Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Phản bác luận điệu xuyên tạc phủ nhận giá trị lịch sử của chiến thắng 30/4/1975

 Cách đây 48 năm, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt Nam kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm (1954 – 1975) đầy khó khăn và vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Kể từ đó, ngày 30/4 hằng năm trở thành Ngày hội thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.

Dẫu vậy, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị, chống đối lại cố tình đưa ra các thông tin, luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc, bóp méo thực tiễn lịch sử, vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc của Việt Nam và đi đến xuyên tạc, phủ nhận sự thật về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30/4/1975 trên một số trang báo, trang mạng xã hội, như: Việt Tân, Nhật ký yêu nước, VOA, BBC News, Tin Tức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ Channel…

Chúng tung ra các bài viết, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, xuyên tạc lịch sử về ngày 30/4/1975. Đồng thời, đưa ra hàng loạt các bài viết, video, hình ảnh xuyên tạc để phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta. Chúng gọi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 là “cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc”; gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày quốc hận” và tháng 4-1975 là “Tháng tư đen”.

Chúng còn rêu rao rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam cho quân Bắc Việt xâm chiếm miền Nam; “tháng 4 là tháng vo gạo bằng nước mắt”, hay “thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào”... Chúng cố tình xuyên tạc quá khứ một cách trắng trợn, vô căn cứ. Mặt khác, chúng tạo các diễn đàn, hội nhóm và ra sức tuyên truyền đến một bộ phận người Việt Nam định cư tại nước ngoài để hướng cái nhìn lệch lạc, phiến diện, hận thù, cực đoan, tụ tập tiến hành kỷ niệm “ngày quốc hận”, đòi “phục hồi danh dự cho những người trong chế độ Việt Nam Cộng hòa”, đòi Việt Nam phải thừa nhận cuộc chiến vệ quốc là cuộc “nội chiến”

Nguy hiểm hơn, dưới danh nghĩa hòa hợp, hòa giải dân tộc, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động, chống phá còn đưa ra luận điệu cho rằng chỉ khi nào Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước, chỉ khi nào Việt Nam lựa chọn đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc. Hài hước hơn, một số kẻ cố tình “dẫn dắt quần chúng” bằng cách đưa ra lập luận hết sức phi lý, vô căn cứ rằng: Phải coi việc xóa bỏ chế độ cộng sản là một “mệnh lệnh của lương tâm, là tương lai của dân tộc”.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta, đất nước ta đã có những bước phát triển toàn diện. Vị thế, uy tín trên trường quốc tế của nước ta được khẳng định rõ nét. Những giá trị lịch sử, ý nghĩa vĩ đại của Chiến thắng 30/4/1975 và thành tựu qua hơn 35 năm đổi mới của đất nước ta là minh chứng sống động, khẳng định đanh thép nhất, đập tan những luận điệu xuyên tạc phủ nhận các giá trị cốt lõi của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng: Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử không thể xuyên tạc. Bởi, đây là chiến thắng của chính nghĩa và sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Là thắng lợi trọn vẹn nhất, vững chắc nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, của độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm, luận điệu của những thế lực chống phá đất nước là một thủ đoạn “đê hèn”“bẩn thỉu” để khoét sâu hận thù, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng minh: Để có ngày toàn thắng, non sông thu về một mối, quân và dân ta đã phải trải qua 21 năm trường kỳ kháng chiến, hy sinh, gian khổ, có những thời điểm tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của Quân đội và nhân dân cả nước, cùng tinh thần đoàn kết, triệu người như một “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”… Cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta là cuộc kháng chiến chính nghĩa, được cả thế giới ủng hộ.

Từ việc kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, ủng hộ của dư luận quốc tế, với đường lối kháng chiến tài ba, quân và dân ta đã tạo nên chiến thắng 30/4/1975 vĩ đại. Chiến thắng đó thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức sống mãnh liệt của văn hóa và con người Việt Nam, không chỉ dân tộc Việt Nam mà nhân loại tiến bộ trên thế giới đều thừa nhận, trân trọng, tự hào và ngưỡng mộ.

Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, khẳng định tầm vóc vĩ đại, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của cả dân tộc ta, đánh dấu bước ngoặt quyết định đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước 48 năm qua, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và trải qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nền kinh tế phát triển với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm; quốc phòng an ninh được giữ vững, củng cố và tăng cường.

Đáng ghi nhận hơn là việc Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nhất là có uy tín, vị thế cao trong hoạt động của Liên hợp quốc (gia nhập ngày 20/9/1977), là quốc gia điển hình, được nhân dân thế giới yêu mến khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; thành viên trách nhiệm, tích cực của tổ chức ASEAN (gia nhập ngày 28/7/1995), APEC (gia nhập ngày 14/11/1998), WTO…

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, có thể thấy, nhân dân Việt Nam luôn đề cao sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận những người từng lầm đường, lạc lối nếu họ thực sự có thiện chí, biết quay đầu về với Tổ quốc. Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam tại nước ngoài đã khẳng định chủ trương: “Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Chỉ thị số 45 - CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”“Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. 

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; để đất nước phát triển ngày càng hùng cường, vững mạnh, tất cả người Việt Nam cần nêu cao tinh thần dân tộc, xóa bỏ những định kiến, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống nhân nghĩa, chung tay xây dựng đất nước…

Chúng ta luôn tự hào và khẳng định rằng: Chiến thắng 30/4/1975 là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất, vĩ đại nhất trong hành trình thực hiện mục tiêu cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Nếu không có Chiến thắng 30/4/1975, chúng ta không thể có công cuộc đổi mới hiện nay, không có điều kiện để tập trung tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 50 năm qua. Những thành quả đó sẽ là minh chứng sắc bén và bẻ gãy mọi luận điệu xuyên tạc về Chiến thắng 30/4/1975 bất diệt.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác trước những luận điệu sai trái và đấu tranh vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa