự xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch dù có lươn lẹo, tinh vi đến đâu đi chăng nữa cũng không phủ nhận được thực tế. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em. Hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống ở địa bàn miền núi, biên giới nơi có vị trí chiến lược cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, chính sách dân tộc rất đúng đắn và rõ ràng: Đó là, muốn có bình đẳng dân tộc thì phải giành và giữ cho được độc lập dân tộc; quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc chỉ được xây dựng, thực hiện trên nền tảng độc lập dân tộc. Sau giải phóng, đặc biệt trong những năm đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới ưu tiên cao nhất là thực hiện quyền phát triển của các dân tộc. Với những điều kiện thuận lợi mới, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện trên nhiều mặt, mọi người đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không phải ngẫu nhiên mà bà Gay McDougall - chuyên gia độc lập về các vấn đề dân tộc thiểu số của Liên hợp quốc, đã đánh giá cao việc Việt Nam coi cộng đồng các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam. Qua khảo sát thực tế, bà Gay McDougall hoan nghênh quyết tâm chính trị, các chính sách, biện pháp và chương trình của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực, nhất là những nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số với miền xuôi. Cùng với tôn giáo, dân tộc luôn là vấn đề mà các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Việt Nam. Đối với địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa vấn đề dân tộc thường gắn với vấn đề tôn giáo vì mặt bằng dân trí, trình độ nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là vùng đồng bào thiểu số còn nhiều hạn chế. Các thế lực thù địch thường lợi dụng sự hạn chế về hiểu biết của bà con để tuyên truyền xuyên tạc, kích động. Trên địa bàn có đông người Mông sinh sống, chúng lấy lý do “Người Mông không có Tổ quốc” xúi giục, lôi kéo người Mông di cư, có lúc ồ ạt trong nội bộ các tỉnh biên giới, đi Tây Nguyên, sang Lào, làm cho tình hình an ninh chính trị trên địa bàn có lúc diễn biến phức tạp. Một số người nhẹ dạ, cả tin, một số phần tử thoái hóa, biến chất bị chúng lôi kéo vào các hoạt động chống phá. Chúng lợi dụng truyền đạo để tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước, xuyên tạc đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở. Để đấu tranh ngăn chặn những âm mưu và hành động ấy chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều việc. Thực tế trên cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc, cần đẩy mạnh với nhiều hình thức và cách làm phù hợp, đề cao tính hiệu quả. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, tiến hành tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, cần đi sâu vào từng bản, làng, từng cơ sở để tuyên truyền chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo để đồng bào hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn thâm độc xảo quyệt của bọn phản động đội lốt tôn giáo gieo rắc những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, những luận điệu xuyên tạc nói xấu Đảng, Nhà nước, chia rẽ người Kinh với người dân tộc, chia rẽ Đảng với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Cần sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền văn hóa cổ vũ thuần phong mỹ tục, những tập quán, nếp sống văn hóa đẹp, lành mạnh của các dân tộc, đồng thời phê phán đấu tranh mạnh mẽ với những hiện tượng mê tín, dị đoan, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Đây chính là những hàng rào vô hình ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, tư tưởng phản động và luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là nhất quán và rõ ràng, thể hiện đầy đủ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “Dân là gốc”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Tuy nhiên, các chính sách này cần được thể chế hóa, cụ thể hóa phù hợp với từng vùng, miền và từng địa phương, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc và quan trọng nhất là phục vụ lợi ích thiết thực của người dân. Chính sách dù hay đến mấy mà cuối cùng người dân không được hưởng lợi, không có lợi ích trong đó thì cũng vô nghĩa. Các chính sách, do vậy, cần được kiểm nghiệm trong thực tế và có những điều chỉnh phù hợp sát đúng với mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, bảo đảm phát huy hiệu quả cao nhất trên thực tế. Làm như vậy thì nhất định không một thế lực nào có thể bóp méo, xuyên tạc, chia rẽ, phá hoại quyền bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét